(TT&VH Online) -
Sau khi tuyên bố sẽ rời bỏ Trung Quốc chuyển sang Hong Kong, rất nhiều người đã cho rằng có vẻ như Google vẫn còn “lưu luyến” quốc gia đông dân nhất thế giới này.Hiện tại khi người dùng truy cập vào địa chỉ Google.cn sẽ tự động được chuyển sang địa chỉ Google.com.hk (có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông), nơi mà Google sẽ không phải chịu sự kiểm duyệt trong các kết quả tìm kiếm.
Những bất đồng nảy sinhGoogle đã khai trương Google.cn vào tháng 01/2006 sau khi nhất trí kiểm duyệt các trang web có nội dung bị cấm theo luật pháp Trung Quốc. Thậm chí Google đã thiết lập trang web Google.cn, công cụ tìm kiếm phiên bản tiếng Trung với các kết quả được thiết kế riêng cho người dùng Internet nước này. Ngay sau đó, Google đã làm đủ mọi cách để có thể gây dựng được vị thế của mình tại thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát nội dung trực tuyến trong một hệ thống rộng lớn mang tên "Great Firewall of China”, theo đó loại bỏ những thông tin gây hại, các nội dung khiêu dâm và bạo lực, cũng như những nội dung nhạy cảm về chính trị.
Google đã chính thức rời khỏi Trung Quốc sang Hong Kong Với những yếu tố đó, dù là công cụ tìm kiếm số 1 thế giới nhưng ở quốc gia đông dân nhất hành tinh này, Google vẫn chỉ đứng thứ 2 với thị phần khoảng 30%, sau công cụ tìm kiếm bản địa Baidu của Trung Quốc.
Tuy nhiên,vào ngày 12/1/2010, Google bất ngờ lên tiếng tuyên bố hệ thống cơ sở dữ liệu tìm kiếm và email của họ tại Trung Quốc đã bị tấn công, xâm nhập và đánh cắp thông tin và sẽ chính thức ngừng tuân thủ các quy định về lọc kết quả tìm kiếm theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Kể từ đó, Google và Trung Quốc đã có nhiều cuộc thương thảo nhưng cả 2 bên đã không tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Vụ việc bắt đầu trở nên to chuyện khi vào hồi tháng Giêng, Google loan báo ý định đóng cửa công cụ truy tầm dữ liệu trên Internet và các hoạt động khác của họ tại Trung Quốc, bởi vì có những vấn đề an ninh trực tuyến, và vì chính phủ Trung Quốc có chính sách kiểm duyệt thông tin quá nghiêm ngặt.
Mặc dù vậy, Google vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được chính phủ Trung Quốc cho phép hãng được vận hành một công cụ tìm kiếm mà có thể cung cấp kết quả không bị hạn chế. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc thương thảo, cả Google và Trung Quốc đều không thể tìm được tiếng nói chung.
Giọt nước tràn ly...
Sau chuỗi ngày dài đàm phán, làm tốn nhiều giấy mực cuối cùng chuyện gì đến cũng đã phải đến vào 23/3/2010 khi Google chính thức tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động ở Trung Quốc. Người dân Trung Quốc sẽ bắt đầu sống những ngày “không Google”. Nhưng trên thực tế, Google đã chuyển từ tên miền Google.cn sang tên miền Google.co.hk (tên miền Hồng Kong).
Như vậy, kể từ 23/3 người dùng Internet Trung Quốc khi truy cập vào trang web tìm kiếm phiên bản tiếng Trung google.cn sẽ được chuyển tiếp tới máy chủ đặt tại Hồng Kông, nơi các truy vấn tìm kiếm không bị kiểm duyệt.
Ngay sau khi Google đưa ra những tuyên bố của mình, phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc hôm 23/3 tuyên bố rằng đó là hành vi “hoàn toàn sai trái”, đồng thời cáo buộc Google đã vi phạm những cam kết trước đây. Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra không hài lòng về bước đi này của Google. Phát ngôn của Văn phòng thông tin chính phủ cho rằng Google đã chính trị hoá các vấn đề thương mại, và các lời buộc tội Trung Quốc của Google là vô lí.
Rất nhiều người đã cho rằng, Google sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu sau khi rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Google vẫn chưa có bất kì bình luận gì sau những thông tin này. Trên thực tế, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 2% trong tổng số 23,6 tỷ USD Google có được trên toàn thế giới, theo số liệu của BBC. Quảng cáo trên google.cn tới đây sẽ được chuyển sang site đặt tại Hong Kong.
Nhưng nếu nhìn toàn cục thì có thể thấy, quyết định của Google vào ngày 23/3 vừa qua sẽ chưa có tác động ngay lập tức đến doanh thu của hãng nhưng trong tương lai, chắc chẳn Google sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề.
"Có những chỉ báo đáng tin cậy cho thấy quyết định của chúng tôi là phù hợp. Chúng tôi không hoàn toàn liều lĩnh", Sergey Brin, nhà đồng sáng lập và là chủ tịch phụ trách công nghệ của Google trao đổi với New York Times..
Vũ Ngọc (Tổng hợp)