03/02/2016 00:17 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chiều 2/2, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như Zika...
*Australia phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus Zika
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, giới chức Australia ngày 2/2 xác nhận có 2 trường hợp mới nhiễm virus Zika là người Australia vừa từ vùng Caribbê trở về Sydney, song khẳng định loại virus do loài muỗi mang mầm bệnh này vẫn chưa lây lan ở trong nước.
Trong một tuyên bố, Giám đốc các bệnh truyền nhiễm Sở Y tế bang New South Wales Vicky Sheppeard cho biết hai bệnh nhân nói trên là trường hợp nhiễm nhẹ và đang trong quá trình phục hồi.
Trước đó, giới chức Australia đã kêu gọi người dân bình tĩnh khi cho biết nước này có hệ thống kiểm dịch sinh học hiện đại, giúp ngăn chặn nguồn mang dịch bệnh vào trong nước, song cũng khuyến cáo phụ nữ có thai nên cân nhắc về sự cần thiết khi đi du lịch. Hiện một số nước láng giềng của Australia đã phát hiện một số trường hợp nhiễm virus Zika như ở Samoa, Tonga và New Zealand.
* Thái Lan xác nhận một trường hợp lây nhiễm virus Zika.
Tương tự như Australia, cùng ngày giới chức Y tế Thái Lan xác nhận một trường hợp lây nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, đây là trường hợp lây nhiễm ngay trong lãnh thổ Thái Lan do người bệnh chưa từng ra nước ngoài trước đó.
Theo giới chức Y tế Thái Lan, bệnh nhân là một người đàn ông, 22 tuổi. Xét nghiệm máu cho thấy người này đã bị lây nhiễm chủng virus tương tự như virus đang hoành hành tại các nước Mỹ Latinh như Brazil và Colombia. Triệu chứng bệnh của người này gồm sốt, phát ban và mắt đỏ. Hiện người này đã bình phục và xuất viện.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan, Amnuay Gajeena , đây không phải lần đầu tiên loại virus này được phát hiện tại Thái Lan. Trường hợp đầu tiên đã được phát hiện vào năm 2012 và kể từ đó nước này ghi nhận được khoảng 5 trường hợp lây nhiễm mỗi năm.
* WHO thành lập đơn vị toàn cầu ứng phó với Zika
Trong khi đó, chỉ một ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp do virus Zika, WHO đã thành lập một đơn vị có uy mô toàn cầu nhằm ứng phó với loại virus nguy hiểm này.
Trong một tuyên bố, ông Anthony Costello, chuyên gia WHO, nêu rõ đơn vị này quy tụ tất cả chuyên gia y tế, các nhà khoa học của tổ chức này nhằm tìm cách ứng phó với sự lây lan của virus Zika. Trước mắt, dựa vào những kinh nghiệm có được từ cuộc khủng hoảng virus Ebola, các chuyên gia sẽ tìm ra cách thức kiểm soát nhanh chóng virus Zika cũng như hỗ trợ các trường hợp dị tật bẩm sinh và có vấn đề về thần kinh do loại virus này gây ra.
Theo ông Costello, điều đáng quan ngại hiện nay là sự lây lan rộng của virus Zika ra khỏi khu vực Mỹ Latinh, nơi hiện nay đã có 25 quốc gia ghi nhận các trường hợp lây nhiễm, và có thể virus này sẽ tái bùng phát tại những khu vực mà người dân chưa được phòng ngừa. Hiện tại, muỗi Aedes aegypti, vật truyền virus Zika, đã xuất hiện tại hầu hết châu Phi, một số khu vực phía Nam châu Âu và nhiều nơi tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
*Chủ động ngăn chặn dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam
Chiều 2/2, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như Zika, Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N6)...
Nước ta có đường biên giới dài với các nước cùng với việc giao lưu thương mại gia tăng nên việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh qua biên giới gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch bệnh vào Việt Nam trong thời gian tới rất lớn. Đồng thời, tại Việt Nam hiện nay đang là mùa đông – xuân cùng với sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Zika và bệnh lây truyền lây truyền qua đường hô hấp.
Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định: Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.
Trong khi đó, hiện nay người dân không có miễn dịch đối với vi rút Zika. Đồng thời, nước ta đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes – là loại muỗi truyền vi rút Zika. Đặc biệt, tại miền Trung nước ta dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và nguy cơ còn có thể kéo dài một thời gian nữa.
Trước tình hình trên, Việt Nam đã giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh từ các quốc gia và khu vực đang có dịch bệnh do vi rút Zika thông qua việc phát hiện các trường hợp sốt bằng máy đo thân nhiệt từ xa; xây dựng Hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika.
Các cơ sở y tế thực hiện lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika; đồng thời, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách, quản lý, theo dõi tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ với mần bệnh. Các cơ sở điều trị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong việc xét nghiệm, chẩn đoán xác định dịch cũng như điều tra dịch tễ ca bệnh...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện trên thế giới và khu vực đang có nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt bệnh do vi rút Zika có nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn.
Để phòng chống bệnh này, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch đến các nước đang lưu hành bệnh, đặc biệt là phụ nữ có thai. Người dân lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước để loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tiếp tục giám sát tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện sớm các ca bệnh và kịp thời cách ly, điều trị; tăng cường giám sát tại cộng đồng, đặc biệt là những nơi có mật độ muỗi cao...
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất