07/04/2016 06:47 GMT+7
(lienminhbng.org) - Vụ tạt a-xít 2 nữ sinh tại TP.HCM trong tuần qua đang là đề tài thời sự. Không chỉ bởi những uẩn khúc về giới tính, câu chuyện ấy còn khiến độc giả quan tâm từ một lý do khác: Đây là lần hiếm hoi, chúng ta có thể chứng kiến sự đau đớn từ những nạn nhân của a-xít, khi một chiếc camera an ninh vô tình thu lại những cảnh này.
Và chắc chắn, dù chưa có thống kê cụ thể, những vụ tạt a-xít xảy ra nhiều nhất trong những câu chuyện “trả thù tình”. Bằng chứng: rất nhiều người trong số chúng ta, trong những câu chuyện phiếm, hẳn cũng đã từng nhắc tới a-xít như một "biểu tượng" mặc định cho “đòn ghen” của cả đàn ông và phụ nữ.
Nhưng, những khái niệm được mặc định về a-xít ấy vẫn là một điều gì rất khác, so với việc trực tiếp chứng kiến nỗi đau thể xác, cũng như sự hoảng loạn tới mức tuyệt vọng của 2 nữ sinh tại TP.HCM.
Bởi thế, không có gì lạ khi trong những ngày qua, một lượng lớn độc giả cùng lên tiếng chia sẻ và động viên nạn nhân, cũng như bày tỏ sự căm phẫn với cách ra tay tàn độc của những kẻ thủ ác.
Và rộng hơn, lại một lần nữa, câu chuyện về tăng mức hình phạt đề xuất cho những kẻ tạt a-xít cũng như sự lỏng lẻo trong việc quản lý loại dung dịch độc hại này, được xới lên. Khi thành “điểm nóng” trong dư luận, những thay đổi cần thiết ấy dù chưa thể xuất hiện ngay trong ngày mai, nhưng chí ít, cũng đủ để chúng ta thêm hy vọng.
Câu chuyện “trả thù tình” không chỉ diễn ra với a-xít. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet, người ta có thể chứng kiến hàng chục, hàng trăm tội ác muôn hình muôn vẻ từ nguyên nhân ấy.
Và, không chỉ hủy hoại tính mạng hoặc sức khỏe người khác, ở rất nhiều trường hợp, thủ phạm cũng chính là nạn nhân. Gần nhất, ngày 4/4 vừa qua, một thanh niên sau khi dọa tự thiêu tại trường Cao đẳng Y Thái Bình đã dùng dao tự sát, với lý do: bạn gái cũ không chịu gặp.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao những vụ “trả thù tình” mỗi lúc một nhiều và nghiêm trọng?
Trong một cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình từng chia sẻ rằng sự ích kỷ, thiếu nhân ái, bao dung, đề cao quá mức cái tôi… là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt câu chuyện đau lòng như vậy.
Bên cạnh đó, đang có một khoảng trống lớn trong việc nhận thức ứng xử với khủng hoảng tình ái nói riêng và cuộc sống nói chung của giới trẻ. Bi kịch, chúng ta đã qua thời kỳ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” khi giới trẻ hiện tại chủ động trong chuyện tình yêu. Nhưng, chúng ta lại ngại đề cập nói chuyện tình yêu, giới tính, với con em mình.
Trong nhà trường, các vấn đề giáo dục tâm lý, kỹ năng mềm cũng buông lỏng. Với vốn sống non nớt, không được trang bị đầy đủ nhận thức, những thảm kịch của người trẻ đã diễn ra và sẽ còn tiếp diễn.
Bi kịch chỉ dừng lại khi chúng ta dám nhìn thẳng vào vấn đề và gọi tên chúng. Bi kịch chỉ qua đi khi chúng ta thẳng thắn trò chuyện với con em về những vấn đề bị gắn nhãn “nhạy cảm”. Bi kịch cũng chỉ hạ màn khi ta bỏ những định kiến tồi tệ về “vẽ đường cho hươu chạy”.
Bởi xét cho cùng, thà “vẽ đường cho hươu chạy” đúng, còn hơn để các bạn trẻ gục ngã vĩnh viễn, ngay trong những tổn thương tâm lý đầu đời.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất