TS Phan Quốc Việt: Chỉ cái đẹp mới 'đè bẹp' cái xấu

26/06/2014 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Cấm không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều khi cấm quá còn có tác dụng ngược” - Diễn giả, Tác giả, TS Phan Quốc Việt, Phó chủ tịch hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group, nêu ý kiến sau khi dư luận lên tiếng về hiện tượng các bài hát tục tĩu, phản cảm được phổ biến tràn lan trên nhiều trang nhạc.

* Rác văn hóa đang tràn lan với không chỉ những bài hát tiếng Việt dung tục, mà cả những bộ phim cực kỳ phản cảm được chiếu công khai trên mạng. Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, ông nhận định thế nào về hiện tượng này, thưa ông?

- Sự xuất hiện của những thứ rác văn hóa là câu chuyện thách thức muôn thuở với không chỉ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nhưng khi nó đồng loạt rộ lên như thời điểm hiện tại nước ta thì điều đó thực sự đáng lo ngại.

* Để xử lý những loại “rác” này, nhiều luồng ý kiến cho rằng, phải mạnh tay, phải cấm triệt để, nhưng quan điểm khác lại cho rằng, công chúng và khán giả phải tự đề kháng. Ông nghĩ sao?

- Thực tế chúng ta thiên về cấm, ngăn chặn, nhưng tôi cho rằng, cấm không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều khi cấm quá còn có tác dụng ngược, tuyên truyền không công, kích thích tò mò của công chúng. Chúng ta hãy học Bác Hồ, ngăn chặn cái xấu bằng cách đưa nhiều cái tốt lên, đưa nhiều bài hát tốt lên, nhiều phim hay lên. Cách duy nhất diệt cỏ là trồng lúa cho tốt, trồng cây hoa quả cho xum xuê. Chỉ chửi bới cái xấu cũng là một việc xấu.


TS Phan Quốc Việt

Tôi từng đến giảng ở một trường tại Nam Định, tầng 1 là khẩu hiệu: Nói không với ma túy; tầng 2 là: Nói không với mại dâm; tầng 3 là: Nói không với sống thử… Vậy là ba điều đọng lại trong tôi là: Ma túy, mại dâm, sống thử… Tôi chỉ một lần đến mà bây giờ vẫn nhớ, thử hỏi các em sinh viên ngày nào cũng nhìn thấy thì cái gì đọng lại trong tâm trí họ. Phải nhớ rằng não bộ chúng ta không chỉ có hình ảnh. Tại sao lại không phải là những khẩu hiệu: Học tiếng Anh xuất sắc; Tập thể dục thể thao hoặc Tinh thần đồng đội…

Quy luật tự nhiên của con người là thể hiện bản thân mình. Theo nhà tâm lý học Maslow với tháp nhu cầu Maslow nổi tiếng, đỉnh tháp, nhu cầu số 1 của con người là nhu cầu sinh lý. Vì thế, thể hiện bản năng sinh lý bao giờ cũng là dễ nhất. Như hiện nay, nhiều “sao” đang tìm đường tiến thân bằng cách chửi tục, rớt áo, văng xiêm. Nhu cầu thể hiện là nhu cầu số 5 của con người, nhưng không thể nổi tiếng bằng tài năng thì ắt họ sẽ quay trở lại nhu cầu số 1 - bản năng sinh lý mà thôi.

Thời trẻ chúng tôi sống, chúng tôi luôn đắm mình vui say với những ca khúc: Dậy mà đi, Hát mãi khúc quân hành… và cũng say đắm yêu thương với những ca từ đỉnh của cực với Ca dao em và tôi của nhạc sĩ An Thuyên: Cắt nửa vầng trăng/Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ/Chặt đôi câu thơ/Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng… đến giờ vẫn hay. Rõ ràng là ái ngữ nói lên tình yêu lứa đôi rất tuyệt vời, chứ không phải “thô thiển, bom tấn” mới là yêu.

Bây giờ cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, vì vậy mới nảy sinh “nhàn cư vi bất thiện”. Giới trẻ hiện nay nhiều năng lượng lắm, họ luôn khao khát bung ra thể hiện, đôi khi thành liều lĩnh, ngông cuồng.

* Theo quan điểm của ông, chúng ta cần uốn nắn, định hướng thế nào cho giới trẻ?

- Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng: “Rau nào sâu nấy”. Tức là môi trường xã hội văn hóa như thế nào sẽ tạo ra thế hệ trẻ như vậy. Vì thế cần tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ thể hiện thì họ sẽ bớt đi những thể hiện bản năng sinh lý. Chúng ta không những chỉ mời họ đến với sân chơi của mình, đến với báo giấy mà phải mang cái tốt đến với sân chơi của họ, YouTube, Facebook... Phải có Fanpages lành mạnh, chất lượng, đầy hấp dẫn cho để giới trẻ học tập, giải trí.


Những thứ "rác” ca từ, phim 18+ tràn lan trên mạng đang gây “đau đầu” cơ quan quản lý văn hóa và thách thức xã hội

* Bản thân ông có thấy lo lắng khi con cháu mình đang ngày ngày đối diện và hấp thụ những mặt xấu của đời sống văn hóa?

- Tôi chỉ lo là chúng ta suốt ngày đi chống. Chỉ có cái đẹp mới đè bẹp được cái xấu. Chỉ chống cái xấu thì cái xấu mãi mọc. Chống tham nhũng tốt nhất bằng cách thực hành liêm khiết. Xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất là khuyến khích vượt khó làm giàu, khởi nghiệp từ tay trắng... Bóng đá Brazil luôn lấy tấn công làm phòng thủ. Chúng ta phải xác định làm văn hóa chứ không chỉ chống văn hóa đồi trụy thì mới xây được cái nền văn hóa lành mạnh cho giới trẻ.

Nhưng tôi cũng lưu ý, đừng “kín mít” như thời chúng tôi ngày xưa, càng cấm càng kích thích sự tò mò.

Tôi đã trực tiếp tham gia nhiều trang mạng xã hội, cũng giật tít, câu like, giao lưu với các bạn trẻ. Tôi nhận ra rằng, họ có rất nhiều ý tưởng tích cực, mới lạ, sáng tạo.

* Báo chí, truyền thông, mạng xã hội… đang là tác nhân gây ảnh hưởng xấu. Quan điểm của ông về nhận xét này?

- Cái gì cũng có hai mặt. Bây giờ sướng hơn trước vì thông tin tràn ngập. Với thế giới di động, bạn không phải tìm thông tin mà thông tin nó lao vào bạn. Chống cái xấu chỉ là cách làm bưng bít nó, mưng mủ lên, rồi phá nó ra, tự chọc, tự ngửi…

Nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới đang dịch chuyển từ thông minh logic sang thông minh xã hội. Trước tới nay, người ta giáo dục kiến thức nhiều quá. Các em giỏi toán, giỏi văn được thể hiện, giỏi cái khác không có cơ hội thể hiện. Năng lực cao mà không phụng sự xã hội thì chắc chắn làm bậy, lúc đó năng lực càng lớn càng nguy hiểm. Vậy hãy tạo điều kiện để các em thể hiện khả năng. Cần đào tạo kỹ năng xã hội cho trẻ con từ sớm để giới trẻ biết làm chủ bản thân, dấn thân gia tăng giá trị cho xã hội. Nếu không được đào tạo kỹ năng xã hội, thì giới trẻ sẽ ích kỷ, thiên về thể hiện thứ mạnh nhất, đó chính là bản năng sinh lý.

Chúng ta có nhiều báo chí. Nhưng hiện nay nhiều báo chí đó không đến với các em. Chúng ta phải có nhiều trang trên mạng. Không bắt được họ đến với mình thì mình phải đến sân chơi của họ.

Thật đáng buồn vì nổi bật các trang nhất bây giờ là “Bầu” Kiên, Dương Chí Dũng, Lê Văn Luyện… Nguy hiểm kinh khủng. Thời chúng tôi, ra ngõ gặp anh hùng, là chị Hằng, chị Tuyển, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Viết Xuân, là Kim Đồng, Vừ A Dính… Bây giờ thì tràn ngập các báo là tệ nạn với cướp, giết, hiếp… Người tốt lên báo có khi chỉ 1 mẩu tin, trong khi chuyện lố lăng tệ nạn thì nhiều trang, nhiều kỳ… Một đặc tính của giới trẻ là luôn tìm thần tượng để noi theo. Họ luôn sống bằng thần tượng. Không có thần tượng tốt thì họ chọn thần tượng xấu. Hãy cho họ một sự lựa chọn.

Cũng cần lưu ý rằng, khá nhiều báo, trang mạng đang lạm dụng giới showbiz rởm để câu view cho mình. Cái xấu của loại báo chí này là xấu kép: họ lên tiếng phê phán nhưng thật ra, bản chất là PR không công cho những thứ lố lăng đó và lạm dụng nó để câu view cho mình. Như thế là “cú đúp” về xấu. Tại sao không đưa cái tốt lên. Thời chúng tôi, bên góc phải trang nhất các báo là gương người tốt việc tốt. Hỏi thanh niên bây giờ tham nhũng, tệ nạn thì có thể kể hàng loạt, hỏi người tốt việc tốt thì ú ớ.  Không phải người tốt việc tốt không có người đọc, mà vì ta viết chưa hay nên không có người đọc. Bản chất con người “nhân chi sơ tính bản thiện”.

* Bản thân ông giáo dục con cháu mình điều gì?

- Giáo dục khát vọng sống. Và quan trọng hơn “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tôi từng đi giảng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Điều khiến tôi buồn nhất là học sinh bây giờ không có hoài bão. Buồn hơn, khi tôi hỏi thầy cô thì thầy cô cũng ngơ ngác không biết định nghĩa hoài bão là gì và hầu như không có hoài bão. Cái làm con người khác máy tính là khát vọng chứ bây giờ, chỉ cần cái điện thoại di động ta đã có cả một văn phòng di động được cập nhật từng giây từng phút.

* Xin cảm ơn ông với những trao đổi thẳng thắn.

>>> Chuyên đề: Sốc vì 'rác' ca từ



Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm