11/01/2015 07:59 GMT+7 | Trong nước
Sau khi các tay súng cực đoan bắn chết 12 người trong vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo, câu "Je Suis Charlie" (Tôi là Charlie) đã trở thành khẩu hiệu thể hiện sự ủng hộ với các nạn nhân và tờ báo.
Hàng kèm khẩu hiệu giá cao
Hàng triệu triệu người đã gắn kèm các chữ Je Suis Charlie trong các bài viết của mình. Nhưng cũng có những kẻ muốn nhân cơ hội để kiếm lợi, thông qua việc bán các miếng đề can, cốc, mũ, áo phông... với dòng chữ Je Suis Charlie ở trên.
Một số đã hứa hẹn sẽ không lợi dụng sự kiện đau buồn này để trục lợi. Họ hứa quyên tặng khoản tiền bán hàng cho từ thiện, gồm việc chuyển tiền cho tạp chí Charlie Hebdo. Trang thương mại điện tử Amazon ở Pháp, tại địa chỉ Amazon.fr, đã cam kết làm điều này. "Amazon.fr sẽ chuyển tiền nhận được từ việc bán các sản phẩm hàng hóa của bên thứ 3, có sử dụng dòng chữ Je Suis Charlie, tới tạp chí Charlie Hebdo" - công ty cho biết. Amazon Pháp cũng cam kết sẽ rút tất cả các mặt hàng vi phạm quy định liên quan tới sự kiện Charlie Hebdo xuống khỏi trang mua sắm này.
Các đề can Je Suis Charlie hiện nằm trong danh mục hàng bán chạy nhất của Amazon Pháp. Một số tấm đề can được niêm yết với giá tới 14,99 euro (18 USD). Một số mặt hàng Je Suis Charlie khác cũng có giá rất cao. Ví dụ như một chiếc tạp dề làm bếp màu đen có chữ Je Suis Charlie viết màu trắng đã được bán với giá "cắt cổ" là 25,50 euro. Chiếc tạp dề này sử dụng vật liệu rất bình thường, với thành phần gồm 65% là nhựa polyester và 35% vải cotton, với một kích cỡ duy nhất.
Trang đấu giá trực tuyến eBay, nơi rao bán nhiều bản in tạp chí Charlie Hebdo, chỉ vài giờ sau vụ khủng bố, cũng hứa làm điều tương tự. Những người tham gia đấu giá hiện đã trả tới 70.000 euro cho các bản in kể trên.
"Thật đáng hổ thẹn"
Hãng tin AFP cho biết nhiều trang mua sắm trực tuyến đã phải rút sản phẩm xuống, sau khi hứng chỉ trích từ người dùng Internet. "Thật đáng hổ thẹn khi các người lợi dụng nỗi đau từ vụ Charlie Hebdo để bán các sản phẩm Je Suis Charlie" - một người viết trên trang Facebook của Spreadshirt, công ty chuyên bán áo phông qua mạng Internet.
Công ty đã phải giải thích rằng họ không có ý định thu lợi từ sự kiện. "Chúng tôi đã kiểm tra từng cửa hàng trong danh sách các đối tác thương mại điện tử của mình, cũng như các mẫu thiết kế... để đảm bảo rằng sẽ không thu lợi từ việc bán các sản phẩm Je Suis Charlie - công ty viết trên blog - "Spreadshirt sẽ không chấp nhận khoản lợi nhuận nào".
Nhiều người bán hàng cá nhân trên các trang thương mại điện tử cũng nói rằng họ không hề thu được chút lợi nhuận nào và cũng không định thu lợi, dù treo giá cao cho sản phẩm có liên quan. Trên eBay, một người dùng có nick B.b.r nói rằng một chiếc áo phông với tấm bản đồ nước Pháp đẫm máu và dòng chữ Je Suis Charlie được bán với giá 13,60 là hoàn toàn "phi lợi nhuận".
Sáng lập viên trang web onatuecharlie.com (Charlie đã bị giết), nơi bán những chiếc áo phông với dòng chữ này, cho biết anh sẽ chuyển 50% lợi nhuận tới cho Hiệp hội nạn nhân khủng bố ở Pháp. "Charlie Hebdo vẫn là một công ty" - chủ sở hữu trang web trên, tự nhận là Vincent, nói với AFP - "Họ cần sự ủng hộ, nhưng không nhất thiết là ủng hộ tài chính. Tôi cũng thích được gửi tiền tới cho một tổ chức nào đó hơn (là tờ báo)".
Trái với mong muốn của tác giả?
Vincent cho biết đã mở trang web trên để giúp những người muốn ủng hộ tạp chí có thể mua được 1 chiếc áo. Anh nói rằng đã bán trung bình 10 chiếc áo mỗi ngày. Tương tự, trang Redbubble.com cũng tuyên bố sẽ quyên tặng lợi nhuận từ việc bán những chiếc áo Je Suis Charlie tới cho nhóm Nhà báo không biên giới. Tuy nhiên việc những cá nhân, doanh nghiệp này có làm đúng như tuyên bố của họ hay không thì rất khó để kiểm chứng.
Được biết dòng chữ Je Suis Charlie xuất hiện trên các sản phẩm hàng hóa kể trên thường có màu trắng, viết trên nền đen. Chữ này dùng cùng một kiểu phông mà Charlie Hebdo sử dụng trên các tít báo.
Dòng chữ là sản phẩm sáng tạo của Joachim Roncin, giám đốc nghệ thuật và là phóng viên âm nhạc tại tạp chí Stylist. Anh đã tải nó lên mạng chỉ vài phút sau khi có tin một vụ khủng bố đã xảy ra tại Charlie Hebdo làm 12 người chết, gồm tổng biên tập tờ báo. Trên Twitter, Roncin viết rằng người khác có thể tự do sử dụng "thông điệp và hình ảnh" do anh tạo ra. Tuy nhiên anh sẽ không muốn thấy người ta thu lợi từ ý tưởng của mình.
Chuyên đề: Vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris xem TẠI ĐÂY
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất