Tư duy lãnh đạo tuyệt vời của Lý Quang Diệu

24/03/2015 06:45 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Cho tới tận cuối đời, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, người mới tạ thế hôm 23/3, vẫn tin rằng người ta cần thường xuyên thích nghi với thực tế khó khăn của một thế giới đang thay đổi để có thể tồn tại. Đó là tư duy đã giúp ông biến đổi Singapore thành một quốc gia hiện đại, giàu có và văn minh.

Lý Quang Diệu luôn quan tâm tới những điều có thể phục vụ lợi ích lâu dài của Singapore. Sân bay Changi – một phép lạ kinh tế của Singapore, vẫn là biểu tượng của suy nghĩ này.

Tầm nhìn xa trông rộng

Khi Singapore muốn mở rộng hoạt động sân bay vào đầu những năm 1970, một nhà tư vấn người Anh đề xuất việc xây đường băng thứ 2 tại sân bay sẵn có ở Paya Lebar. Ông này nói rằng phương án nâng cấp khả thi nhất do chi phí đền bù đất thấp và ít người dân phải tái định cư. Thêm một chuyên gia Mỹ và một hội đồng nghiên cứu của chính quyền Singapore cũng đồng tình với đề xuất này.

Nhưng cá nhân ông Lý Quang Diệu băn khoăn hơn với câu hỏi: nâng cấp sân bay Paya Lebar có phải quyết định khôn ngoan không, có phục vụ lợi ích Singapore về lâu dài không? Ông vẫn ấn tượng với sân bay Logan ở Boston (Mỹ) do nó gây ra rất ít tiếng ồn khi hoạt động, trong khi đó các máy bay tới Paya Lebar sẽ phải bay ngay trên trung tâm thành phố. “Singapore sẽ bị ô nhiễm tiếng ồn trong nhiều năm” – ông nghĩ.


Ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ một nước nghèo tới chỗ phát triển thịnh vượng, nhờ khả năng lãnh đạo tài giỏi

Và thế là bất chấp cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973 đang ảnh hưởng tới thế giới, ông vẫn đổ 1 tỷ SGD vào việc xây sân bay Changi. Công việc xây dựng hoàn tất chỉ trong 6 năm, thay vì 10 năm. Tới nay canh bạc đó đã thắng lớn và Changi khiến Singapore trở thành cổng hàng không, du lịch và kinh tế quan trọng bậc nhất khu vực.

Việc ông Lý Quang Diệu thay đổi thần kỳ Singapore từ một nước nghèo lên vị thế của một quốc gia giàu có là nhờ vào những câu chuyện như thế. Ông luôn có những bước đi táo bạo, thực dụng, gắn với một tầm nhìn xa, trong việc triển khai các chính sách có thể giúp Singapore tồn tại.  

Trong khi người ta lo ngại rằng các công ty đa quốc gia là những kẻ thực dân mới, sẵn sàng hút cạn tài nguyên của nước nghèo, ông Lý Quang Diệu vẫn “ve vãn” các nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sách kinh tế cởi mở, gồm các khoản ưu đãi thuế hấp dẫn.

Nhà tư vấn cho ông Lý Quang Diệu, chuyên gia kinh tế Albert Winsemius tới từ Hà Lan, đã cung cấp cho ông các bài học về việc nhiều công ty Âu, Mỹ hoạt động ra sao. Từ đó ông thấy rằng Singapore hoàn toàn có thể kết nối với hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu thông qua việc sử dụng “khát vọng kiếm lợi nhuận” của các công ty này.

Sau này ông giải thích quyết định của mình: “Câu hỏi khi ấy là làm sao để kiếm sống? Làm sao để sinh tồn. Đây không phải là một vấn đề về lý thuyết trong sự phát triển kinh tế. Đây là chuyện sống chết của 2 triệu con người”.

“Tôi thích leo lên vai những người khác”

Bên cạnh việc tư duy thực dụng, ông Lý Quang Diệu còn liên tục đổi mới, biến nghịch cảnh thành cơ hội. “Nhiều điều có thể sai lầm. Quan trọng là đừng sợ đổi mới” – ông từng nói.

Cựu quan chức Singapore Peter Ho nói rằng tư tưởng sẵn sàng thử những điều mới mẻ do Lý Quang Diệu truyền đi đã sinh ra một thế hệ các doanh nhân Singapore, những người đã xây dựng nên những biểu tượng quốc gia như hãng hàng không Singapore Airlines, công ty kỹ thuật ST Engineering, công ty Singtel và nhiều hơn thế. Chương trình máy tính hóa toàn quốc là một ví dụ khác về việc thử nghiệm cái mới đã biến đổi đất nước Singapore.

Ngay từ đầu, Lý Quang Diệu đã nhận ra tầm quan trọng của khoa học và công nghệ với nền kinh tế. Ông yêu cầu giáo dục bằng tiếng Anh tại các trường học ở Singapore chủ yếu bởi tiếng Anh giúp chuyển tải tốt kiến thức khoa học và công nghệ. Ông cũng luôn tìm kiếm giải pháp cho Singapore bằng cách rút lấy bài học từ những người khác hoặc chiêu mộ chuyên gia. “Không cần phải tái phát minh ra bánh xe làm gì” – ông vẫn nói.

Mỗi khi ra nước ngoài, Lý Quang Diệu thường quan sát một xã hội, một chính quyền hoạt động ra sao và vì sao họ lại đạt hiệu quả cao. Ông ghi lại nhiều vấn đề, cụ thể như giống cây nào được trồng hoặc ngành công nghiệp nào phù hợp, để mang về áp dụng ở Singapore.

Có tin nói ông đã cho tiến hành đăng kiểm xe hơi ở Singapore sau khi thấy hoạt động này tại Boston vào năm 1970. Ông dịch chuyển các nhà máy ra khỏi khu dân cư vì thấy Nhật Bản chật vật chống ô nhiễm trong những năm 1970. “Tôi thích leo lên vai những người khác, đã đi trước chúng tôi” – ông nói.

Phải thay đổi để sinh tồn

Lý Quang Diệu còn rất nhạy bén, biết rõ khi nào cần đảo hướng để Singapore nắm bắt được các cơ hội tương lai. Như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, ông đã quyết định chấm dứt việc kiểm soát chặt ngành ngân hàng và tài chính, từng mang lại lợi ích cho Singapore. Ông đứng sau Thủ tướng Goh Chok Tong thực hiện hoạt động cải cách tài chính mạnh mẽ, mở cửa lĩnh vực này khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra nặng nề nhất. Kết quả là ngày nay Singapore có trung tâm tài chính mạnh hàng đầu thế giới.

Để hòa nhập với thế giới trong thế kỷ 21, Lý Quang Diệu cũng có những điều chỉnh khéo léo về chính sách xã hội. Ông không chống lại tình dục đồng giới, nhưng cũng không khuyến khích việc sửa luật để công nhận đồng tính.

Ông không chống lại việc xây dựng trường đua xe F-1 ở Singapore khi thấy chúng mang lại lợi ích kinh tế lớn, kèm theo khả năng quảng bá hình ảnh Singapore tới hàng tỷ người trên thế giới. Ông cũng từng nói rằng Singapore chỉ được xây sòng bạc sau khi mình qua đời. Nhưng rồi ông đổi ý vì “thế giới thay đổi” và Singapore sẽ thua nếu không có các sòng bạc như Las Vegas.

“Chúng ta phải đi theo mọi hướng mà điều kiện mới đặt ra, nếu muốn sống sót và phải là một phần của thế giới hiện đại này” – ông nói – “Nếu không kết nối với thế giới hiện đại, chúng ta sẽ chết”.

Khi cần sự giúp đỡ của chuyên gia, Lý Quang Diệu thường tìm những người giỏi nhất, không cần biết họ tới từ nước nào. Ví dụ như khi muốn nâng cao khả năng quốc phòng để răn đe những kẻ cực đoan người Malay trong năm 1965, ông đã không ngại sử dụng các chuyên gia Israel, bất chấp việc này có thể chọc giận người Malay theo Hồi giáo ở Singapore và Malaysia. Có điều ông khéo léo che đậy danh tính các chuyên gia, gọi họ là người Mexico.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm