Trung Quốc sẽ gặp khó trong canh bạc biển Hoa Đông?

28/11/2013 07:07 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Quân đội Trung Quốc có thể sẽ phải chật vật đương đầu với việc tăng vọt các hoạt động giám sát và ngăn chặn trên biển Hoa Đông, nếu nước này kiên quyết triển khai quy định nhận dạng phòng không gây tranh cãi ở đây.

Đó là nhận định của giới phân tích quân sự và ngoại giao khu vực liên quan tới việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, vốn nằm chồng lên cả một quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và Tokyo đặt tên Senkaku.

Lập tức bị thách thức

Trung Quốc đã xuất bản tọa độ ADIZ vào cuối tuần trước và cảnh báo sẽ tiến hành "các biện pháp phòng vệ khẩn cấp" chống lại các máy bay không tuân thủ theo đúng quy định khi đi vào vùng không phận.

Nhưng ngay lập tức tuyên bố của Trung Quốc đã bị thách thức. Hôm thứ Hai tuần này, 2 máy bay ném bom B-52 không mang vũ khí của Mỹ, đang trong một hoạt động huấn luyện, đã bay trên quần đảo tranh chấp mà không báo trước với Bắc Kinh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã theo dõi chặt hoạt động của các máy bay B-52. Tuy nhiên theo phía Mỹ, 2 máy bay này không bị theo dõi hoặc bị ngăn chặn bởi các máy bay Trung Quốc.

Trong ngày 27/11, các hãng hàng không thương mại chính của Nhật Bản, cũng phớt lờ quy định phải thông báo các kế hoạch bay qua ADIZ với chính quyền Bắc Kinh.

"Sau khi chính quyền Nhật Bản nói rằng các hãng hàng không tư nhân không phải tuân theo tuyên bố của Bắc Kinh... chúng tôi quyết định sẽ không đáp ứng các yêu cầu đó nữa" - một phát ngôn viên của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) cho AFP biết - "JAL đã ngừng việc đệ trình kế hoạch bay kể từ 0h ngày 27/11". Đối thủ của JAL là All Nippon Airways cũng đã ngừng việc đệ trình kế hoạch bay.

Máy bay tuần tra Nhật Bản bay trên quần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông

Áp lực khổng lồ nếu triển khai ADIZ

Ngoài việc vấp phải thách thức, các chuyên gia đều tin rằng nếu Trung Quốc triển khai ADIZ, mạng lưới các ra đa phòng không, máy bay trinh sát/ giám sát và máy bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ phải căng mình hoạt động, do việc tuần tra diễn ra trên một khu vực rất rộng lớn.

Một nguồn tin chính quyền Nhật Bản nói rằng quân đội Trung Quốc dù phát triển nhanh sau nhiều năm, với ngân sách quốc phòng thường tăng ở mức 2 con số, vẫn chưa có các ra đa hoặc máy bay chiến đấu với số lượng cần thiết để bao phủ toàn bộ ADIZ.  "Trung Quốc sẽ không thể triển khai (ADIZ) hoàn chỉnh bởi họ không có đủ tiềm lực" - nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói với hãng tin Reuters.

Gary Li, một nhà phân tích của nhóm IHS Aerospace, Defense and Maritime nói rằng dù Trung Quốc đã cải thiện đáng kể số lượng, chất lượng các máy bay trinh sát/giám sát, nước này vẫn sẽ phải dựa vào các ra đa bảo vệ bờ biển để có thể giám sát tương đối đầy đủ ADIZ. Các máy bay, dù là trinh sát hay chiến đấu, sẽ chỉ được dùng cho các nhiệm vụ cụ thể hơn.

Giới quan sát hiện đang hướng sự chú ý vào các sân bay và trạm ra đa bờ biển quanh Thượng Hải, vốn có vị trí chiến lược gần đỉnh ADIZ. Họ thấy rằng đã có sự tập trung máy bay trinh sát lớn ở đây, cùng nhiều phi đội máy bay J-10 do Trung Quốc tự sản xuất và Su-30 mua từ Nga. Ước tính có 45 máy bay trinh sát/giám sát nằm quanh ADIZ, cùng khoảng 160 máy bay chiến đấu quanh Thượng Hải.

Phần lớn các máy bay trinh sát/giám sát là biến thể của loại Y-8 tầm xa do Trung Quốc sản xuất. Chúng được trang bị khác nhau, để phục vụ nhiều nhiệm vụ như tuần tra cảnh báo sớm, thu thập tin tình báo điện tử, trinh sát tàu ngầm và tàu nổi.

Người ta cũng chú ý hơn vào 4 chiếc máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy (AWAC) KJ-2000. Các máy bay này được chế tạo dựa trên bộ khung của máy bay Il-76 do Nga sản xuất, đóng ở Giang Tô, nằm gần Thượng Hải và có khả năng giám sát bầu trời rất mạnh.

Nguy cơ tính toán sai lầm

Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ đã vấp phải vô số chỉ trích từ Mỹ và Nhật Bản. Cả hai nước cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi nguyên trạng khu vực. Tuy nhiên không ít chuyên gia đánh giá động thái của Trung Quốc chỉ nhằm làm giảm bớt sức nặng trong tuyên bố của Nhật Bản, rằng họ đã nắm quyền kiểm soát khu vực, gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Lâu nay, các tàu tuần tra Nhật Bản và Trung Quốc đã nhiều lần "vờn" nhau gần quần đảo tranh chấp, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột. Ngoài ra còn phải kể tới vài trường hợp máy bay quân sự đôi bên bay rất gần nhau. Hồi tháng 10 năm nay, máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần Nhật Bản trong 3 lần liên tiếp và lần nào Nhật Bản cũng điều máy bay chiến đấu lên nghênh tiếp.

Thời gian tới, nếu Trung Quốc điều máy bay đi tuần tra ADIZ, hành vi của các phi công sẽ được để ý kỹ lưỡng. Giới chức quân sự Mỹ đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ tai nạn hoặc tính toán lầm khi máy bay đôi bên hoạt động gần nhau.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc không tiết lộ với Reuters về việc sắp tới các máy bay tuần tra của họ có mang theo vũ khí hay không. Người này chỉ nói rằng: "Để nhận dạng hoặc đe dọa vật thể bay trong ADIZ, phía Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào các tình huống khác nhau mà triển khai các biện pháp nhận dạng, giám sát và kiểm soát kịp thời để xử lý".

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm