Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam: Cần phải cảnh giác cho tới khi chấm dứt đại dịch COVID-19

23/01/2021 10:46 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, sắp chạm mốc 100 triệu ca mắc. Cùng với đó, số ca mắc và tử vong có dấu hiệu tăng lên, đặc biệt với sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 tại nhiều nước trên thế giới.

WHO nêu bật 3 bài học từ dịch Covid-19

WHO nêu bật 3 bài học từ dịch Covid-19

Ngày 18/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định cho đến nay, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã để lại 3 bài học cho tất cả các nước thành viên của WHO cũng như Liên hợp quốc (LHQ).

Trong bối cảnh nêu trên, các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế lây nhiễm.

* Thế giới sắp chạm mốc 100 triệu ca mắc COVID-19

Ngày 1/1, khi vừa bước sang năm 2020 vài giờ đồng hồ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận được thông báo về ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Một tháng sau đó, thế giới ghi nhận 9.958 ca mắc COVID-19, trong đó có 213 ca tử vong tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế giới tính đến 6 giờ, ngày 23/1, thế giới đã có gần 98,7 triệu ca mắc, trong đó có hơn 2,1 triệu ca tử vong do dịch COVID-19 tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng 3 tuần đầu tiên của tháng 1/2021, thế giới ghi nhận hơn 13,5 triệu ca nhiễm mới (chiếm 14% tổng số ca mắc từ đầu mùa dịch đến nay) và hơn 253 nghìn ca tử vong. Bộ Y tế Việt Nam dự báo, trong tuần tới số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới sẽ chạm mốc 100 triệu ca, nhiều quốc gia vẫn chứng kiến sự lây lan nhanh của dịch COVID-19.

Trong ảnh: Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Đáng chú ý, theo báo cáo của WHO, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh đã lây lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể mới của virus được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh hơn. Các nước trong khu vực châu Âu đang trong trạng thái “căng mình” để duy trì các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Thậm chí, số ca tử vong do dịch COVID-19 tăng lên trong những ngày gần đây (khoảng 14-16 nghìn ca/ngày).

Mặc dù tình hình nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới có nhiều khả quan (khoảng 46 nước triển khai chiến dịch tiêm chủng với khoảng 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng); tuy nhiên, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, quá trình tạo ra miễn dịch trong cộng đồng phải thực hiện trong thời gian dài, do đó, những nước đã triển khai tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi có vaccine ngừa dịch bệnh, mọi người cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, mặc dù tất cả các quốc gia đều đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn đà tăng của dịch COVID-19, tuy nhiên dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng lây nhiễm trên phạm vi toàn cầu. Vào tháng 1/2021, theo báo cáo WHO nhận được, mỗi tuần có khoảng 5 triệu ca mắc mới và khoảng 100 nghìn ca tử vong.

“Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt”, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định; đồng thời khuyến cáo cần phải cảnh giác cho tới khi chấm dứt đại dịch.

Nhìn lại 1 năm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Việt Nam
Nhìn lại 1 năm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Việt Nam

Trước dự báo trên, Tiến sỹ Kidong Park khuyến cáo, mỗi người nên thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản trong cuộc sống hàng ngày như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tránh những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như đám đông, nơi không có lưu thông không khí và những hoạt động có tiếp xúc gần...

“Bên cạnh đó, ngành Y tế cần phát hiện càng sớm càng tốt bất kỳ nghi ngờ bùng phát dịch nào và áp dụng các biện pháp ngăn chặn không cho đợt dịch mới xảy ra”, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nói.

* Thực hiện nghiêm chiến lược phòng, chống dịch bệnh

Ở trong nước, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, song vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh vào Việt Nam. Cùng với đó, cả nước liên tục ghi nhận các trường hợp nhập cảnh trái phép, cùng với nhu cầu về nước của công dân trong dịp Tết Nguyên đán rất lớn, do đó, Bộ Y tế luôn cảnh báo về nguy cơ hiện hữu các ca mắc mới.

Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng khẳng định, nếu thuận lợi, phải đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine COVID-19; do đó vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch theo chiến lược được triển khai ngay từ những ngày đầu: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”; không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine COVID-19.

Nhờ thực hiện hiệu quả “chiến lược then chốt” trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, sau đúng 1 năm ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên ở trong nước (23/1/2020-23/12021), Việt Nam cơ bản thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh; ghi nhận tổng cộng 1.548 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước, 35 ca tử vong.

Đánh giá về các biện pháp và kết quả phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, đặc biệt giai đoạn tăng cường công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine hiện nay, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia đông dân và dân số đang già hóa với nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thấp. Việt Nam nằm ở ngay cạnh Trung Quốc - vùng dịch khởi phát và có chung biên giới đường bộ với nhiều quốc gia khác. Mặc dù vậy, Việt Nam đã và đang kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, giữ số ca mắc và ca tử vong ở mức tương đối thấp hơn so với các quốc gia khác.

Cho đến thời điểm hiện tại, tổng số ca xác định mắc COVID-19 trên 1 triệu dân ở Việt Nam giữ ở con số 16 và tổng số ca tử vong trên 1 triệu dân là 0.4. “Đây là những con số thấp nhất trong số 15 quốc gia có trên 90 triệu dân”, Tiến sĩ Kidong Park khẳng định.

Không chỉ dừng lại ở đó, Tiến sĩ Kidong Park nhấn mạnh, Việt Nam đang tiếp tục đẩy nhanh năng lực kiểm soát COVID-19 thông qua việc tham gia tích cực vào nỗ lực toàn cầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Hiện tại, Việt Nam có một ứng viên vaccine đang được phát triển trong nước và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

“Đây thực sự là một nỗ lực ấn tượng”, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.

Diệp Trương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm