09/04/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Có cảm tưởng chưa bao giờ việc nuôi dạy con lại gặp nhiều thách thức như thời hiện đại. Điều lớn nhất có lẽ là sự không hiểu được nhu cầu của đôi bên, cha mẹ và con cái. Nhiều cuốn sách mang tính khoa học lẫn kinh nghiệm thực tiễn của các cha mẹ ra đời, nhưng với tốc độ phát triển quá mau lẹ của công nghệ, việc nuôi dạy con cũng liên tục bị đòi hỏi cập nhật.
1. Trong vòng tay mẹ (NXB Thế giới) của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy được chú ý bởi chính tác giả là một biên tập viên văn học, vốn dĩ mát tay với những đứa con tinh thần của nhiều người. Giờ đây, cuốn sách đầu tay của chị ra đời lại “bập” trúng vấn đề nóng hổi của xã hội, dĩ nhiên người đọc sẽ tò mò: Đứa con tinh thần của chị viết về những đứa con thật sẽ thế nào?
Câu tục ngữ quen thuộc “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” nói lên cái logic của sự nối dõi dòng tộc, song việc vì sao lại không dùng “mẹ - bà” trong câu tục ngữ này có thể cho thấy nhiều điều về quan niệm dòng dõi. Nó có vẻ xem nhẹ chức năng sinh đẻ của phụ nữ trong hệ thống nối dõi này, hoặc là tư duy truyền thống vốn dĩ hòa thuận với quan niệm đó, không hẳn phải bị chi phối từ quan niệm Nho giáo hay nam quyền. Nhưng thực tế đúng là khái niệm nuôi dạy con trên thế giới, chẳng hạn ở Mỹ, cũng mới chỉ có từ thập niên 1960.
Nữ đạo diễn Nora Ephron đã nói, thời bố mẹ bà rồi đến lúc sinh con đầu, xã hội Mỹ vẫn chưa có ý niệm gì mấy về nuôi dạy con (parenting) cho dù ai cũng nhận thức về việc làm bố mẹ (parenthood). Xã hội hiện đại đã kéo theo mối bận tâm về nuôi dạy con, tạo ra mối bận tâm thường trực.
Tôi đã rất đồng cảm với những gì Nora đã viết, bởi như gặp lại chính mình trong quan hệ với bố mẹ: "Bố mẹ không bận tâm đến việc nuôi dạy bạn. Họ chỉ thuần túy là bố mẹ thôi. Ít nhất 1 trong 2 người uống rượu như hũ chìm. Trong khi bạn thì gương mẫu. Bạn cống hiến ngần ấy năm để làm cho con bạn cảm thấy bạn chăm lo từng cảm xúc một của chúng. Bạn lấp đầy mỗi giây đang thức của cuộc đời chúng bằng các hoạt động văn hóa. Những câu như “con chán” không bao giờ lọt ra ngoài miệng chúng, bởi vì chúng không có thời gian để mà chán. Con bạn có mọi thứ bạn có thể cho - mọi thứ và hơn thế nữa, nếu như bạn có thể đếm được số lượng giày thể thao. Bạn yêu thương chúng điên dại, nhiều hơn mức bố mẹ bạn từng yêu bạn. Dẫu vậy thì dường như chúng vẫn lớn lên chính xác theo cách những đứa vị thành niên luôn thế. Chỉ tệ hơn. Làm sao ra cơ sự này nhỉ? Bạn đã làm gì sai?" (Phát khổ vì cái cổ - NXB Trẻ).
2. Bởi thế tôi hồi hộp đọc cuốn sách mới của Diệu Thủy - Trong vòng tay mẹ - với tâm thế, để xem các vướng mắc muôn thuở mà bà mẹ hiện đại này xử trí ra sao. Tôi sẽ không dẫn ra các đoạn trích vì thực sự nhiều đoạn rất thú vị mà tôi không nhớ hết, nhưng có thể nói rằng, mẹ Thủy của 2 bạn Miu và Hét thuộc mẫu bà mẹ năng động mà nhạy cảm giống với hình ảnh mà Nora Ephron đã tự thuật.
Nghĩa là ở các bà mẹ này, quá trình sinh con rồi nuôi dạy con là một sự cân bằng giữa cảm xúc ào ạt tham ái “tất lẽ dĩ ngẫu” của các bà mẹ Đông - Tây (và Việt Nam ta thì thôi rồi, luôn là những bát nước tràn trề), với lý trí để phanh hãm sự bao bọc, tạo ra môi trường quá an toàn, quá thuận lợi, mà như Thủy đã viết, để cho con không mềm yếu quá (trong trường hợp cô con gái đầu mít ướt) hoặc không tổn thương vì xung đột trongbày tỏ cái tôi (với cô con gái út cứng đầu). Làm mẹ quả thực không chỉ ru con mà còn “thức tỉnh” con.
Trở đi trở lại trong các phần của cuốn sách là sự băn khoăn của người mẹ, liệu mình có chuẩn bị đủ, liệu mình có thừa, liệu mình có thiếu... khi chìa tay, giơ tay, hay dang tay với con? Sự trải nghiệm của người mẹ này cho thấy, mỗi đứa trẻ trong một nhà giờ đây giống như một nhánh rẽ khác hẳn nhau từ một gốc, không thể áp dụng chung một mẫu ứng xử.
Ngày xưa thì khác, bố mẹ không có nhiều thì giờ và kiến thức để cân đo cho từng đứa con, song những đứa trẻ hồi ấy cũng có phần buộc phải thích ứng. Bà mẹ Diệu Thủy cũng có nét gây được đồng cảm lớn nơi các bố mẹ cùng thế hệ, ấy là sự hài hước, dí dỏm, nhưng không đem con ra làm trò vui với những sự châm chọc, giễu nhại tưởng như vô hại, mà kỳ thực sau này những đứa trẻ đã lớn nhớ rất dai.
Có người sẽ nói, đây là một bà mẹ làm nghề biên tập sách, tiếp xúc chữ nghĩa nhiều, người bố lại có vẻ kinh tế cũng khá, nên các cô bé sống ở thành phố này dường như được nhiều lợi thế so với nhiều bạn nhỏ khác: Bố mẹ dành thời gian kèm cặp, chơi đùa và yêu thương, gia đình hay đi du lịch, thậm chí đi cả châu Âu...
Nhưng trong các vấn đề trẻ con va phải, vẫn là câu chuyện muôn thuở của sự công bằng trong tình cảm, trong sự lắng nghe thấu hiểu. Như Nora Ephron đã viết, "Nuôi dạy con nghĩa là bất kể con cái hiểu bạn hay không, bạn bắt buộc phải hiểu chúng; hiểu là chìa khóa cho mọi sự".
Bà mẹ Diệu Thủy cũng hơi lo âu về những điểm mù mờ trong tính cách 2 đứa con: Đứa dễ chấp nhận quy định cũng là đứa dễ ủy mị, chẳng biết sẽ vượt qua sóng gió mai sau ra sao, đứa cứng đầu cứng cổ luôn gây rắc rối nơi đông người liệu có hòa thuận được với xã hội khi lớn lên không... nhất là khi vòng tay mẹ không sẵn ở đó mà dang ra ôm lấy.
3. Cuốn sách dĩ nhiên dừng lại khi các bạn nhỏ nhân vật trong sách chưa đến tuổi vị thành niên. Cứ theo những gì bạn bè tôi than thở và lo âu, thì tuổi vị thành niên gây nhiều đau khổ và mệt mỏi nhất cho các bậc bố mẹ. Vậy chẳng biết được phương pháp của bà mẹ Diệu Thủy sẽ phải vận dụng thế nào trong dăm năm nữa, nhưng hẳn là với cá tính và sự linh hoạt của bà mẹ này, rồi các cô con gái cũng sẽ phải nhận thấy, chúng may mắn rất nhiều vì có một bà mẹ chịu khó tìm cách hiểu chúng.
Tôi đã biết rất nhiều bà mẹ đã bỏ cuộc, phó mặc cho trường học và dòng đời nhào nặn con mình. Vì họ quá mệt, vì họ quá nhiều mặc cảm, vì họ tự ti, vì họ tự cao, vì họ thất vọng với chính bản thân cũng đang bước vào khủng hoảng trung niên.
Nora Ephron có một câu được nhiều người dẫn lại: "Khi con bạn đến tuổi vị thành niên, điều quan trọng là có một con chó để còn ai đó trong nhà thực sự hạnh phúc khi trông thấy bạn". Khó mà nói trước tương lai, song với cuốn sách mang dáng dấp bút ký viết cho con của Diệu Thủy, những đứa trẻ hẳn rất nên hạnh phúc vì cuộc đời đã sẵn có bố mẹ ở đó yêu thương mình, mà lại còn tinh tế để ý từng mạch đập, để viết ra mà chia sẻ... Sự chia sẻ giữa những người thân trong gia đình, thực sự khó, rất khó, mà khi đã đi quá xa rồi, mới thấy là chẳng kịp.
Vài nét về Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - Sống tại Hà Nội. - Biên tập viên sách. - Cộng tác viên của nhiều tờ báo; diễn giả và điều phối viên của các tọa đàm về sách, về văn chương và về nghề biên tập. - Sở thích: buôn chuyện với con, nấu ăn và ăn, đạp xe ngoài trời, đọc sách trên sofa với một cốc cà phê nóng hoặc một ly rượu vang lạnh bên cạnh. |
Làm mẹ phải chăng là công việc tốn nhiều nước mắt nhất? “Mẹ nhận ra từ khi có 2 đứa, mẹ thay đổi rất nhiều. Nuôi con, mẹ trở nên mềm yếu hơn, dễ xúc động, hay sợ hãi. Mẹ không còn muốn xem phim kinh dị nữa. Những câu chuyện buồn liên quan đến trẻ con mà mẹ nghe được luôn làm mẹ đau thắt. Mẹ từng khóc như mưa khi đến chia buồn với bà hàng xóm, con dâu của bà mới mất để lại 2 đứa con nhỏ, mà mẹ chỉ quen xã giao với cô ấy. Và mẹ khóc vì các con rất nhiều. Khi Hét 1 tháng tuổi rưỡi bị viêm phổi mẹ cứ nhìn bàn tay bé xíu quấn băng cái ống chờ tiêm mà nước mắt chan hòa. Khi Miu vào lớp 1 lon ton xếp hàng đi vào lớp cùng các bạn. Khi Miu lần đầu tiên đạp xe mà không cần bố giữ, tóc bay tung trong gió. Làm mẹ phải chăng là công việc tốn nhiều nước mắt nhất?…”. (Trích Trong vòng tay mẹ) |
Nguyễn Trương Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất