30/05/2016 12:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nếu như những bài hit là con đường đưa các ca sĩ trở thành ngôi sao thì các ông bầu của họ chính là bệ phóng. Mô hình ông bầu (nhà quản lý) - ca sĩ bao nhiêu năm nay vẫn thế, chỉ có điều, bản chất của nó đang ngày càng khác xưa.
Giờ để tìm một hình mẫu kiểu Hoàng Tuấn - Đan Trường là một điều cực hiếm. Mối quan hệ ca sĩ - ông bầu ngày nay càng lúc càng ngắn hạn và thường mang tính thời vụ.Chuẩn mực truyền thống
Bây giờ nếu hỏi giữa họ đã có những bản hợp đồng được ký kết nào không thì chắc chắn, đó sẽ là những cái lắc đầu. Họ là ai, là Hoàng Tuấn - Đan Trường, là Phú Hải - Đức Tuấn hay Hữu Minh - Cẩm Ly…
Nhưng họ đã song hành cùng nhau từ ít là 10 năm hoặc hơn, 20 năm. Trong 3 “cặp” ấy, chỉ mỗi Đức Tuấn và ông bầu Phú Hải mới “chia tay” gần đây.
“Nhiều hợp đồng giấy trắng mực đen vẫn chia tay, còn tôi và Đan Trường không có hợp đồng vẫn cộng tác bình ổn. Vì Trường không tìm đâu được người quản lý hết mình như tôi. Ngược lại, tôi không tìm đâu ca sĩ có tâm và trách nhiệm như Đan Trường”, ông bầu Hoàng Tuấn từng phát biểu.
Đó là những mô hình ông bầu - ca sĩ mang tính truyền thống, vào lúc mà thị trường âm nhạc Việt bắt đầu phát triển và các ca sĩ đang thật sự cần một người quản lý mang tính định hướng cho mình.
Thị trường thời đó, một mô hình ông bầu lý tưởng là biết lăng xê ca sĩ, biến một người từ số 0 trở thành nổi tiếng. Từ một ca sĩ không ai biết, đưa họ vào showbiz và lăng-xê họ bằng những biện pháp nghề nghiệp.
Không có Hoàng Tuấn, Đan Trường chắc chắn sẽ không như bây giờ. Không có Hữu Minh thì Lam Trường, Phương Thanh hay Cẩm Ly sẽ không thể nào có một bề dày tốt như hôm nay. Và nếu không có Phú Hải, ca sĩ Đức Tuấn chắc hẳn sẽ rất loay hoay sau khi đoạt giải Nhất tiếng hát Truyền hình TP.HCM năm 2000.
Ông bầu và ca sĩ thời ấy, bằng những cách thức khác nhau đã hỗ trợ lẫn nhau và ăn ý với nhau trong từng ấy thời gian. Họ đi với nhau suốt một con đường dài và đến một lúc nào đấy, đã chia tay nhưng mô hình ấy đã từng trở thành chuẩn mực và tưởng chừng không thể bị thay đổi.
Gió đổi chiều
Giờ đây, để tìm một mô hình quản lý theo kiểu ông bầu – ca sĩ như 10 năm trước là gần như không thể. Bởi xét kỹ càng, mô hình ấy hình thành từ những mối quan hệ thân thiết, làm việc dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau là chính chứ không dựa trên những điều khoản rõ ràng, chặt chẽ.
Bây giờ đã thay đổi nhưng cũng chưa hẳn đã là chuyên nghiệp hơn. Nếu như ngày xưa “lăng-xê” là điều quan trọng nhất để gắn bó giữa ông bầu và ca sĩ thì bây giờ mô hình lăng xê lại rất hiếm khi thành công vì đã có sự can thiệp của truyền hình thực tế, YouTube, mạng xã hội… và những hình thức lăng xê khác.
Bây giờ một người không cần phải qua giai đoạn, tìm hiểu hay dò dẫm gì nữa. Họ có thể nổi tiếng ngay sau một đêm, nhờ THTT hoặc YouTube hay Facebook. Vì thế, quy trình lăng xê bị rút ngắn lại, nó thay đổi cách thức. Khi sự thay đổi ấy diễn ra, nó cũng làm thay đổi những việc hợp tác mang tính truyền thống. Ngày xưa cần mất rất nhiều thời gian để làm thì bây giờ bản thân các ca sĩ sẽ thấy rằng họ sẽ bớt đi được một công đoạn dò dẫm tìm đường và họ có quyền thử nghiệm nhiều cách đi khác nhau, với nhiều ông bầu khác nhau.
Thời điểm này, người kia là phù hợp, thời điểm khác, người nọ sẽ phù hợp hơn.
Cho nên sẽ thấy có nhiều ca sĩ hôm nay là nhà quản lý này, tháng sau đã là người khác. Có người vừa ra album mới cùng ông bầu tên tuổi, đến album sau đã lại là người khác. Mô hình ông bầu – ca sĩ của ngày xưa luôn là những mối quan hệ bền chặt, dài lâu nhưng hiện nay mô hình này đã vắng đi và thay thế bằng những hình thức ngắn hạn, thời vụ.
Và mô hình ngắn hạn hay thời vụ cũng là một chuyện hết sức bình thường khi nó vận hành theo quy trình của thị trường âm nhạc. Một Lệ Rơi sau một đêm nổi tiếng đã có người sẵn sàng đứng ra làm ông bầu để cùng “mài” danh tiếng mà bỏ qua hẳn đào tạo hay không cần mất thời gian lăng-xê.
Nhưng những mối quan hệ như vậy rất nhanh chóng kết thúc khi họ không có một chiến lược cụ thể và tầm nhìn thì lại ngắn hạn. Có rất nhiều ca sĩ trẻ hôm nay thay đổi quản lý như thay áo. Có ca sĩ tâm sự rằng quản lý của cô một lúc quản lý khá nhiều người nhưng điều quan trọng nhất, book show hát thì cuối cùng lại chính cô phải đi tìm.
Ngay ông bầu Hoàng Tuấn cũng phải nói “Trước đây, nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng, có đầy đủ yếu tố để thành một ngôi sao thì mới đầu tư. Còn nay, không cần giọng hát, ngoại hình, thậm chí không có đam mê, chủ yếu thích danh vọng, là ca sĩ cũng tự bỏ tiền ra để lăng-xê mình”. Và khi các ca sĩ tự bỏ tiền thì quyền lực của ông bầu bỗng dưng giảm hẳn.
Nhưng mô hình gần như tự phát này sẽ tồn tại lâu và mang tính thay thế kiểu truyền thống? Điều này chưa thể trả lời được nhưng ca sĩ Đức Tuấn cho rằng “thị trường sẽ phải chuyên nghiệp hơn”.
Ngay như Đức Tuấn, sau khi chia tay ông bầu cũ, anh hợp tác với công ty chuyên quản lý ca sĩ, CAS Entertaiment. Anh cho biết rằng khi về đây mới thấy rằng hoạt động âm nhạc của mình được tổ chức bài bản hơn, từ chiến lược để làm sao nâng dần giá cát sê, sắp xếp các chương trình biểu diễn một cách hợp lý, lịch diễn phải kéo dài từ nửa năm đến một năm.
Bên cạnh đó là những công việc bên lề như ê kíp truyền thông, hình ảnh được tổ chức chuyên nghiệp. Mỗi ê-kíp sẽ lo phần việc của mình một cách rõ ràng. Có ê-kíp sản xuất âm nhạc, cố vấn chuyên môn, phụ trách hình ảnh, truyền thông.
Những công ty như vậy đang khá phát triển. Mới đây có thêm công ty TDL cũng chuyên về việc đào tạo và quản lý ca sĩ. Nhạc sĩ Việt Anh, giám đốc âm nhạc của công ty này cho biết anh kỳ vọng công ty này sẽ thay thế dần mô hình quản lý bán chuyên ở thị trường âm nhạc Việt Nam hướng tới chuyên nghiệp.
WePro, công ty đang quản lý ca sĩ Sơn Tùng M-TP thì luôn có những chiến lược cụ thể, rõ ràng trong việc quản lý hình ảnh và âm nhạc cho Sơn Tùng, biết ra “đòn” lúc nào, biết tung bài hát vào thời điểm nào sẽ gây sốt, đều được tính toán cụ thể.
Và những mô hình, mới thật sự là mô hình cần thiết cho những ca sĩ hiện nay nếu như thật sự họ muốn đi lâu dài trên con đường âm nhạc của mình.
Những ông bầu “mát tay” Ông bầu Hoàng Tuấn thời những năm cuối 1999, đầu 2000 đã từng bỏ ra đến vài tỉ để lăng-xê Đan Trường thành ngôi sao, điều này sẽ không thể lặp lại ở thời buổi hiện tại nếu người bỏ tiền không phải là ca sĩ. Phú Hải nếu không nhìn thấy thị trường Pop đầy những ca sĩ đang lên vào thời ấy thì sẽ không thể có những quyết định táo bạo khi “đẩy” Đức Tuấn vào lối đi khác, mà chính lối đi từ Broadway, nhạc tác giả, đã định hình Đức Tuấn thành một ngôi sao ca nhạc có đẳng cấp. Đan Trường và ông bầu Hoàng Tuấn Quang Huy với những lăn lóc trong nghề, đã trở thành một “sói già” khi biến Ưng Hoàng Phúc đang gần như vô danh sau khi nhóm 1080 tan rã trở thành một ca sĩ có sự nghiệp solo rực sáng với những bài hit gây cực điểm xôn xao hơn 10 năm trước. |
Thị trường thay đổi từ khi có truyền hình thực tế Mô hình ông bầu – ca sĩ của ngày xưa luôn là những mối quan hệ bền chặt, dài lâu nhưng hiện nay mô hình này đã vắng đi và thay thế bằng những hình thức ngắn hạn, thời vụ. Ngay cả ông trùm chuyên đào tạo ca sĩ và biến những số 0 trở thành diva nổi tiếng, Clive Davis cũng đã phải nói rằng “thị trường âm nhạc đã thay đổi rất nhiều từ khi có American Idol. Tất cả quy trình lăng xê ca sĩ, các cách thức tạo thị trường đã thay đổi hoàn toàn, kể cả ngành công nghiệp băng đĩa”. Bây giờ ca sĩ cần người quản lý công việc giúp họ, quản lý về tài chính, có khả năng duy trì “book” show đều đặn. Và vì thế quyền lực của ông bầu không còn mạnh như ngày xưa. Như Quang Huy, người từng rất mát tay khi đưa những ca sĩ từ bóng tối ra ánh sáng như Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh, Lương Bích Hữu giờ cũng chỉ quản lý Sơn Tùng M-TP, người trước khi đến WePro đã có sẵn hành trang là người nổi tiếng. |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất