20/04/2017 08:15 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Trưởng đoàn hay Giám đốc Thể thao - điều hành CLB Bayern Munich không nhảy bổ vào sân hoạnh hoẹ, thách thức trọng tài (TT); HLV trưởng Carlo Ancelotti không xua quân làm gián đoạn trận đấu và cao hơn, các ông chủ CLB Đức không doạ bỏ UEFA Champions League - giải đấu danh giá bậc nhất thế giới túc cầu cấp CLB, sau khi đội bóng xứ Bavaria dường như đã bị TT tước mất suất chơi bán kết bởi các quyết định sai lầm, đồng thời trao nó cho Real Madrid...
Đấy là lối hành xử chuyên nghiệp ở cái nơi mà người ta đã ví von, nó cách xa bóng đá Việt Nam cả trăm năm ánh sáng. Cuộc chơi nào cũng có luật và trong các trận đấu bóng đá, nhà tổ chức mặc định luôn sai sót của TT là một phần của cuộc chơi, phải chấp nhận. Không kiện cáo hay khiếu nại gì cả, nếu không muốn bị phạt nặng. TT là cha là mẹ và có lẽ vì lý do này mà ở Việt Nam, đội ngũ cầm còi, cầm cờ đã được ví như những vị "vua sân cỏ" với quyền năng tối thượng? Chỉ Ban TT và tổ chức cao hơn sử dụng họ, mới có quyền phế bỏ, hoặc cho tồn tại. Các đội bóng cũng không được phép yêu cầu ông này, ông nọ tham gia điều khiển trận đấu của mình.
Môi trường bóng đá tạo nên sự khác biệt về văn hoá ứng xử, cũng như sự tôn trọng lẫn nhau trên sân cỏ. Dám cược luôn rằng, lãnh đạo đội bóng và cầu thủ sẽ giữ thái độ vừa phải hơn với các TT, nếu họ không từng "cầm" được họ. Và mối quan hệ nội hàm ở Ban TT, cũng như BTC giải đấu và bản thân giữa các TT với nhau cũng phân hoá, nghi kỵ. TT nếu không phải "dây", phải "cạ", dễ bị soi hoặc thậm chí không được phân công nhiệm vụ, khoan nói được bảo vệ và ngược lại. Trên đe (Ban TT và BTC giải đấu), dưới búa (các đội bóng và khán giả), TT có thể nói là sống trong sợ hãi, chứ đừng nói là muốn vận quyền năng của "vua sân cỏ" mà hành sự.
Sai sót của TT từ mùa này qua mùa khác, trận này qua trận nọ, khiến dân tình phải dùng từ "vấn nạn", ngoài năng lực hạn chế thì cần phải bàn tới môi trường làm việc không sạch, khiến họ tâm không vững. Mà năng lực hạn chế là điều có thể cải thiện được bằng với thời gian, thông qua hệ thống đào tạo nguồn các TT trẻ có phẩm chất, nhưng môi trường TT một khi thiếu minh bạch, thậm chí bị vấy bẩn, thì cần cả một cuộc cách mạng để cải tổ. Kỷ luật các TT không phải là giải pháp tối ưu, bởi nó chỉ giải quyết được phần ngọn, làm an dư luận, mà phải xem xét trách nhiệm và kỷ luật luôn những vị đứng đầu Ban TT, cũng như thành viên BTC có trách nhiệm phân công công tác TT. Dám không?
Một khoảng thời gian đủ dài, V-League đã phát triển với tốc độ chóng mặt, vượt mặt Thai League và thậm chí đứng đầu Đông Nam Á về thu hút nguồn lực, cũng như độ lan toả, chất lượng chuyên môn. Sai sót TT vẫn có, nhưng ít được bàn tới, thay vào đó là những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp, những ngôi sao cỡ bự lại vừa tìm đến dải đất hình chữ S. Đấy là giai đoạn 2003-2010, đi cùng những cột mốc chói lọi của nền bóng đá: ĐTQG lọt vào tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008; Đội tuyển Olympic đi tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 và CLB B.Bình Dương giành quyền chơi bán kết AFC Cup 2009. Cũng giai đoạn này, đại án tiêu cực TT và SEA Games 2005, bị phanh phui.
Dài dòng như thế để thấy rằng, sự phát triển đồng bộ của nền bóng đá, hay các giải đấu, khó thoát được những bất lợi - tồn tại đồng hành, với ngay cả bóng đá Âu châu, chứ đừng nói bóng đá vùng đang phát triển. Vấn đề của VFF hay nhà tổ chức là tiết chế tối đa những hạt sạn với ngay người của mình, minh bạch hơn, đồng thời tạo một môi trường văn hoá ứng xử văn minh với nhau hơn, tôn trọng cuộc chơi hơn, thay vì doạ nạt, mặc cả và chỉ bàn tới việc kỷ luật. Phải, TT cũng là con người, hãy dùng họ và đối xử với họ như những con người, rồi bồi dưỡng để họ tốt hơn.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất