TS Trần Hữu Sơn: 'Không nên chỉ vì phẫn nộ mà coi kéo vợ là hủ tục'

14/02/2022 08:24 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Mới đây, vụ việc một bé gái bị “bắt vợ” (nhưng đã được công an giải cứu) tại Hà Giang, gây xôn xao dư luận. Ngay sau khi vụ việc được phản ánh, nhiều ý kiến đã cho rằng tục “bắt vợ” là hành động phản cảm, cần có sự ngăn chặn. Theo kết quả xác minh, bé gái và nam thiếu niên thực hiện hành vi “bắt vợ” đã nói chuyện và hẹn nhau đi chơi từ trước...

Người H’Mông có tục ‘kéo vợ’ chứ không đi ‘bắt vợ’

Người H’Mông có tục ‘kéo vợ’ chứ không đi ‘bắt vợ’

Đó là chia sẻ của TS Trần Hữu Sơn (sinh năm 1956), nguyên Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu gắn bó với dân tộc thiểu số...

Thực tế, tục “kéo vợ” của người Mông cho đến nay vẫn là một tập tục gây nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến cho rằng đây là phong tục văn hóa độc đáo cần gìn giữ, thì có không ít người cho rằng đây là một hủ tục, phải xóa bỏ. Để hiểu hơn về giá trị nguyên bản của tục kéo vợ đã có từ lâu đời của người Mông, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu, TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tại miền núi phía Bắc.

Kéo vợ - một tập tục nhân văn của người Mông

* Được biết, “kéo vợ” là một tập tục đã có từ lâu đời và diễn ra phổ biến trong cộng đồng dân tộc Mông. Vậy nguồn gốc của tập tục này được bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

- Kéo vợ là một tập tục cổ truyền của người Mông. Nhiều nhà dân tộc học cho rằng, tập tục này bắt nguồn từ giai đoạn hôn nhân thị tộc từ mẫu hệ chuyển sang phụ hệ, khẳng định vai trò của nam giới. Cũng cần phải nói thêm, bấy lâu nay việc dùng từ “bắt” là không đúng nguyên bản của tập tục này. Thay vì gọi “bắt vợ”, hay “cướp vợ”, đúng nhất phải dùng từ “kéo vợ”.

Theo truyền thống của dân tộc Mông, bao giờ cũng phải tổ chức kéo vợ sau mới tiến tới đám cưới. Người Mông kéo vợ khi các cặp trai gái đã yêu nhau, khi đã “ưng cái bụng”, kéo vợ khi chuẩn bị cưới. Thậm chí, có những đoàn đón dâu đưa vợ về gần đến nhà trai cũng phải tổ chức kéo vợ. Cho nên kéo vợ là một tập tục có sự diễn biến và thực hành bình thường, và là một phong tục hay của người Mông. Sau này, tục kéo vợ bị biến tướng trở thành các hiện tượng bắt vợ, cướp vợ.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn. Ảnh: TL

* Đây là một phong tục của người Mông, xin ông chia sẻ vài nét về tục kéo vợ được diễn ra như thế nào?

- Tập tục kéo vợ diễn ra là kết quả của tình yêu. Nam nữ khi yêu thương nhau sẽ tổ chức kéo vợ. Kéo vợ thường diễn ra vào mùa cưới, tại những phiên chợ, hoặc ở trên nương rẫy, được bố trí và phải được sự đồng ý của cô gái. Khi đã có được sự đồng ý của cô gái, phải có từ 3 hoặc 5 chàng trai để kéo vợ. Cần từ 3 hoặc 5 người là số lẻ, cộng thêm cô gái sẽ thành số chẵn, mới được coi là hạnh phúc, đủ đầy.

Kéo vợ được tiến hành khi các cặp trai gái người Mông đã yêu nhau tha thiết từ trước. Khi kéo được vợ về, ông chủ nhà cầm con gà trống đỏ ra quay trên đầu cô gái 3 vòng để nhập hồn cô gái lại. Như vậy, ma cửa đã công nhận cô gái là thành viên của gia đình chàng trai.

Khi người con gái Mông được kéo về nhà chàng trai dù là yêu nhau hay chỉ mới tìm hiểu, người Mông đều có những ứng xử văn minh, có ý thức tôn trọng cô gái khi vào nhà. Cô gái được ngủ ở buồng cùng với chị, hoặc em gái của chàng trai để tâm sự, nói chuyện, tìm hiểu về gia đình chàng trai, trong vòng 3 ngày. Tìm hiểu đã quen, cô gái đã chắc chắn có sự ưng thuận thì mới tiến tới tổ chức ăn hỏi.

Khi ấy, nhà trai cử một đoàn người sang tổ chức ăn hỏi bên nhà gái, sau đó mới tổ chức lễ cưới. Ở đây rất nhân văn ở chỗ, tập tục kéo vợ diễn ra trên cơ sở sự ưng thuận, có sự đồng ý của người phụ nữ.

Theo cái lý của người Mông, con gái muốn lấy chồng phải có kéo vợ. Bởi quan niệm của người Mông cho rằng, con gái phải được kéo về làm vợ mới có giá trị. Hay nói cách khác, những cô gái xinh đẹp, chăm làm, tài giỏi cho nên mới có chàng trai kéo về làm vợ. Đây cũng là niềm tự hào của các cô gái Mông.

Trong luật tục truyền thống của người Mông, khi kéo vợ diễn ra bất cứ người ngoài nào cũng không ai được can thiệp. Thay vào đó, chỉ có anh hoặc em trai của cô gái, nếu không đồng ý, mới có thể được can thiệp. Khi tiến hành kéo vợ, về nguyên tắc chàng trai phải hoàn toàn tôn trọng cô gái, không có sự bắt buộc, cưỡng ép.

Chú thích ảnh
Tục kéo vợ lâu đời của người Mông. Ảnh: TL

* Rõ ràng có thể thấy, kéo vợ nguyên bản là một tập tục chứa đựng tính nhân văn khi đề cao giá trị của người phụ nữ. Phải chăng đây phải coi là một phong tục hàm chứa nhiều giá trị thay vì bị coi là hủ tục?

- Trong tập tục kéo vợ của người Mông mang nhiều ý nghĩa. Một là, nói lên giá trị của những con gái rất tốt về nhiều mặt, như đã đề cập. Hai là, sự ứng xử hiệu quả trước nạn thách cưới cao. Ví dụ như tôi đã nghiên cứu có nhiều trường hợp nhà trai bị nhà gái thách cưới rất cao. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, người Mông thường thách cưới một con trâu, kèm theo trâu là hàng trăm lít rượu, thêm cả lợn, cả gà. Cho nên con trai người Mông rất khó để có đủ tiền cưới vợ, nhất là những gia đình nghèo. Tục kéo vợ nảy sinh như một sự phản kháng tục lệ ép dâu, thách cưới cao. Sau kéo vợ, thủ tục cưới xin cũng được tiến hành đơn giản, nhỏ nhẹ do nhà gái không thể thách cưới.

Cần hiểu đúng thực chất tục kéo vợ và những biến tướng

* Thưa ông, mặc dù là một tập tục hay, nhân văn của dân tộc Mông song cũng có không ít những nhìn nhận chưa đúng về bản chất của tục kéo vợ. Theo ông, thực tế này xuất phát do đâu?

- Nhiều người hiểu sai vì không hiểu thực chất tục kéo vợ của người Mông truyền thống và không phân biệt được với những biểu hiện biến tướng. Những biến tướng của tục kéo vợ xảy ra ở một bộ phận nhỏ, nhưng đã gây ra những phẫn nộ sâu rộng trong dư luận. Tuy nhiên, cũng không nên chỉ vì những phẫn nộ, vì một số ít người phá vỡ tập quán mà coi kéo vợ là hủ tục, lạc hậu, phải phá bỏ. Đây là nhận thức không đúng.

Để hạn chế nhận thức sai lệch nên có những quy chế chung cho cả cộng đồng về luật tục này. Theo đó, nếu là biểu hiện “cướp vợ” phải được can thiệp, phải xử lý. Còn nếu là kéo vợ, 2 bên trai gái đều đồng ý thì phải được tôn trọng.

Chú thích ảnh
Vụ việc “bắt vợ” tại Hà Giang gây xôn xao dư luận mới đây. Ảnh cắp từ clip

* Từ vụ việc “bắt vợ” ở Hà Giang gây xôn xao dư luận vừa xảy ra cho đến gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện biến tượng của tục kéo vợ. Ông đánh giá ra sao về thực tế này?

- Tục kéo vợ của người Mông đã bị biến tướng theo các xu hướng khác nhau. Thứ nhất, có những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ bất chấp luật hôn nhân gia đình, lợi dụng tập quán để thực hiện hành vi bắt vợ, cướp vợ khi không có tình yêu đối với những cô gái cũng còn rất trẻ. Thứ 2, ở vùng biên giới có nạn buôn bán người diễn ra phổ biến từ đầu thế kỷ 20 cho đến những năm sau này. Ở các huyện biên giới xảy ra rất nhiều vụ việc các cô gái bị bắt ép đi lấy chồng, bị cướp mang sang biên giới. Điều này hoàn toàn là những hành vi vi phạm pháp luật.

Những xu hướng biến tướng tập tục kéo vợ của người Mông đã bỏ qua cái lý của người Mông là phải có sự tôn trọng, đồng ý của người con gái. Những đối tượng có dã tâm, mưu đồ đã làm xấu đi tập tục tốt đẹp lâu đời của người Mông. Sự biến tướng diễn biến từ kéo sang bắt, cướp vợ. Điều này đã phá vỡ thể chế truyền thống của người Mông, phá vỡ tập quán, cái lý của người Mông. Những hiện tượng vi phạm pháp luật này cần phải được xử lý.

Luật tục kéo vợ của người Mông khi có sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực phải có sự can thiệp của luật pháp. Từ đó, để thấy chúng ta không nên kỳ thị, lên án tục kéo vợ của người Mông. Đúng nguyên bản của tục kéo vợ là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của đồng bào người Mông trong sinh hoạt cộng đồng, cần được tôn trọng. Trong khi, những người phá vỡ, làm biến tượng luật tục đẹp này cần phải bị trừng trị.

* Theo ông, cần làm gì để hạn chế những biến tướng của tục kéo vợ?

- Trước hết, cần có những giải pháp về nhận thức, để phân biệt được đâu là phong tục nguyên bản, đâu là biểu hiện biến tướng, phân biệt giữa kéo vợ và cướp vợ. Đối với 2 hiện tượng này, trong xã hội người Mông cần bổ sung thiết chế quản lý trong cộng đồng, nếu kéo vợ thì tôn trọng, không can thiệp, nhưng nếu là bắt vợ, cướp vợ phải có sự can thiệp. Thay vì giữ nguyên quy ước không can thiệp dù trong bất cứ tình huống kéo vợ nào như truyền thống.

Thêm nữa, là vai trò của các đoàn thể trong việc giáo dục, tuyên truyền ngay tại các trường học để con em hiểu đúng về tập tục dân tộc mình, ngoài ra còn là các kiến thức về chống bạo hành, chống quấy rối cũng cần được học tập. Đặc biệt, còn cần sự vận dụng luật pháp trong việc xử lý những hiện tượng làm biến tướng, ứng xử sai lệch với các biểu hiện văn hóa của luật tục một cách kịp thời, đủ sức răn đe.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

“Trong nhật ký điền dã tôi viết năm 1980, qua quan sát, tôi thấy cô gái khuyến khích, đồng ý để chàng trai kéo. “Cô gái không chạy, má đỏ bừng, miệng cười tươi, không có vẻ gì là nạn nhân bị cướp”. Động tác kéo như chỉ mang tính chất giả vờ” (chia sẻ của TS Trần Hữu Sơn).

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm