Trương Huỳnh Như Trân: Viết truyện lịch sử được hư cấu nhưng không được sai

16/03/2022 18:50 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Cây bút nữ Trương Huỳnh Như Trân là nhà văn năng nổ của thời nghe nhìn. Chị từng có 3 năm cộng tác với VTV trong vai trò biên tập và viết kịch bản cho mục Tôi yêu Việt Nam mỗi năm phát sóng 54 kỳ.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu làm thơ đăng báo khi còn là học sinh trung học trên Đà Lạt, ký tên Bùi Hữu Miên. Ông còn làm sách nữa! Với các bút danh Hồ Quốc Nhạc, Hắc Ngưu…

Chị soạn kịch bản, viết lời cho 50 quyển truyện tranh thuộc bộ Truyện hay sử Việt của nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 2018, truyện chữ - tập tản văn Khi buồn hãy tưới nước cho một cái cây - của chị được giải sách hay do Viện Giáo dục IRED, Quỹ Phan Châu Trinh và sáng kiến OpenEdu bình chọn. Các nhà biên soạn giáo khoa mới, chọn tản văn Trò chơi ngày mưa của sách này làm thành bài tập đọc Thuyền giấy ở trang 130 sách Tiếng Việt 3 tập 1 bộ Chân trời sáng tạo.

“Thuyền giấy” - Ấm áp hình ảnh người mẹ

“Buổi chiều, bất chợt cơn mưa ào ào trút xuống. Con gấp những chiếc thuyền giấy xinh xinh, thả xuống dòng nước trước sân nhà. Con cười vui thích thú với những chiếc thuyền dập dềnh trôi. Con gửi gắm mong ước gì trong ánh mắt trong veo dõi theo từng con thuyền giấy đang lênh đênh trên sông nước? Con mơ làm thuyền trưởng làm nàng tiên cá hay là cánh chim trời dang rộng cánh bay tới những miền xa thẳm? Hãy cứ để trí tưởng tượng của mình bay xa, con nhé!

Con quên mất cuộc đi chơi đã định, quên cả cái buồn chán vì trời mưa. Con thích thú xòe bàn tay ra hứng mưa. Những giọt nước mưa trong veo vỡ tan trong lòng bàn tay nhỏ nhắn, bắn ra những tia nước mát lạnh bám trên đầu tóc khiến con cười vang. Tiếng cười va lanh canh vào mưa, làm rộn nhịp tim vừa trở lại tuổi thơ của mẹ.

Những chiếc thuyền giấy bềnh bồng đang chở ước mơ của con đi xa” (Thuyền giấy).

Chú thích ảnh
Bài “Thuyền giấy” của Trương Huỳnh Như Trân trong sách “Tiếng Việt 3”

Bài tập đọc được dạy trong chùm 4 bài có chủ điểm Mái ấm gia đình. Theo thứ tự, các em được học câu chuyện ông ngoại (của Nguyễn Việt Bắc) đưa cháu vào thăm một trường tiểu học; câu chuyện ông bà ngoại (của Diệp Hồng Phương) trồng vườn dừa râm mát làm sân chơi cho các cháu; được học bài thơ (của Cao Xuân Sơn) kể chuyện ông nội ở rất xa nhưng lại như gần nhờ “Trăm núi với nghìn sông/ Thoắt gần trong gang tấc/ Chuông điện thoại reo giòn/ Những niềm vui bất chợt”… Bài Thuyền giấy của Trương Huỳnh Như Trân đưa tới cho các em hình ảnh người mẹ trong mái ấm gia đình.

Từ sách Khi buồn hãy tưới nước cho một cái cây thành bài tập đọc, những chữ mang tính kịch được tỉnh lược để 181 âm tiết còn lại đẹp như một bài thơ văn xuôi. Đẹp nhất là câu “Tiếng cười va lanh canh vào mưa, làm rộn nhịp tim vừa trở lại tuổi thơ của mẹ”.

Tác giả Trương Huỳnh Như Trân nói, mong muốn các thầy cô giáo giúp học sinh hình dung “Tiếng cười của em bé kia vang lên trong cơn mưa, va vào màn mưa tạo thành tiếng kêu lanh canh như xúc xắc va vào chén sứ, hay thanh gỗ của chuông gió va vào nhau. Những giọt mưa trong suốt như đó là pha lê, nên có thể “lanh canh” nhẹ nhàng, tươi vui, trong trẻo trong tâm tưởng của những ai tham gia “những trò chơi trong mưa”.

Trong các câu hỏi dành cho học sinh ở phần hướng dẫn học bài Thuyền giấy có câu “Vì sao người mẹ thấy mình như đang trở lại tuổi thơ?”. Đó là câu hỏi về người mẹ, nhưng là cơ hội để thầy cô giáo nói về vai trò của chính những đứa con trong mái ấm gia đình. Các em không chỉ hưởng thụ ấm êm trong nhà mình, chính các em cũng có thể mang tới ấm êm kia.

Người viết bài được biết, nhạc sĩ Khánh Vinh đã dùng câu chữ của bài tập đọc làm ca từ cho ca khúc Thuyền giấy giúp giáo viên tạo hứng thú cho học sinh khi dạy bài tập đọc của Trương Huỳnh Như Trân.

Tích hợp thể loại và tác nghiệp theo nhóm

Cặp đội sáng tác Như Trân - Khánh Vinh vào mùa Xuân năm nay cùng đạt một thành tích mới. Chùm ca khúc thiếu nhi mà nhạc sĩ Khánh Vinh lấy cảm hứng từ bộ 5 tập truyện tranh Chuyện ở rừng Vi Vu (NXB Hội Nhà văn, 2017) của Trương Huỳnh Như Trân, được Hội Âm nhạc TP.HCM trao giải thường niên 2021.

Cho tới hôm này Chuyện ở rừng Vi Vu đã thành bộ 10 tập. Tác giả Trương Huỳnh Như Trân nói về bộ sách của mình: “Tôi muốn làm một bộ truyện cho thiếu nhi với phong cách phương Tây: Nét vẽ dễ thương, phóng khoáng, nội dung trong trẻo, bài học được lồng ghép nhẹ nhàng trong câu chuyện, câu chữ nên thơ, trong sáng, mang hơi hướng đồng dao. Bối cảnh là rừng Vi Vu, các nhân vật là muông thú ở đấy. Thông qua chuyện của voi, nhím, sóc… các bạn nhỏ (từ 2 tuổi) học cách nhận biết đặc tính từng loài, và học những bài học kỹ năng sống nhẹ nhàng như là lòng tốt, lòng biết ơn, biết cách chơi chung, biết tôn trọng giá trị bản thân và tôn trọng người khác... Kế hoạch dài hơi là Chuyện ở rừng Vi Vu, sẽ nối tiếp từng bộ 5 tập để các bạn nhỏ có một kho kiến thức về thiên nhiên, và những bài học nhẹ nhàng nên thơ, dí dỏm, vun đắp tâm hồn tuổi nhỏ”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân

Tích hợp thể loại và tác nghiệp theo nhóm đã giúp Trương Huỳnh Như Trân sớm có được một danh mục khá dài các tác phẩm. Khi được hỏi, là người kể chuyện trong nhóm tác giả của bộ sách 50 Truyện hay sử Việt xin cho biết, những yếu tố nào làm ra cái “hay” kia?

Trương Huỳnh Như Trần trả lời: “Cái hay của bộ Truyện hay sử Việt là các bé đọc những chuyện lịch sử tự nhiên, chứ không phải nhằn, phải học "gạo" bài học lịch sử khô khan để rồi chẳng nhớ được gì. Cái hay còn ở chỗ tựa đề truyện đã góp phần để độc giả nhớ về sự kiện lịch sử (Một nước hai vua, Thiên tử cày ruộng, Danh tướng Bát Nàn, Mối tình non sông, Tranh ngôi cửu ngũ...). Để “hay”, nhóm chúng tôi làm bộ sách lịch sử này trên nguyên tắc được hư cấu nhưng không được sai”.

Chị dẫn chứng, tập Danh tướng họ Phạm, viết về cuộc thay đổi triều đại từ nhà Đinh qua nhà Tiền Lê. Lịch sử trong sách giáo khoa chỉ nói sơ lược về sự kiện này. Và người học cũng chỉ biết 2 ông vua chứ không biết đến những danh tướng đã phò tá 2 vị ấy. Truyện đề cập đến mâu thuẫn giữa 2 anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng. Phạm Hạp (cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền) phò vua Đinh, Phạm Cự Lượng phò Lê Hoàn, nên đã sinh ra cuộc huynh đệ tương tàn mà ai cũng vì lý tưởng của mình. Đọc truyện này, người đọc sẽ biết Phạm Cự Lượng (có tên đường) và Phạm Hạp là ai.

Chịu học để chọn lựa phong cách và giọng điệu

Trong hội thảo về Trần Hoài Dương nhân 10 năm ông từ trần, Trương Huỳnh Như Trân phát biểu:

“Tôi vô cùng cảm ơn mẹ tôi, người đã mua cho tôi quyển sách đầu đời, khi tôi vừa biết đọc, lại chọn đúng quyển Những ngôi sao trong mưa của Trần Hoài Dương. Quyển sách đã in dấu trong tôi mãi mãi. Mãi mãi tôi có một thế giới trong sáng vô ngần bên cạnh tuổi thơ của mình, để về sau, dù có những đoạn đường đời gập ghềnh, khắc nghiệt, tôi luôn quay trở lại thế giới trong veo đó, để hít một hơi thở dài, và bước tiếp con đường của mình với trọn vẹn thiện lương trong tâm trí.

Cho tới giờ, khi lật giở lại trang sách cách đây hơn 30 năm, tôi vẫn cảm thấy xúc động, những con chữ in màu xanh, những hình vẽ minh họa dễ thương (của họa sĩ Đức Lâm) chính là thế giới tuổi thơ của riêng tôi.

Với sự in dấu quá sâu sắc về phong cách viết cho thiếu nhi của Trần Hoài Dương, khi bắt đầu con đường viết cho thiếu nhi, tôi một cách vô thức đã chọn lựa phong cách và giọng điệu viết mà tôi yêu thích mãnh liệt đó. Tôi đặc biệt say sưa với thể loại đồng thoại, vì ở đó, như Trần Hoài Dương, tôi được trở lại với thiên nhiên, trò chuyện với những người bạn khác loài nhưng đồng đẳng, không có một sự phân biệt nào.

Sau một chặng đường viết, khi nhìn lại, tôi mới nhận ra, từ trong sâu thẳm, tâm hồn tôi đã được nuôi dưỡng bằng thế giới hòa ái tuyệt mỹ và tình yêu thiên nhiên trong truyện của Trần Hoài Dương. Chính điều đó đã hình thành nên một phong cách viết mà tôi đang có bây giờ”.

Mẹ đã đưa Trương Hùynh Như Trân đến với Trần Hoài Dương còn cha cô thì sao? Hãy nghe cô kể về “thi sĩ tiều phu” cha mình:

“… tôi cầm trang giấy trắng và cây bút xanh ra nhờ ba vẽ cho bông hoa phượng thắm, ba tôi bỏ cây cuốc đang san đất ruộng sang một bên, chùi 2 bàn tay đầy bùn vào quần rồi ngồi bệt xuống bờ ruộng, chân ngập trong bùn mùa mưa, bàn tay lấm láp cầm lấy bút và đi những đường bay bướm. Chàng thư sinh ba tôi gác bỏ mộng văn chương, lên rừng chặt lồ ô, ra ruộng đồng đánh bạn với cái cày cái cuốc, xuống phố ngồi chợ mưu sinh... vẫn làm thơ. Thơ viết trên vỏ bao thuốc lá hay thùng giấy carton đựng trái cây giữa chợ trong buổi ế hàng”.

Vào năm 2006, đang thuận tay bút Truyện hay sử Việt ở Công ty Văn hóa Phan Thị TP.HCM, Trương Huỳnh Như Trân xin nghỉ việc ra Hà Nội học khóa biên kịch điện ảnh do quỹ Ford tài trợ để có trang viết mới là các màn hình lớn nhỏ.

Trương Huỳnh Như Trân, cây bút nữ năng nổ của thời nghe nhìn đang ngày càng năng nổ hơn!

Vài nét về Trương Huỳnh Như Trân

Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân sinh năm 1982 ở Bình Thuận, tốt nghiệp Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang và khóa biên kịch do Quỹ Ford của Hoa Kỳ tổ chức. Là tác giả của 5 bộ sách với cả trăm tên sách cùng nhiều kịch bản điện ảnh. Chị là hội viên Hội Điện ảnh TP.HCM.

Như Trân hiện sống tại TP.HCM.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm