Đừng tưởng sân khấu Sài Gòn chỉ vì tiền

22/01/2015 14:59 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong cách nhìn bề nổi và phổ biến của giới làm nghề sân khấu ở các địa phương khác thì các sân khấu tư nhân ở Sài Gòn chỉ làm giải trí, nói thẳng ra vì tiền. Nếu không sâu sát với thực tế, cách nhìn này cũng dễ hiểu, dù không đúng, vì sân khấu Sài Gòn có nhiều hơn thế rất nhiều.

Mấy tuần gần đây thấy người mẫu Trang Trần lần đầu đóng kịch, còn lóng ngóng trong vở mới Đêm vượn hú (KB: Xuyên Lâm, ĐD: Chánh Trực) tại Kịch 5B, nếu vội vàng có thể phê phán này kia. Thế nhưng lùi lại chừng 5-10 năm để so sánh thì sẽ thấy sự vụng về này cũng tương tự như điều mà Trương Minh Quốc Thái, Hồng Ánh, Như Phúc… đã gặp phải. Tất cả họ khi bước lên sân khấu kịch đều vào lúc sự nghiệp điện ảnh đang thênh thang, nhưng họ đã cố gắng rất nhiều để trở thành một nghệ sĩ sân khấu thực thụ, cải thiện được bản lĩnh diễn xuất trực tiếp và đài từ. Nhìn bản lĩnh diễn xuất trực tiếp của họ hiện nay và những ngày đầu, đúng là một cách biệt quá xa. Trong 10 năm qua, các sân khấu tại Sài Gòn đã đào luyện, rèn giũa nên vài chục nghệ sĩ sân khấu thực thụ, có tên tuổi (nhiều hơn con số mà các trường chính quy làm được), nên nếu nói “chỉ vì tiền” là phiến diện.  

Nơi để quay về

Năm 2014, danh hài Hoài Linh và MC Trấn Thành áp đảo các chương trình truyền hình thực tế, chạy không kịp ăn, với cát-sê cao ngất ngưởng. Thế nhưng khi đêm xuống, họ lại trở về với các sân khấu của mình, kiên nhẫn làm một diễn viên với các vai nặng nhọc, nhưng cát-sê chẳng đáng là bao. Nếu họ không vì sân khấu, không yêu nghề thì chẳng hơi sức đâu mà diễn kịch khi đang quá đắt sô. Vài sự kiện gọi điện mời Trấn Thành làm MC với cát-sê năm bảy chục triệu đồng, nếu đêm đó kẹt tấu hài, Trấn Thành sẽ từ chối ngay, dù mức chênh lệch cát-sê có khi lên đến 10 lần. Nếu không có đạo đức nghề nghiệp, “chiêu” phổ biến của các nghệ sĩ là giả vờ bệnh hay tai nạn để bỏ sân khấu đi làm sự kiện.

Hai điều mà Hoài Linh luôn có bên mình là sự thiếu ngủ và các loại bệnh, “nhưng khi sân khấu đã treo cái tên mình lên quảng cáo là phải đến, không thể phụ lòng khán giả và phụ bạc ơn phước mà tổ nghề ban cho. Truyền hình hay phim ảnh là chỗ ghé ngang thôi, sân khấu, tấu hài mới là chỗ quay về”, anh tâm sự.


Nhờ nỗ lực của Cargo Bar, sau khoảng 50 năm, khán giả Việt đã lần đầu tiên được xem vở kịch phi lý kinh điển Trong khi chờ Godot tại TP.HCM vào tháng 10/2014. Ảnh: Việt Cường 

Đây không phải trường hợp cá biệt với các nghệ sĩ đắt sô ở Sài Gòn. NSƯT Thành Lộc, Đại Nghĩa, Lê Khánh, Đình Toàn… ở Kịch IDECAF; Trịnh Kim Chi, Ốc Thanh Vân, NSƯT Đức Thịnh, Minh Luân… ở Kịch Hồng Vân; NSƯT Kim Xuân, NSƯT Hồng Ánh, Trương Minh Quốc Thái, Quý Bình… ở Kịch Hoàng Thái Thanh; Hoài Linh, Chí Tài… ở Nụ Cười Mới; Thu Trang, Khương Ngọc… ở Kịch Thế Giới Trẻ… Những nghệ sĩ này vốn rất bận rộn với chạy sô, đóng phim, đi sự kiện…, nhưng vẫn gắn bó với sân khấu kịch, dù cát-sê chẳng đáng là bao, trung bình từ 1 đến 1,5 triệu đồng/suất.

Một trường hợp khác là danh hài Minh Béo. Từ ngày mở Kịch Sao Minh Béo, không những sân khấu này vẫn phải bù lỗ, mà bản thân Minh Béo còn phải cực khổ trăm bề từ kịch bản, đạo diễn, quản lý… cho tới cả chuyện tiếp khách, đối ngoại. Nếu chỉ vì kiếm tiền thì không dại gì mở sân khấu kịch, chỉ nhẩm tính thôi đã thấy thua thiệt, 400 ghế nếu bán hết vé sẽ thu về khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí vở diễn, diễn viên, mặt bằng, điện nước, thuế má, may mắn lắm kiếm được 7-8 triệu/suất (mà thường là không may mắn), Minh Béo chạy sô sướng hơn nhiều.

Điều này cũng tương tự với Trịnh Kim Chi, nếu chỉ đóng phim truyền hình và đóng kịch thôi cũng không còn thời gian để ngủ, thế nhưng chị còn mở các kịch cà phê, cốt là tạo sân chơi cho các diễn viên trẻ, những người còn thiếu cơ hội cọ xát. Cực càng thêm cực.

Mô hình phong phú

Giáng sinh và Tết Dương lịch vừa qua các sân khấu Sài Gòn ra mắt khoảng 10 vở mới, đấy là chưa tính hàng chục tiểu phẩm truyền hình, hàng trăm vở tấu hài được diễn, được ghi hình. Vẫn có thể nói rằng họ “muốn ăn thì phải lăn vô bếp”, điều này đúng, vì đa phần nghệ sĩ tại Sài Gòn hoạt động theo mô hình tư nhân, không được trả lương nên cần năng động kiếm sống. Nhưng như đã nói ở trên, nếu không vì trách nhiệm với nghề, những dịp lễ tết này họ có nhiều cách kiếm tiền dễ dàng hơn. Đó là chưa tính phần lớn các sân khấu tư nhân tại Sài Gòn phải đắp đổi qua ngày, chứ không phải cứ mở sân khấu ra là hốt bạc như nhiều người tưởng.

Dịp Tết Âm lịch tới đây, số vở mới của các sân khấu Sài Gòn cũng lên đến hàng chục, trong đó nhiều vở là của để dành, thuộc diện đặc sắc nhất của mỗi sân khấu. Nhiều nghệ sĩ phải ăn Tết sớm, vì từ mồng 2 cho đến rằm tháng Giêng là phải bám trụ sân khấu diễn kịch, có ngày hai ba suất là bình thường. NSƯT Thành Lộc, Hoài Linh… từng nhiều lần phải truyền nước biển vào dịp này, vì quá bức sô do lịch diễn dày đặc. Danh hài Bảo Chung cho biết Tết này anh đi sô với Đoàn Phương Tường hết tháng Giêng, 30 ngày diễn 90 suất.

Đạo diễn Hoàng Duẩn vừa phối hợp với Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức cuộc thi Gala sinh viên cười mở rộng, mà vòng sơ khảo bắt đầu từ ngày 10/1/2015. Mục đích của cuộc thi này là tạo sân chơi và tìm kiếm cái nhìn, năng khiếu hài hước từ sinh viên.

Như Thể thao & Văn hóa Cuối tuần từng đề cập, Kịch Tâm Ngọc của ông bầu trẻ Phạm Vũ Kiên đang áp dụng mô hình “xem kịch trước trả tiền sau”, thu hút được khá đông giới trẻ và sinh viên học sinh đến xem. Thay vì phải trả tiền trước với mức cố định khá cao (khoảng 100 ngàn đồng/vé), Kịch Tâm Ngọc áp dụng mức vé vào cửa từ 10 đến 30 ngàn đồng, xem xong khán giả tự đánh giá để trả thêm tiền, nếu không thích thì không cần trả tiền thêm.

Cargo Bar còn tổ chức diễn những vở tiêu biểu của dòng kịch phi lý (như Trong khi chờ Godot), kịch thể nghiệm…, thu hút hàng ngàn lượt xem, mà chủ yếu là người nước ngoài, các nhà nghiên cứu nghệ thuật.

Vốn đang làm ăn hiệu quả với các vở diễn chất lượng, Kịch Bệt bị lấy mặt bằng, nay đang rục rịch để trở lại với mô hình cà phê kịch đặc trưng của mình.

Đây là chưa tính tới hàng trăm vở kịch dài, hàng ngàn vở kịch ngắn, hàng ngàn tiểu phẩm… trên truyền hình của các nghệ sĩ thuộc các sân khấu tư nhân. Theo số liệu của Công ty TNS thì riêng địa bàn TP.HCM đã có khoảng 200 kênh truyền hình được phát và tiếp phát, nên lượng công việc mà các nghệ sĩ sân khấu này phải làm là rất nhiều. Đành rằng cũng vì tiền, nhưng thiếu họ thì nguy, sẽ là lỗ hổng về phát sóng.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm