17/08/2014 06:38 GMT+7 | Di sản
(lienminhbng.org) - Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều di tích lịch sử, trong đó có 12 di tích cấp Quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Việc trùng tu lẽ ra phải tôn trọng lịch sử, thì những người thực hiện lại “hoành tráng hóa” di tích.
Nhìn vào các khu di tích lịch sử cấp quốc gia được tỉnh Bắc Kạn đầu tư tôn tạo, có thể thấy ngay sự bất cập, không trung thực với nguyên bản. Các khu di tích lịch sử vốn đơn sơ, tạm bợ của một thời gian khó nay đã biến thành các khu di tích “hoành tráng”, mất hết ý nghĩa lịch sử của di tích cách mạng thời tiền khởi nghĩa và trong thời kỳ kháng chiến.
Những năm qua, đã có 5 di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư gần 50 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo và thực trạng thật đáng buồn.
Ông Nguyễn Duy Nghĩa, Trưởng Phòng Bảo tồn, Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn bức xúc, cả 5 di tích cấp quốc gia được đầu tư tu bổ, các di tích: Đồn Phủ Thông, di tích Nà Tu, di tích Nà Pậu, di tích Khuổi Linh đều không tôn trọng lịch sử.
Trùng tu đình Tiên Canh, Vĩnh Phúc. Ảnh Phạm Mỹ
Chẳng hạn, di tích Đồn Phủ Thông ghi dấu trận đánh công đồn nổi tiếng của quân đội ta, quá trình thi công đã san ủi, phá hết di tích gốc là hệ thống hầm hào giao thông, móng nhà đồn… biến quang cảnh di tích hiện nay thành sân bê tông, bồn hoa cây cảnh, bia… không thể nhận ra là di tích gì.
Theo ông Nông Khánh Hoàn, Giám đốc Bảo tàng Bắc Kạn, thì việc tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa không phải là công việc xây dựng đơn thuần. Việc này đòi hỏi người thực hiện phải có cái nhìn lịch sử, nghĩa là phải biết bảo vệ sự thật lịch sử và phải có kiến thức mỹ thuật, thẩm mỹ mới có thể bảo tồn được giá trị gốc của di tích.
Trong số 5 di tích trên, di tích Nà Tu và di tích Đồn Phủ Thông được giao cho Sở Xây dựng thực hiện, còn 3 di tích là di tích Chiến thắng Đèo Giàng, di tích Nà Pậu, di tích Khuổi Linh do Sở VH,TT&DL tỉnh làm chủ đầu tư. Nhưng Sở này lại thành lập Ban Quản lý dự án gồm những người không có chuyên môn về di tích nên đã "hiện đại hóa" di tích, khiến du khách đến tham quan không thể hình dung đúng về giai đoạn kháng chiến của dân tộc.
Việc “phá” nguyên gốc di tích lịch sử và làm mới di tích ở Bắc Kạn được ông Giám đốc Bảo tàng Nông Khánh Hoàn đánh giá là rất nghiêm trọng, bởi nếu muốn khôi phục lại giá trị nguyên gốc của di tích sẽ lại phải phá bỏ những “công trình” đã được xây mới trên nền di tích hoặc chấp nhận sự tồn tại không trung thực của di tích.
Theo Nguyễn Trình (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất