Từ ASIAN Cup Qatar 2023 đến World Cup: Một giấc mơ hoa

19/01/2023 10:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

Bao giờ đội tuyển Việt Nam được dự VCK FIFA World Cup? Người hâm mộ nước nhà luôn đau đáu với câu hỏi như thế. Câu hỏi đó không còn mơ hồ nữa khi bóng đá nước nhà đã gần hơn với sân chơi lớn nhất thế giới, nhưng cũng đủ xa như 1 giấc mơ...

Xây lại giấc mơ

Hẳn nhiên, đó là ước mơ chính đáng của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Song nếu bình tâm ngẫm lại trên thực tế thì hành trình đến với World Cup của chúng ta không hề dễ dàng, còn lắm gian nan. Vì thế, bóng đá Việt Nam cần nuôi dưỡng khát vọng của mình một cách bền bỉ nhất.

FIFA đã quyết định tăng số đội tham dự World Cup từ 32 đội lên 48 đội vào năm 2026, trong đó châu Á từ 4,5 suất tăng lên 8,5 suất. Điều này đồng nghĩa với cơ hội góp mặt được mở ra đối với nhiều nền bóng đá đang phát triển, trong đó có bóng đá Việt Nam. Rất nhiều người đã lạc quan, tin rằng Việt Nam sớm góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, thậm chí là ngay World Cup 2026 sắp đến.

Đó là sự mộng mơ, còn thực tế, bóng đá Việt Nam đã đặt mục tiêu cụ thể và rõ ràng, phấn đấu sẽ góp mặt vào ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2026, phấn đấu đưa ĐTQG vào Top 10 khu vực châu Á, giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự World Cup 2026, hướng đến tham dự  World Cup 2030.

Từ SEA Games, AFF Cup, Asian Cup đến World Cup là con đường thiên lý. Ở đó, ngay cả các quốc gia từng nhiều lần tham dự World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia cũng còn bị "ngộp thở". Thành tích tốt nhất của bóng đá châu Á là việc Hàn Quốc lọt đến bán kết World Cup 2002. Nhưng nên nhớ, đấy là năm họ và Nhật Bản là chủ nhà đăng cai, vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi. Kể từ đó, các đại biểu châu Á xác lập được vị thế "ngựa ô" đã là hiếm.

Chính vì thế, những gì bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc để lại ở World Cup 2022 thật sự ấn tượng. Sự tỏa sáng của họ đủ để truyền cảm hứng cho cả châu Á, trong cuộc trường chinh hội nhập với bóng đá thế giới. Điều này cũng cổ vũ mạnh mẽ, nuôi dưỡng khát vọng World Cup cho bóng đá Việt Nam.

(BAO TET) Từ ASIAN Cup Qatar 2023 đến giấc mơ World Cup: Một giấc mơ hoa - Ảnh 1.

Dù đang có lứa cầu thủ tài năng, nhưng theo các chuyên gia, bóng đá Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với sân chơi World Cup. Ảnh: Minh Dân

Không thể phủ nhận bóng đá Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua, khẳng định được vị thế trong khu vực Đông Nam Á và từng bước gây dựng tên tuổi ở tầm châu lục. Chúng ta trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, Điều này đồng nghĩa với việc đội tuyển Việt Nam nằm trong nhóm 12 đội bóng mạnh nhất khu vực. Thầy trò HLV Park Hang Seo cũng đã vào đến tứ kết Asian Cup 2019, còn đội tuyển Olympic cũng lần đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết ASIAD 2018.

Ở cấp độ khu vực, bóng đá Việt Nam có được tấm HCV 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Cũng đã 2 lần lên ngôi vô địch AFF sau nhiều năm chờ đợi, lật đổ sự thống trị của bóng đá Thái Lan trong khu vực. Những thành tích trên của bóng đá Việt Nam đủ cho người hâm mộ hạnh phúc, bay bổng và nghĩ đến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng sẽ tự hào tung bay ở sân chơi World Cup trong một ngày gần nhất.  

Bóng đá Việt Nam cần gì để đến World Cup?

Đó là ước mơ, là khát vọng, là mục tiêu đặt ra để chinh phục. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, bình tâm đánh giá đúng thực lực nền bóng đá nước nhà để không phải rơi vào tâm trạng hụt hẫng, thất vọng khi đặt nhiều quá kỳ vọng. Bóng đá Việt Nam không thể đưa ra những nhìn nhận đơn giản như kiểu "Việt Nam nằm trong Top 12 đội mạnh nhất châu Á tất nhiên là có cơ hội". Bởi, muốn đến được World Cup, bóng đá Việt Nam phải thường xuyên góp mặt và tiến xa ở Asian Cup. Sân chơi châu lục chính là bàn đạp để tạo ra chân đế vững vàng nhất cho giấc mơ World Cup.

Trong năm nay, đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự Asian Cup 2023, giải đấu được mở rộng từ 16 lên 24 đội. Đây có lẽ được xem như một cữ tập dượt cực kỳ chất lượng đối với đội tuyển Việt Nam trước khi chinh phục giấc mơ World Cup. Nếu tiếp tục duy trì thành tích lọt vào tứ kết như Asian Cup 2019 thì có thể chúng ta đã tạo ra một tiền đề thuận lợi cho mục tiêu dự ngày hội bóng đá nhất hành tinh. 

Khi nhìn lại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á mà bóng đá Việt Nam đã trải qua sẽ thấy rõ hơn về chân dung, tâm thế của chúng ta. Ở đó, câu hỏi, chúng ta đang ở đâu, có gì, còn thiếu gì và sẽ phải bước tiếp với chiến lược gì trong tương lai? Thiết nghĩ, 10 trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã như tấm gương phản chiếu rõ nhất các vấn đề của bóng đá Việt Nam trên hành trình vươn ra biển lớn. Vẫn có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn" thì 10 trận đấu là 10 "sàng khôn" giá trị nhất cho bóng đá Việt Nam đúc kết, chiêm nghiệm.

Bóng đá Thái Lan từng thống trị rất lâu ở khu vực, riêng SEA Games đã 9 lần đăng quang, AFF Cup với 6 lần vô địch nhưng cũng không thể vượt giới hạn, đang trên đà đi xuống. Bước ra sân chơi châu Á, hay thế giới, trình độ của họ vẫn còn khoảng cách rất xa với các đội bóng hàng đầu châu lục. Cũng nên nhớ, họ đã 2 lần lọt vào vòng cuối cùng vòng loại World Cup (các năm 2002, 2018).

(BAO TET) Từ ASIAN Cup Qatar 2023 đến giấc mơ World Cup: Một giấc mơ hoa - Ảnh 2.

Để có thể thực hiện giấc mơ tham dự VCK World Cup, theo HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam phải chuẩn bị ngay từ lúc này. Ảnh: Hoàng Linh

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam chỉ mới 2 lần vô địch AFF Cup, 2 lần lên ngôi SEA Games. Lần đầu tiên đoàn quân áo đỏ lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Dù cố gắng nhiều nhưng thầy trò ông Park vẫn để thua đến 8 trận. Chừng đó, đủ thấy một khoảng cách vời vợi từ sân chơi Đông Nam Á bước ra đấu trường châu lục.

Vì vậy, làm sao để bóng đá Việt Nam tránh vết xe đổ của Thái Lan, vươn lên mạnh mẽ, sự ổn định của đẳng cấp là rất khó! Điều này, đòi hỏi phải duy trì nhịp độ ổn định ở các nền tảng: Công tác đào tạo trẻ; hệ thống giải chuyên nghiệp; chiến lược phát triển vĩ mô của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Đồng thời, phải hòa nhập sâu sắc hơn nữa với bóng đá quốc tế thông qua việc đưa các đội tuyển đi cọ xát các môi trường đỉnh cao, cầu thủ được ra nước ngoài "du học". Các nhà lãnh đạo bóng đá phải được học tập, áp dụng sâu sắc các mô hình tiên tiến vào điều kiện bóng đá Việt Nam.

Một nền bóng đá không tránh khỏi chu kỳ chuyển tiếp. Khi HLV Park Hang Seo rời Việt Nam và lứa trẻ hiện nay đang có dấu hiệu chất lượng không cao, các nhà lãnh đạo nền bóng đá cần nhanh chóng khỏa lấp những lỗ hổng về lực lượng để giai đoạn chuyển giao không bị đứt gãy.

Bóng đá Việt Nam còn cách World Cup một chặng đường rất xa, nhưng nếu cứ đi bằng sự nhẫn nại và không ngừng học hỏi, sẽ có ngày đến đích. Bản thân các cầu thủ cũng sẽ cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao thể lực, kỹ, chiến thuật và nên được tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn nữa để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Có như vậy, giấc mơ World Cup của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam mới sớm trở thành hiện thực. Hành trình đó, giấc mơ đó phải được nuôi dưỡng với những yếu tố căn cơ: Tài năng, tiềm lực, khát vọng cùng lòng dũng cảm.

Nhìn vào cách các "ông lớn" châu lục đã làm để đi đến thành công như hiện tại, chắc hẳn bóng đá Việt Nam sẽ rút ra được nhiều bài học cho mình. Chính HLV Park Hang Seo cũng nhấn mạnh: "Tính đến nay, tôi đã có 5 năm làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Tôi thấy, bóng đá Việt Nam còn nhiều thứ phải làm. Chúng ta hòa Nhật Bản, nhưng về mặt tiềm năng thì còn thiếu rất nhiều. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhiều yếu tố khác, những thứ để hỗ trợ sự phát triển bóng đá thì ở Việt Nam chưa được tốt. Nhưng trong tương lai khi kinh tế phát triển, những thứ đó sẽ được cải thiện. Khi đó tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ rất phát triển".

Cùng với đó, ông Park cho rằng từ thời điểm này, đội tuyển đã phải chuẩn bị ngay lập tức cho vòng loại World Cup 2026 chứ không chỉ là ngồi chờ đợi.


Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm