Trương Nghệ Mưu - Người làm thay đổi điện ảnh Trung Quốc

23/12/2011 13:36 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Bắt đầu được chiếu ở thị trường Bắc Mỹ vào ngày 23/12, bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu - Kim Lăng thập tam thoa - đã tiến gần tới thành công quốc tế hơn bất cứ bộ phim tiếng Hoa nào. Trước đó, bộ phim này đã “bỏ két” được 24 triệu USD doanh thu phòng vé trong dịp cuối tuần đầu tiên (phim được công chiếu ở Đại lục từ ngày 15/12) và được đề cử Quả cầu Vàng Phim tiếng nước ngoài hay nhất.

Với kinh phí dàn dựng 100 triệu USD, Kim Lăng thập tam thoa là phim tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Ê-kíp làm phim là những thành viên đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đội ngũ kỹ xảo đến từ Anh, đạo diễn nghệ thuật Nhật Bản, thiết kế thời trang Hong Kong, nhóm đồng ca Thổ Nhĩ Kỳ và ngôi sao Hollywood Christian Bale.

Phim mang đầy tính nhân văn

Phim đã lập được kỳ tích hiếm có khi thành công vang dội ở phòng vé và được giới phê bình khen hết lời. Các chuyên gia coi đây là ví dụ điển hình cho nền điện ảnh Trung Quốc: sản xuất được những bộ phim chất lượng đạt doanh thu cao.

Có bối cảnh ở Nam Kinh năm 1937, trong thời quân Nhật chiếm đóng, phim kể về một nhóm gái điếm đã liều mạng để cứu 12 nữ sinh thoát khỏi sự cưỡng hiếp của lính Nhật.

Tạp chí Điện ảnh Quốc tế nhận xét: “Phim có những cảnh chiến tranh hết sức hiện thực và sáng tạo… Kim Lăng sẽ được coi là một chiến thắng của dòng phim này”. Trong khi đó, báo giới địa phương mô tả phim “có hiệu quả hình ảnh, âm thanh tuyệt vời và mang đầy tính nhân văn”.

“Phim Kim Lăng thập tam thoa” - cột mốc mới
của điện ảnh Trung Quốc

Nhiều bộ phim Trung Quốc thuộc dòng chủ đạo từng bị chỉ trích là quá tôn vinh lòng yêu nước trong khi lại thiếu hẳn những yếu tố nhân văn. Nhiều phim độc lập của các nhà làm phim đang nổi lại bị chỉ trích là quá nhấn mạnh đến những hiện thực khắc nghiệt của xã  hội nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả hải ngoại. Với phim Kim Lăng, đạo diễn Trương cho biết, ông đã cố gắng mô tả những kẻ xâm lược Nhật Bản theo nhiều tầng nhằm phân biệt rõ tác phẩm điện ảnh này với những bộ phim khác mang cùng chủ đề. 

Tuy mô tả sự tàn khốc trong cuộc thảm sát Nam Kim, khiến khán giả thấy rùng mình, song phim cũng có những cảnh mang đầy tính nhân văn. Chẳng hạn cảnh một sĩ quan Nhật tới một nhà thờ, địa điểm chính trong phim, và xin lỗi vì các cấp dưới của ông đã giết một nữ sinh Trung Quốc. Sau đó, ông ngồi trước cây đàn organ, trình bày một ca khúc dân gian Nhật Bản. Các sĩ quan Nhật Bản khác đã quây quần bên ông, hát cùng ông để bày tỏ nỗi nhớ nhà. 

“Năm 1937, quan điểm quân phiệt trong quân đội Nhật Bản rất rõ ràng và người lính không được phép hát bất cứ một ca khúc dân gian nào thể hiện nỗi nhớ nhà, nhưng chúng tôi vẫn muốn mô tả nhân vật này với một nét gì đó thật đặc biệt” - đạo diễn Trương cho biết.

Cần những quả bom tấn thương mại

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu (60 tuổi) lần đầu tiên gây kinh ngạc nền điện ảnh toàn cầu vào năm 1987 với bộ phim đầu tay Cao lương đỏ. Tác phẩm điện ảnh này đem về cho Trung Quốc giải Gấu Vàng đầu tiên của LHP Berlin Quốc tế. Với những cảnh quay vô cùng ấn tượng và mô tả hết sức chân thực về cuộc sống và tình yêu của người dân thường, phim là một trong những tác phẩm tiên phong của dòng phim nghệ thuật Trung Quốc.


Trương Nghệ Mưu nổi lên từ “Cao lương đỏ”

Tuy nhiên, bước sang đầu thế kỷ 21, đạo diễn Trương cùng nhiều nhà làm phim khác, trong đó có Trần Khải Ca - nổi tiếng với phim Bá Vương Biệt Cơ đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes năm 1993 - lại chuyển hướng từ dòng phim nghệ thuật sang làm phim bom tấn thương mại. Phim của họ thu được lãi lớn nhưng đồng thời cũng bị chỉ trích khi quá lạm dụng kỹ xảo hình ảnh, không chú trọng tới chất lượng. 

Đáp lại những chỉ trích đó, đạo diễn Trương nói rằng Trung Quốc đang rất cần những quả bom tấn thương mại và những gì mà ông đã làm là vì lợi ích phát triển của nền công nghiệp điện ảnh nội địa.

Năm 2010, Trung Quốc sản xuất được hơn 520 bộ phim và doanh thu đạt 10 tỷ NDT (1,57 tỷ USD), cao hơn gấp 10 lần so với năm 2002. Song các chuyên gia nhấn mạnh, tuy nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc bùng nổ như vậy, nhưng các nhà làm phim cũng phải lưu ý đến vấn đề chất lượng.

Ông Tong Gang, Cục trưởng Cục Điện ảnh Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc chưa có nhiều bộ phim vừa “được giới phê bình ca ngợi vừa đáp ứng được nhu cầu văn hóa của khán giả” và phần lớn các sản phẩm điện ảnh nội địa thiếu tính nhân văn,  tính hiện thực và thẩm mỹ.

Tạo nên sự thay đổi về “ăn chia” doanh thu phòng vé

Phim Kim Lăng đã tạo nên một “cuộc chiến” giữa các nhà sản xuất và rạp chiếu, dẫn đến một sự thay đổi trong hệ thống “ăn chia” doanh thu phòng vé sau khi ông Trương Vĩ Bình, nhà sản xuất phim, đã quyết định tăng phần chia cho nhà sản xuất. Là đối tác lâu năm của đạo diễn Trương, ông Trương Vĩ Bình đã tham gia sản xuất phim Anh hùng, Thập diện mai phục Hoàng Kim Giáp.

Trước đây, các nhà sản xuất phim ở Trung Quốc chỉ nhận được 35% lợi nhuận từ doanh thu phòng vé, phần còn lại thuộc về các rạp chiếu. Nhưng khi phát hành phim Kim Lăng, ông quyết định đẩy lợi nhuận của nhà sản xuất lên 42%, dựa vào nguyên tắc chỉ đạo của Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình (SARFT) nêu ra  hồi tháng 11, trong đó đề nghị các rạp chiếu không được hưởng quá 50% doanh thu phòng vé.

Nhiều chuyên gia tán thành nguyên tắc chỉ đạo của SARFT, nhưng đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất nỗ lực hơn nữa để làm ra được những bộ phim chất lượng chứ đừng đơn thuần chỉ háo hức thu lợi.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm