24/11/2020 15:00 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Khán giả đón chờ từng tập Rap Việt, King of rap, Về nhà đi con... chứng tỏ truyền hình vẫn có sức hút, nếu các đơn vị có sự nỗ lực không ngừng, sẵn sàng đột phá cả về tư tưởng và đầu tư để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, hợp thời.
Khoảng từ năm 2015, đều đặn mỗi năm VFC đều có những tác phẩm truyền hình ăn khách, “hot” nhất phải kể đến: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái, Tình yêu và tham vọng… Trong đó, có những phim hấp dẫn về đề tài như: phim hình sự, tội phạm Người phán xử; phim tâm lý xã hội Quỳnh búp bê…
Còn lại, phần nhiều là những phim đề tài gia đình, hôn nhân, tình yêu nhưng có góc nhìn mới mẻ. Chẳng hạn, Sống chung với mẹ chồng khai thác sâu về mối quan hệ muôn thuở giữa mẹ chồng - nàng dâu. Hay, Hoa hồng trên ngực trái khai thác chuyện hôn nhân gia đình với sự xuất hiện của người thứ ba.
Về nhà đi con là hiện tượng phim truyền hình Việt với sức hút vô cùng lớn dù khai thác đề tài gia đình quen thuộc dù kịch bản phim được lấy cảm hứng từ tác phẩm Khi đàn ông góa vợ bật khóc năm 2013. Bộ phim đã "chạm" tới cảm xúc của rất nhiều đối tượng, đó là những người làm cha mẹ hay cả những người trẻ trong xã hội đương đại.
Gameshow như Rap Việt hay King of rap cũng là minh chứng rõ nét nhất, rằng khán giả, đặc biệt là những người trẻ không hề quay lưng với truyền hình. Giữa muôn vàn những “món ăn” miễn phí từ các nền tảng xã hội, khán giả trẻ vẫn chọn xem chương trình bởi đó là thứ họ đang thiếu.
Số liệu của Kantar Media Vietnam (KMV) chứng minh nhu cầu xem phim Việt và các chương trình giải trí trên truyền hình của khán giả rất lớn.
Theo kết quả phân tích số liệu từ KMV giai đoạn 2018 đến 2019 trên sóng các kênh truyền hình được đơn vị này đo lường, có tổng số 3.842 tựa phim trong đó số tựa phim Việt (gồm cả phim truyền hình và thể loại sitcom - phim ngắn, tình huống) chỉ chiếm 28.3%. Nhóm phim Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông chiếm 31.1%, Hàn Quốc chiếm 18.1%, còn lại là phim đến từ nhiều quốc gia khác.
Một điểm khác đáng chú ý là lượng phim phát mới (lần 1) trên truyền hình so với phim cũ chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn, cụ thể như sau:
Kết quả nghiên cứu nêu trên chỉ ra rằng có không ít phim phát đến lần thứ 15 trở lên, cá biệt có phim được phát tới 28 lần.
Cũng theo số liệu đo lường, hiện nay, có 3 nhóm nội dung khán giả quan tâm nhất trên truyền hình là phim, các chương trình giải trí và tin tức.
Số liệu biến động khán giả tính từ 6 tháng đầu năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019 cũng có thể là gợi ý quan trọng cho các đơn vị sản xuất nội dung và phát sóng truyền hình. Cụ thể, nhóm khán giả xem phim truyền hình chiếm trên 40-55%, TV shows dao động 10-16% và tin tức dao động từ 11-18%.
Lượng khán giả xem truyền hình giảm là do dòng chảy của thời đại, không riêng Việt Nam. Tuy vậy, với người dân Việt Nam, đài, báo, tivi vẫn là những nơi rất đáng tin cậy.
Dù thông tin và nội dung giải trí hiện nay đang ở tình trạng khủng hoảng thừa, song với tin tức, cơ bản người dân vẫn đặt niềm tin ở những đơn vị truyền thông chính thống, có uy tín như VTV, VOV, HTV… và những tờ báo lớn.
Cùng với những thế mạnh về tin tức chính thống, nhanh nhạy, chính xác và chuyên sâu thì tập trung vào phim và những gameshow truyền hình là một giải pháp đáng lưu ý. Kết quả công bố trong báo cáo toàn cảnh thị trường truyền thông của KMV 2020 cũng khẳng định rằng gameshow, tin tức và phim truyền hình vẫn đứng đầu trong top 10 nội dung truyền hình được khán giả yêu thích nhất.
Và những người sản xuất nội dung truyền hình cần giải bài toán khó là làm sao để có được những kịch bản phim hấp dẫn, mới lạ, để chạm đến trái tim, có sự đồng cảm của người xem. Còn, các gameshow giải trí thì cần chú ý tới yếu tố mới lạ, khai thác những thử thách mà khán giả chưa từng trải nghiệm.
Bảo Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất