Truyền thông Canada: Ca bệnh 91 - biểu tượng chống đại dịch thành công của Việt Nam

12/07/2020 10:16 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trang CBC.ca của Canada ngày 11/7 có đăng bài viết với tiêu đề “Phi công Anh khỏi bệnh - biểu tượng chống đại dịch thành công của Việt Nam trở về quê hương”.

Bệnh nhân 91 trở lại bầu trời và sự hồi sinh kỳ diệu tại Việt Nam (Kỳ 1): Ca bệnh COVID -19 'độc nhất, vô nhị'

Bệnh nhân 91 trở lại bầu trời và sự hồi sinh kỳ diệu tại Việt Nam (Kỳ 1): Ca bệnh COVID -19 'độc nhất, vô nhị'

Sau 115 ngày điều trị, ngày 11/7, bệnh nhân 91 (phi công người Anh, 43 tuổi) đã xuất viện và trở lại bầu trời trên chính chiếc máy bay Boeing-787 mà mình từng cầm lái, để trở về với quê hương Anh quốc, kết thúc hành trình sinh - tử diệu kỳ của bệnh nhân này ở đất nước Việt Nam đong đầy tình người. 

Viên phi công người Anh, bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam, người đã có thời điểm cận kệ cái chết, đã được xuất viện ngày 11/7 để về nước.

Theo bài viết, trường hợp bệnh nhân người Anh Stephen Cameron (Xtê-phen Ca-mê-rôn), phi công làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã gây xúc động mạnh tại Việt Nam, nơi biện pháp xét nghiệm tập trung (vào các đối tượng cần xét nghiệm) kết hợp với một chương trình cách ly nghiêm ngặt đã hạn chế số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở con số 370 – một mức thấp vô cùng ấn tượng và không có ca tử vong. Người đàn ông 43 tuổi này, được gọi là “bệnh nhân 91” đến Việt Nam vào đầu tháng 3/2020, nhập viện 3 ngày sau chuyến bay đầu tiên của ông cho Vietnam Airlines. Stephen Cameron đã tới một quán bar ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi sau đó đã trở thành một ổ dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 91 xuất viện sau 115 ngày điều trị. Trong ảnh: Bệnh nhân 91 với các y bác sỹ. Ảnh: TTXVN

Bài viết cho biết tình trạng "thập tử nhất sinh" của Cameron và những nỗ lực của các bác sĩ Việt Nam nhằm cứu sống bệnh nhận này, đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến thành công của Việt Nam với COVID-19. Giới chức y tế Việt Nam cho biết có thời điểm phổi của Cameron chỉ còn 10% hoạt động và bệnh nhân này trong tình trạng nguy kịch.

Đầu tháng 4/2020, Cameron phải dùng máy thở và can thiệp ECMO tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 5/2020, giới chức y tế nói rằng bệnh nhân này cần phải khẩn cấp ghép phổi. Với sự chăm sóc không quản ngày đêm của các bác sĩ, tình trạng bệnh của Cameron đã được cải thiện. Tới tháng 6/2020, bệnh nhân này không cần phải ghép phổi và được cai máy thở.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2020, báo Globe and Mail của Canada cũng đã đăng bài viết với tiêu đề “Không có ca tử vong, Việt Nam tạo chuẩn mực cho cuộc chiến chống COVID-19”. Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam đã sớm “khắc chế” được virus SARS-CoV-2 bằng các biện pháp cách ly, truy dấu tiếp xúc và các chiến dịch truyền thông xã hội để giáo dục cộng đồng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây của phóng viên TTXVN, ông Thomas Alexander, một chuyên gia Canada hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về giáo dục, hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong cuộc chiến của Việt Nam với dịch COVID-19, ông ấn tượng nhất về tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông Alexander nói giới chức Việt Nam dường như đã sớm hiểu thấu được bản chất phức tạp của dịch bệnh.

Ở thời điểm ban đầu, khi virus trên còn “xa lạ” với người dân, nhiều người chưa tuân thủ những biện pháp hạn chế của chính phủ một cách nghiêm túc. Nhưng sau đó, người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều nhận ra các biện pháp quyết liệt là "xác đáng". Sinh sống tại Việt Nam trong thời gian có dịch COVID-19, ông Thomas xúc động chia sẻ "tôi cảm thấy mình rất may mắn được có mặt ở đúng nơi và vào đúng thời điểm. Tôi sẽ làm tròn bổn phận của mình để đảm bảo cuộc chiến với COVID-19 thành công".

Hương Giang - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm