23/09/2019 08:31 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Trọng tài Trương Hồng Vũ đã tự mua dây buộc mình, khi bẻ còi, không công nhận bàn thắng được cho là hợp lệ của B.Bình Dương (Tiến Linh, phút 90’ + 1) ở trận đấu với Viettel trên sân Hàng Đẫy (2-1 chung cuộc), thuộc lượt trận thứ 24 Wake-up 247 V-League 2019, diễn ra vào cuối tuần qua.
Nói là bẻ còi, bởi chỉ vài chục giây trước đó, trọng tài chính Trương Hồng Vũ và trợ lý 1 Phạm Hoài Tâm đều đã công nhận đó là bàn thắng hợp lệ. Chỉ sau khi có sự can thiệp - hội ý từ trọng tài thứ 4 (trọng tài bàn) Vũ Phúc Hoan, ông Vũ mới thay đổi quyết định trước sự ngỡ ngàng của tất cả.
Về luật, khi bóng chưa được đưa trở lại cuộc, các trọng tài vẫn có thể thay đổi quyết định. Trên thế giới, với một số giải đấu hàng đầu, người ta đã đưa vào sử dụng công nghệ trọng tài video (VAR), như một cách kéo dài thời gian hội ý. Nhưng trong tình huống này, không thể áp dụng VAR (nếu có), bởi hai 5 rõ 10.
Trước khi chúng ta đề cập đến sự yếu kém nói chung của đội ngũ cầm cân nảy mực trong làng bóng đá Việt Nam, với những quyết định nhập nhằng, khó hiểu và thiếu quyết đoán, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu..., thì phải xem sau quyết định bẻ còi ấy, ai là người hưởng lợi?
Viettel đương nhiên là đội bóng được hưởng lợi nhiều nhất, khi họ đã được "biếu" 2 điểm, để rời xa nhóm “cầm đèn đỏ”. Kế đến, liệu tổ trọng tài có được hưởng lợi theo hay không, của ai và bao nhiêu với quyết định bẻ còi này? Cần một cuộc điều tra nghiêm túc, bởi đây không được xem là một tình huống khó, để trọng tài có thể mắc sai lầm chỉ vì “cũng là con người”.
Ông Trương Hồng Vũ trần tình rằng, ông bị mất phương hướng thổi phạt, khi đầu thì nghĩ Tiến Dũng (Viettel) đã bị Sỹ Giáp (B.Bình Dương) phạm lỗi, trước khi trung vệ Viettel để bóng chạm tay, nhưng cử chỉ và hiệu lệnh của vị trọng tài chính này lại là cho B.Bình Dương được hưởng đá phạt. Tình huống bóng được triển khai rất nhanh và ông Vũ đã công nhận bàn thắng.
Theo giới trọng tài, ông Trương Hồng Vũ (Quảng Nam) có quan hệ rất mạnh ở Ban Trọng tài, nên luôn được ưu ái từ 2 năm qua. Ông Vũ (và cộng sự) chắc chắn không "ăn gan hùm" để có thể “tự làm tự ăn”, như tình huống trên sân Hàng Đẫy! Vậy đằng sau ông Vũ, những ai đang chống lưng?
Trả lời báo chí, Trưởng Ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền cho rằng, ông không hiểu tại sao thuộc cấp của ông lại xử lý tình huống ấu trĩ như vậy? Ông Hiền thậm chí còn dùng từ rất nặng là “lấp liếm” để nói về lời bào chữa của trọng tài Vũ.
Tình huống của trọng tài Trương Hồng Vũ và cộng sự, làm chúng ta nhớ lại trường hợp bẻ còi của trọng tài Nguyễn Xuân Hoà trên sân Chi Lăng, V-League 2008, trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Gạch Đồng Tâm Long An. Khi ấy, cả Phó BTC giải là ông Mai Đức Chung và các giám sát đã nhảy bổ xuống đường piste, buộc ông Hoà phải thay đổi quyết định. Đó là một vết nhơ của giải đấu.
Sân Chi Lăng còn xảy ra ít nhất 2 trường hợp bẻ còi khác trong quá khứ, đấy là Võ Minh Trí (2007) và Hoàng Ngọc Hà (2015). Tại Hàng Đẫy, không có quan bóng đá hay quan trọng tài nào bắt ông Trương Hồng Vũ bẻ còi cả, mà là vị trọng tài bàn Vũ Phúc Hoan. Ông Vũ Phúc Hoan là ai và ở đâu, “dây nhợ” như nào, cũng cần phải điều tra ngọn ngành.
Cũng ở lượt trận thứ 24, sân Thống Nhất, trận derby TP.HCM - Sài Gòn FC, không hiểu do nhầm lẫn hay tiết kiệm chi phí mà Ban Trọng tài và BTC giải đấu lại phân công các trợ lý trọng tài là người TP.HCM, gồm Phan Thuỵ Sỹ, Nguyễn Thanh Sơn...?! Về nguyên tắc, sự phân công này là rất nhạy cảm và chưa từng có tiền lệ. Rất may, đã không có tai nạn nào xảy ra, ở một trận đấu vô thưởng vô phạt.
Bức màn nhung tưởng như đang khép lại, thì lại được mở ra ở những vòng cuối. Trời hanh vật khô, vẫn là cẩn thận củi lửa.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất