(lienminhbng.org) - Chiều tối 24/10, lễ bế mạc Asian Para Games II đã diễn ra tại sân vận động Munhak, thành phố Incheon với các nghi thức trang trọng, ấm áp tình cộng đồng cùng chương trình ca múa nhạc sôi động, đầy màu sắc mang đậm phong cách và văn hóa "xứ sở Kim Chi".
Nhờ công tác chuẩn bị chuyên nghiệp nhưng không kém phần chu đáo và tinh tế của nước chủ nhà, các vận động viên (VĐV) khuyết tật trên toàn châu Á đã được trải qua những ngày tranh tài sôi nổi, những trải nghiệm khó quên với đất nước và con người Hàn Quốc, cùng không khí ấm áp trong lễ bế mạc ngày hội lớn dành cho mình.
Qua một tuần tranh tài sôi nổi, Asian Para Games II đã chứng kiến nhiều nghị lực phi thường của các VĐV. Nhiều kỷ lục thế giới và kỷ lục châu Á mới đã được thiết lập ở nhiều bộ môn, đặc biệt ở nội dung cử tạ với 5 kỷ lục thế giới mới.
Đại hội lần này cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam với việc lọt vào tốp 10 quốc gia dẫn đầu ở Asian Para Games II, cùng những kỳ tích của VĐV bơi lội Võ Thanh Tùng khi giành 5 HCV, hay của VĐV cử tạ Lê Văn Công khi thiết lập kỷ lục thế giới mới ở bộ môn cử tạ hạng 49kg dành cho nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt đánh giá: "Về mặt chuyên môn, với 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, 1 kỷ lục thế giới và 4 kỷ lục châu Á có thể thấy các VĐV Việt Nam không thua kém bất kỳ VĐV nào trên thế giới nếu chúng ta có một chiến lược đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức của nước chủ nhà Hàn Quốc là rất tốt, các VĐV và đoàn đã được tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình sinh hoạt và thi đấu tại giải lần này".
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo đoàn, ông Vũ Thế Phiệt cũng bày tỏ sự cảm ơn đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Thể dục thể thao, các cá nhân, tổ chức đã quan tâm, đồng hành và hỗ trợ cho đoàn để có thể đạt được những thành công như ngày hôm nay.
Asian Para Games II đã chính thức khép lại với nghi thức trao lại cờ luân lưu của Para Games cho Indonesia – nước chủ nhà của Asian Para Games III vào năm 2018. Khi ngọn lửa Asian Para Games II vụt tắt tại Incheon, cũng là lúc các màn biểu diễn văn hóa truyền thống của Indonesia bừng sáng trên sân vận động Munhak.
Các vận động viên, tình nguyện viên hòa cùng các nghệ sỹ, vũ công trên sân khấu trong không khí “hữu nghị, bình đẳng, đồng nhất” và cùng nuôi dưỡng niềm hy vọng sẽ chinh phục những đỉnh cao mới của thể thao người khuyết tật tại thủ đô Jakarta, Indonesia vào 4 năm sau.
Phạm Duy - Việt Cường (Từ Incheon)