10/01/2012 10:54 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Tần Xoang, tiểu thuyết giành giải Văn học Mao Thuẫn lần thứ 7 (năm 2008), của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Giả Bình Ao, sẽ được đưa lên màn bạc với kinh phí dàn dựng khoảng 150 triệu NDT (23,7 triệu USD).
Yếu tố thu hút của dự án điện ảnh này là đội ngũ sản xuất đều là những người sinh ra ở Thiểm Tây - bối cảnh trong tiểu thuyết và là quê hương của nhà văn Giả Bình Ao. Theo một số nguồn tin, nhiều khả đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu - cũng là một người quê Thiểm Tây - sẽ đạo diễn phim, song ông chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Chắt lọc từ chính những câu chuyện trong gia đình
Tần Xoang là câu chuyện kể về cuộc sống của người nông dân Trung Quốc trong thời cải cách và mở cửa. Không giống với tiểu thuyết Phế Đô, là cái nhìn bên trong vào cuộc sống đô thị hiện đại, Tần Xoang được xây dựng trong thế giới mộc mạc, quê mùa, với tình yêu vô bờ bến của tác giả với cuộc sống nông thôn. Thực ra, chất liệu trong cuốn tiểu thuyết này được Giả Bình Ao chắt lọc từ những câu chuyện có thực trong chính gia đình mình.
“Cuốn truyện này kể về cha mẹ, ông bà tôi - nguồn “tài nguyên quý giá” cho sáng tác của tôi. Tôi sẽ không động chạm tới nguồn này nếu như tôi có bất cứ lựa chọn nào khác. Trước khi bắt tay viết cuốn truyện này, tôi đã tỏ lòng tôn kính tất cả những người đã khuất trong gia đình từ hơn 10 năm qua và mời rượu những người thân đang sống ở phố Dihua, nơi có ngôi nhà của gia đình tôi. Trong quá trình viết, tôi thắp hương suốt ngày đêm, khói hương nghi ngút khắp trần nhà. Rồi tôi cảm thấy như linh hồn của những người đã khuất vây quanh mình. Tôi viết tất cả những gì đã xảy ra trong thế hệ của cha tôi với một lòng thành kính. Sau 1 năm 9 tháng tôi hoàn thành cuốn tiểu thuyết này” - Giả Bình Ao chia sẻ.
Giả Bình Ao và cuốn Tần Xoang - tiểu thuyết sẽ được đưa lên màn bạc
Mặc dù tựa đề của cuốn truyện - Tần Xoang - không biểu thị trực tiếp nội dung của tiểu thuyết, nhưng đây là một sự kết nối hết sức tinh tế với bối cảnh của câu chuyện. Tần Xoang là tên của một dòng ca kịch địa phương có niên đại từ đời Tần và nó vẫn được người nông dân ở cao nguyên Bắc Thiểm Tây ưa thích. Hơn nữa, đối với thế hệ người cũ ở Thiểm Tây, Tần Xoang tượng trưng cho tinh thần của vùng đất này và người dân nơi đây.
Câu chuyện trong tiểu thuyết do một người đàn ông mất trí tên là Yinsheng thuật lại. Anh ta mê mẩn vẻ đẹp của nữ diễn viên ca kịch Tần Xoang tên là Bai Xue. Nhưng người phụ nữ này chỉ đáp lại tình cảm của anh ta bằng sự cảm thông. Sau khi bị dân làng đánh đập và chế nhạo với những hành vi vượt quá giới hạn, Yinsheng đã tự hành hạ chính mình.
Trở lại với lối viết tự nhiên nhất
Giả Bình Ao sinh năm 1953 trong một gia đình nông dân ở tỉnh Thiểm Tây. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết như Hoài niệm sói, Thương Châu, Phế Đô.
Một số nhà phê bình đánh giá Tần Xoang là kiệt tác về cuộc sống nông thôn và với tiểu thuyết này Giả Bình Ao đã trở lại với phong cách viết tự nhiên nhất của ông. Nhưng một số lại thấy nó ảm đạm, khó đọc, mọi lời thoại đều dùng thổ ngữ Thiểm Tây. Hơn nữa, nhiều độc giả lại cho rằng cốt truyện không được phác dựng rành mạch. Giả Bình Ao đã dựa hoàn toàn vào những câu chuyện có thực để mô tả cuộc sống của người nông dân và những trải nghiệm của họ trong công cuộc đô thị hóa và không đưa ra bất cứ một sự bình luận hay phán xét nào.
“Nhà tôi nằm trên đường Dihua, nhưng trong truyện tôi đổi thành phố Qingfeng. Đối với tôi bất kể những con phố này đẹp như thế nào thì chúng vẫn chứng kiến nhiều chuyện diễn ra, ốm đau, chết chóc, tiệc tùng, họp mặt, ăn nhậu và những việc vặt hằng ngày khác. Viết theo kiểu ghi chép khô khan đó, tôi biết những người đang và từng sống ở nông thôn có thể hiểu được, nhưng những người sống ở thành phố thì khó có thể hiểu được. Không phải tôi không biết điều đó hoặc có người cho rằng tại sao tôi không viết truyện một cách ấn tượng hơn. Nhưng do tôi ghi lại những những chuyện thú vị trong cuộc sống thường nhật ở nông thôn, nên câu chuyện chỉ có thể được viết theo cách đó” – Giả Bình Ao giải thích
Sự nghiệp văn chương của Giả Bình Ao gặp nhiều sóng gió khi ông tung ra tiểu thuyết Phế Đô năm 1993. Đây là tác phẩm duy nhất của ông không viết về người nông dân mà mô tả phong cách sống ưa chủ nghĩa khoái lạc của nhân vật chính là danh nhân Trang Chi Điệp và những người bạn của anh ta. Nhiều nhà phê bình chỉ trích cuốn truyện mang nội dung suy đồi, không lành mạnh… Do vậy, tiểu thuyết này đã bị cấm lưu hành ở Trung Quốc 16 năm và đến năm 2009 mới được tái phát hành. Thời gian này, Giả Bình Ao đang hoàn thành tiểu thuyết Cổ Lô. Nhiều người hy vọng nó sẽ không chịu chung số phận như cuốn Phế Đô.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất