Truyền hình thực tế: Khi 'thực tế' có độ co dãn lớn

24/07/2014 08:28 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - Việc một thí sinh tố chương trình Vua đầu bếp - MasterChef Việt Nam không công bằng lại dấy lên nghi ngờ của khán giả về tính "trung thực" của các chương trình truyền hình thực tế (THTT).

Tính "trung thực" của THTT co dãn thế nào khán giả đều hiểu sau vô khối những scandal. Tuy nhiên, sức hấp dẫn và giải thưởng của cuộc chơi vẫn khiến nhiều người lao đi tìm vận may.

"Thực tế" là thực tế nào?

Trong các thể loại "thực tế", phim tài liệu thực tế được coi là thể loại trung thực nhất hiện nay. Thể loại này không hề có kịch bản, người làm phim phải theo chân nhân vật và ghi hình một cách trung thực nhất cho đến khi họ cảm thấy đủ chất liệu để kết thúc bộ phim. Người làm phim tài liệu thực tế phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt: tuyệt đối không được can thiệp vào hiện thực, làm biến đổi hiện thực. Đó là nguyên tắc “đạo đức” bắt buộc của thể tài này.

Các game show THTT cũng đặt ra yêu cầu phải ghi lại một cách trung thực diễn biến của chương trình. Nhưng sự "trung thực" này có độ "co dãn" nhất định do đặc thù truyền hình đòi hỏi phải làm nhanh để kịp phát sóng, và truyền hình luôn cần hình ảnh đẹp. Những người làm THTT đều khẳng định chương trình nào cũng cần dàn dựng, với điều kiện là không được tác động thô bạo làm sai hiện thực. Tuy nhiên, dàn dựng tới đâu là vừa, thì mỗi nhà sản xuất lại có giới hạn rất khác.


Thí sinh Chung Chí Công (trái) cho rằng MasterChef đã không công bằng với vợ chồng anh

Chương trình nào cũng khát khao những thí sinh đặc biệt, những câu chuyện lạ lùng, gây xúc động. Đặc biệt họ cần những tình huống kịch tính. Khi giám khảo, thí sinh không đủ khả năng để tạo kịch tính, thì nhà sản xuất sẽ ra tay.

Trong cuộc chơi này, các nhà sản xuất cầm đằng chuôi với những bản hợp đồng cực kỳ chặt chẽ. Còn người chơi, nói như ca sĩ Phương Thanh, chỉ là một "quân cờ" của THTT. Số phận của họ khá mong manh, một khi đã chơi là phải chấp nhận rủi ro

Khán giả là một quân cờ

Vụ gia đình 1 nữ thí sinh “tố” 1 chương trình THTT lên tận Quốc hội vào năm 2012 đã trở thành một vụ điển hình của THTT. Thí sinh này thực chất có giọng hát rất bình thường. Nhưng trước khi cô bé lên sân khấu, chương trình phát clip cả gia đình khen ngợi cô bé hết lời. Cô bé thi trượt. Chuyện sẽ dừng lại nếu BTC không phát hình ảnh mẹ cô bé lên sân khấu giành micro của MC để chất vấn BGK tại sao không chọn con của bà.

Những ai xem chương trình này lúc đó đều chỉ thấy, đây là câu chuyện điển hình minh chứng cho thành ngữ "con hát mẹ khen hay", nhưng không thể nói THTT vô can. THTT đã quá "tham" câu chuyện, tình huống mà bỏ qua yếu tố nhạy cảm - thí sinh mới chỉ 16 tuổi. Sau sự việc này người bị thiệt chính là gia đình và thí sinh.

Tuy nhiên sự can thiệp trong các chương trình THTT, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp vào thực tế môi trường của các thí sinh, việc dàn dựng clip, cắt ghép "chế biến" hình ảnh, mà ở đây nghiêm trọng hơn là can thiệp vào kết quả. Nhiều chương trình lộ liễu ngay từ thông cáo báo chí gửi cho phóng viên hàng ngày trở đi. Đang trong cuộc thi nhưng có chương trình sẵn sàng phỏng vấn một số thí sinh nổi bật và gửi đến cho các báo đăng tải.

Một trong những vụ điển hình là lộ băng ghi âm dàn xếp kết quả của Giám đốc âm nhạc Giọng hát Việt 2012. Dù chương trình kết thúc tốt đẹp với chiến thắng xứng đáng cho Hương Tràm, nhưng giả sử vụ việc trên không được phanh phui thì kết quả rất có thể đi theo một hướng khác.

THTT vẫn đang "hot", nhưng THTT cũng đang bắt đầu đi vào giai đoạn... thừa mứa. Khán giả vẫn thích xem THTT, nhưng THTT cũng ngày càng cần khán giả hơn. Nhiều đơn vị bắt đầu tìm các biện pháp đảm bảo công bằng cho cuộc thi, để giữ khán giả.

Năm nay nhà sản xuất BHD đã kiểm tra rất gắt gao tin nhắn bình chọn nhằm đảm bảo công bằng cho Vietnam Idol. Tuy nhiên, vụ việc thí sinh tố  Master Chef  (cũng là chương trình của BHD sản xuất) cho thấy tính "thực tế" của THTT thực ra vẫn có độ co dãn rất lớn.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm