13/04/2013 06:34 GMT+7 | Italy
(lienminhbng.org) - Người Ý thở dài. Lazio là CLB cuối cùng của bóng đá Ý bị đánh văng khỏi hai Cúp Châu Âu.
Champions League, đấu trường bóng đá cho cấp CLB lớn nhất châu lục giờ là lãnh địa của người Tây Ban Nha và Đức. Tại sao calcio thất bại?
Juve và các đội bóng Italia không có "triển vọng" đoạt Cúp châu Âu?
Tụt lùi so với đối thủ
Bài "diễn văn" của Conte sau khi Juve không còn có mặt trong cuộc đua Champions League nữa có thể được coi là bản tóm tắt của những vấn đề mà người Ý phải đối mặt, khi sự thất bại đồng loạt của họ mùa này không khỏi khiến những ai có liên quan phải suy nghĩ. Anh nói: "Các vị có thể nói, sẽ có một CLB Italia nào đó đoạt chức vô địch Champions League trong 2,3 năm tới, nhưng đấy chỉ là ảo tưởng. Ở Italia, trong khi đáng lẽ phải suy nghĩ về những điều hệ trọng thì người ta lại cãi nhau về những chuyện không đâu. Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đang làm gì. Không gì hết. Chúng ta bất động. Cần phải suy nghĩ một cách khiêm tốn, rằng chúng ta không có triển vọng đoạt Cúp Châu Âu".
Conte nói đúng. Italia đang đứng sau những nền bóng đá đối thủ, và dường như khoảng cách sẽ ngày càng xa thêm nếu như không có một điều gì đó thay đổi mạnh mẽ, sau khi Champions League giống như một con tàu chở đầy hy vọng đã rời nước Ý để đến những nơi giàu có hơn.
Trong số 4 đội vào đến bán kết mùa này, có đến 3 đội góp mặt trong số 10 CLB có thu nhập cao nhất thế giới trong năm 2012 (Real Madrid, Barcelona và Bayern), trong khi Milan, đội bóng có thứ hạng cao nhất của Italia trong danh sách này, chỉ đứng thứ 8, còn Juve đứng thứ 10. Thu nhập của Juve thực ra chỉ nhỉnh hơn Dortmund một chút (195 triệu euro so với 189 triệu), nhưng Juve thì bây giờ ở nhà, còn đội bóng Đức thì đã có mặt ở bán kết.
Ai đó có thể nói, Dortmund chỉ phải gặp Malaga chứ không phải Bayern. Nhưng vấn đề thực ra không nằm ở chỗ ấy. Những gì đã trải qua với Dortmund đáng để lưu tâm: họ suýt phá sản vào năm 2005 (một năm trước khi Juve bị tụt xuống Serie B, cũng có thể được coi là một dạng phá sản nào đó), nhưng đã nhanh chóng đi lên từ lứa cầu thủ trẻ, đã đoạt 2 chức vô địch Bundesliga, đã tạo ra một lối chơi đẹp, hứng khởi và mạnh mẽ, đã xây được một sân vận động để đăng cai World Cup.
Bài học Dortmund
Như thế, Dortmund đã đi trước Juve và các CLB khác của Italia quá nhiều năm trên mọi vấn đề, vừa không bị tiền lương cầu thủ "đè chết", vừa phát huy tối đa khả năng kinh doanh thương mại và phát triển tối đa đội hình. Trong số những CLB lớn nhất của Italia, chỉ có Juventus là thay đổi mạnh mẽ nhất, trên mọi phương diện, từ lối chơi, kinh doanh thương mại cho đến xây sân bóng riêng.
Nhưng như Conte thừa nhận, Juve vẫn đi sau các đối thủ lớn của châu Âu trên những mặt ấy, và không thể so sánh được với những Real, Barca hay Bayern về doanh thu, ngân sách chuyển nhượng, khả năng khai thác giá trị thương mại cũng như mức độ uy tín để tạo sức hút lớn đối với những ngôi sao quốc tế lớn vốn bây giờ không đến với sân cỏ Italia nữa (mà hầu hết là những cầu thủ trẻ tầm 19-22 tuổi xuất hiện và rồi lại ra đi sau khi đã thành danh).
Điều duy nhất mà Juve không thua kém những đối thủ lớn châu Âu chính là khả năng sử dụng và lấp đầy sân nhà. Bundesliga, với 45 nghìn khán giả trung bình mỗi trận, đang là giải bóng đá có nhiều người xem nhất trên khán đài. Premier League (34,6 nghìn) và La Liga (29 nghìn) cũng vượt xa Serie A, với số khán giả trung bình/trận chỉ hơn 23 nghìn người, nhỉnh hơn một chút so với giải Hà Lan (19 nghìn).
Không ngạc nhiên khi 3 trong số 4 CLB có thu nhập cao nhất hành tinh đã có mặt ở bán kết và chắc chắn họ sẽ còn đi xa hơn nữa trong tương lai. Các CLB của Italia khó có thể đua tranh với những đội bóng lớn ấy, nhưng bài học của Dortmund có thể có ích cho họ trên con đường trở lại với đỉnh cao châu lục. Bài học ấy là ở chỗ: tiền bạc chưa phải là quan trọng nhất, mà là đầu tư thế nào, và điều đáng chú ý, là trong hoàn cảnh calcio khủng hoảng tài chính, cách tốt nhất là hướng đến các cầu thủ trẻ.
Milan đã đi đúng hướng trên con đường này, nhưng mới chỉ là bước đầu. Inter đã có Kovacic, Guarin và Stramaccioni, nhưng vẫn còn lúng túng cho hiện tại và tương lai. Juve là nhà vô địch nước Ý, là bộ khung của đội tuyển Ý, nhưng còn chưa đủ kinh nghiệm để đá Cúp Châu Âu và mùa tới sẽ phải đầu tư lớn và hợp lí hơn nữa.Bây giờ, chưa ai nhìn thấy con đường sáng phía trước họ.
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
4 Italia đang đứng vị trí thứ 4 trong BXH UEFA cho các CLB vào năm 2013, với 63,981 điểm và đã bị Đức bỏ xa (78,186). Đứng trên họ là Anh (81,535) và Tây Ban Nha (87,739). Đuổi sát Italia là Pháp, với 59 điểm ít hơn. 22.466 Là số khán giả trung bình mỗi trận ở Serie A mùa 2011/12, đứng sau Bundesliga (45.116 người/trận), Anh (34.000) và Tây Ban Nha (28.796). 2,6 tỷ Là khoản nợ (tính bằng euro) của Serie A trong mùa bóng 2011/12, cao thứ nhì trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, chỉ sau La Liga. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất