16/10/2014 08:15 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Vụ Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh (tác giả Vũ Chất) đang gây xôn xao trong làng xuất bản sách từ loạt bài trên một tờ báo bắt đầu từ đầu tháng 10/2014. Tuy nhiên, cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh và những “dị hợm” trong nội dung của nó đã được báo Thể thao & Văn hóa đề cập từ năm 2006.
Như nhiều vụ “chìm xuồng” khác trong lĩnh vực xuất bản sách, cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh vẫn chưa được giải quyết rốt ráo như báo Thể thao & Văn hóa gần 10 năm trước phản ánh, để đến 13 năm sau ngày cuốn sách này ra đời, câu chuyện lại tiếp tục… ồn ào. Và nguyên cớ của mọi lằng nhằng này từ đâu?
Không phải là “kế hoạch A”
Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mang logo NXB Trẻ in vào năm 2001 với những giải nghĩa giản lược đến mức… ngô nghê, đã tạo nên “sóng gió” không chỉ riêng cho NXB Trẻ mà còn cho cả làng xuất bản như báo chí đã dẫn. Thế nhưng, vấn đề không chỉ là nội dung cuốn từ điển này, mà còn là thực trạng tình hình xuất bản sách một thời và hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, chủ trì buổi gặp mặt báo chí vào chiều hôm qua (15/10), khẳng định: “NXB Trẻ không có hồ sơ lưu chiểu hay bất kỳ chứng cứ tài chính nào liên quan đến tác phẩm – tác giả cuốn từ điển này. Với hồi sơ tài chính, ví như biên lai nhuận bút cho tác giả, theo luật chúng tôi phải lưu 20 năm. Cục Xuất bản không lưu bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến việc cấp phép cho tác phẩm này. Từ năm 2000 đến nay, NXB Trẻ và Thư viện Tổng hợp TP.HCM có ký kết với nhau: Thư viện lưu tất cả các sách của NXB Trẻ. Tuy nhiên, thư viện cũng không có bản lưu nào về cuốn sách này”.
Thư viện Tổng hợp TP.HCM có công văn vào chiều 15/10 khẳng định không có lưu cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh nào kể từ năm 2000 đến nay. Từ đó, ông Nguyễn Minh Nhựt chắc chắn rằng, NXB Trẻ không hề cấp phép “kế hoạch A”- NXB tự đầu tư in cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh. Vì nếu là “sách A”, thì mọi chứng từ đều còn lưu lại đúng như quy định về nguyên tắc tài chính.
NXB Trẻ cung cấp rất nhiều tài liệu “chứng minh” sự khuất tất liên quan đến cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mà đơn vị mình “dính” logo. Trên trang “thủ tục xuất bản” nộp lưu chiểu vào tháng 3/2001, Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh gắn logo NXB Trẻ có in hai bìa sách khác nhau. Một bìa được lưu trong thư viện Quốc gia (Hà Nội) và một bìa được bạn đọc NXB Trẻ sử dụng lâu năm úa nhàu.
Vẫn chưa biết Vũ Chất là ai!
Với giới làm sách, từ điển là loại sách ít khi trở thành “sách bán chạy” để trong cùng một tháng một năm có thể “tái bản” và “thay bìa”. Đây chính là khuất tất với một cuốn sách do NXB Trẻ ấn hành mà khi thay bìa trong cùng tháng 3/2001, lẽ nào họ không biết?
Để tìm hiểu rõ “đứa con” đã nhận NXB Trẻ là “cha mẹ” từ đâu mà có, ông Nguyễn Minh Nhựt cho hay: “Chúng tôi có trong tay quyển Việt Nam tự điển của tác giả Vũ Chất do Hồng Dân xuất bản năm 1971 tại miền Nam. Khi so sánh, thấy rằng Tự điển tiếng Việt dành cho học sinh giống hoàn toàn Việt Nam tự điển. Tìm hiểu thêm từ giới học giả, thì Việt Nam tự điển có được khi “giản lược” từ Việt Nam tân tự điển minh họa do Thanh Nghị biên soạn được nhà sách Khai Trí in năm 1967. Việt Nam tân tự điển minh họa của Thanh Nghị rất uy tín về học thuật và nhân thân tác giả. Thanh Nghị tên thật Hoàng Trọng Quỵ, ông từng là Thứ trưởng Bộ Văn hóa trong chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và là bạn thơ của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Địch”.
Như vậy, các bản in các cuốn từ điển có cùng nội dung mang tên tác giả Vũ Chất sau này của các NXB Thanh Niên, NXB Văn hóa Thông tin hay gần đây nhất là NXB Hồng Đức liên kết với nhà sách Minh Lâm (Hà Nội) đều có cùng một nguồn. Từ sự giản lược đến ngô nghê của tác giả Vũ Chất khi mượn Việt Nam tân tự điển minh họa của Thanh Nghị biến thành Việt Nam tự điển đến Tự điển tiếng Việt dành cho học sinh do các đơn vị xuất bản ấn hành, có thể nói “sách chùa nên xào mãi” như “bông hoa này là của chung”.
Hiện, chưa có thông tin cho biết Vũ Chất là ai, và đơn vị nào “tái bản” Tự điển tiếng Việt dành cho học sinh, vì NXB Trẻ khẳng định đây không phải là cuốn sách do họ ấn hành. Thế nhưng, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết: “Với tư cách người đọc, tôi đề nghị Cục Xuất bản thu hồi cuốn sách này, vì sau khi đọc hơn 40 trang Tự điển tiếng Việt dành cho học sinh, gắn logo của các NXB khác nhau, thì trang nào cũng có sai đến 4-5 lỗi, tôi thấy dù gắn logo đơn vị xuất bản nào thì cuốn sách có nội dung như thế cũng cần thu hồi”.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất