03/07/2016 10:10 GMT+7 | Euro 2020
(lienminhbng.org) - Có một bức tranh khiến tôi bị ám ảnh mãi bởi màu sắc: màu xanh thẳm rất lạ của bầu trời đêm và ánh đèn vàng chiếu trên mặt nước cũng xanh thẳm như thế. Bức tranh cứ man mác buồn, nhưng cũng lại gợi lên khát khao sống, đam mê sống...
Sao trời sông Rhone, sao trời cà phê Arles
Một chiều cuối tháng 6 mát rượi ở Arles, thành phố miền Nam nước Pháp, tôi đã ngồi ở đó, bên sông Rhone, và nhìn sang phía bờ bên kia. Sau bao năm, cảnh quan hầu như không thay đổi. Vẫn bờ kè ấy, vẫn những dãy nhà ít tầng lô xô bên sông nước. Chỉ có điều những cột đèn thắp sáng bằng khí đốt như ngày xưa nay không còn nữa. Ánh vàng chiếu lên sông Rhone cũng chỉ còn là một kí ức trong tranh của Van Gogh. Nhưng đấy vẫn là sông Rhone và những đêm có sao trời chiếu xuống nước vẫn lãng mạn và man mác buồn như xưa. Trong thư gửi cho em trai Théo ngay sau khi vẽ xong bức tranh vào tháng 9/1888, Van Gogh mô tả rằng, đêm ấy, “bầu trời màu xanh ngọc, mặt nước xanh dương, đất có màu cẩm quỳ. Thành phố màu xanh và tím. Đèn khí đốt màu vàng và phản chiếu của nó xuống nước chuyển từ màu nâu vàng sang xanh màu đồng”.
Quán cà phê Van Gogh bây giờ.
Chỉ những dòng đó thôi đã nói lên rằng, người trở nên bất hủ với bức “Hoa diên vĩ” và nhiều bức họa nổi tiếng khác nữa ấy là một người bị ám ảnh bởi màu sắc, vì màu sắc là tâm hồn nổi loạn của ông. Arles cũng như xứ Provence, với màu vàng đặc trưng của nó trong nắng, trong sắc của rơm rạ lúc mới gặt xong, đã cuốn hút Van Gogh như thế, in hình thật rõ trong những bức tranh ông vẽ ở thành phố nhỏ bé bên sông Rhone này. Tôi, có một cô con gái đam mê nghệ thuật và rất hâm mộ Van Gogh, trong một ngày tránh xa những ồn ào quanh trái bóng, đã trở thành người hành hương đến nơi đã cho danh họa bạc mệnh người Hà Lan bao cảm hứng sáng tác một cách mãnh liệt nhất, vào giai đoạn cuối đời của mình. Nhưng những ánh sao đêm không chỉ xuất hiện bên sông Rhone. Chúng còn in hình trong một bức tranh khác rực rỡ màu rất đặc biệt của vùng đất này, màu vàng. Đấy cũng là đêm, một đêm nhìn có vẻ thanh bình và êm ả. Sao trời lung linh trong bức tranh nổi tiếng “Quán cà phê Terrace ở quảng trường Forum”, cũng được vẽ cùng thời điểm với bức tranh kia. Ôi, màu vàng xứ Provence.
Quán cà phê Arles trong tranh của Van Gogh
Tôi ngồi uống cà phê ở quán ấy và cố hình dung ra Van Gogh đã như thế nào khi thường xuyên qua đó uống cà phê trong 15 tháng ông ở Arles. Cái quán bây giờ vẫn thế, trừ cái tên đã được đổi thành “La nuit” (đêm), với dòng chữ “Vincent Van Gogh” ở phía dưới, in hình trên những chiếc ghế và biển quán. Những bức tường màu vàng giống hệt như trong bức tranh. Những cái bàn và ghế y hệt như vào cuối thế kỉ 19. Bên trong quán cũng không có gì thay đổi, ngoại trừ việc trên tường có bản sao những bức tranh nổi tiếng mà Van Gogh đã vẽ ở Arles. Một bức chân dung lớn của ông gắn gần cửa ra vào. Quán không có tivi.
Không ai đến đây để nói về bóng đá. Một bầu không khí vintage bao trùm xung quanh quán và cái quảng trường nhỏ đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ con người mà chỉ sau khi chết mới được coi là vĩ đại ấy đã đặt chân đến đây. Người phục vụ bàn, một gã trai khá bảnh có cái nhìn hơi ướt át, kể một cách say sưa những câu chuyện gắn liền với Van Gogh ở quán này, như thể mới xảy ra ngày hôm qua trước mắt anh và vẫn còn rất sống động.
Một cửa sổ sặc sỡ ở Arles
Chết trong ám ảnh sắc màu
Những giai thoại kể rằng, một đêm, Van Gogh đã từng uống nước ngải đắng (absinthe) với bạn thân là Paul Gauguin, một họa sĩ người Pháp đã thành danh thời ấy. Gauguin bán được nhiều tranh và là một cá tính mạnh mẽ. Van Gogh thì không, cảm thấy thất bại vì không được thừa nhận, tranh không bán được, nóng tính và uống rất nhiều rượu. Họ tranh cãi khá gay gắt về quan điểm nghệ thuật. Gauguin, một bậc thầy của chủ nghĩa ấn tượng, cho rằng cần vẽ tranh theo tưởng tượng. Van Gogh, người nhạy cảm với màu sắc, quan niệm rằng hội họa phải được thực hiện theo những gì người họa sĩ nhìn thấy. Van Gogh đã cắt một mẩu tai của mình sau cuộc cãi nhau ấy, gửi cho một cô gái điếm, bảo đấy là một món quà.
Van Gogh được đưa vào điều trị ở bệnh viện Arles trước khi được đưa tiếp đến một nhà thương điên ở Saint-Rémy de Provence, nơi ông tiếp tục vẽ, 150 bức nữa trong một quãng thời gian ngắn ngủi, để rồi cuối cùng, hành trình Provence kết thúc khi ông trở lại Paris và tự sát vào một ngày tháng 7/1890, ở tuổi 37, chấm dứt một quãng đời vật vã trong những nỗi ám ảnh về màu sắc, về việc không được công nhận, ám ảnh trong một nỗi tuyệt vọng rằng, ông không thể đưa tất cả những gì ông thấy lên tranh canvas.
Van Gogh (1854-1890), chân dung tự họa
Tôi đã đến bệnh viện ấy, nay được đặt tên là “Không gian Van Gogh”, trong cuộc hành hương của mình. Khu vườn dường như chẳng có gì thay đổi so với bức tranh mà Van Gogh đã vẽ ở đó vào năm 1889. Hoa diên vĩ khoe sắc thắm trong những thửa vườn được cắt tỉa gọn gàng. Đấy là một bức tranh sống động và thanh bình trước mắt những ai đứng đó, nhưng trong tranh của người họa sĩ thì màu xanh và vàng úa xuất hiện nhiều, lại gợi lên chính cảm xúc của ông lúc ấy: trầm cảm và cô độc. Tôi thích hội họa và nhiếp ảnh cũng vì như thế, vì đấy là nghệ thuật mô tả thế giới qua góc nhìn và tâm trạng của chính mình. Van Gogh có vấn đề về tâm lí, Gauguin thì không, nhưng dường như ông đã nhìn thấy ở Van Gogh một thiên tài, một đối thủ. Những người khác yêu đời và lạc quan lại nhìn thấy ở đó những sắc màu khác, vui hơn, và không hề cô độc, kể cả khi họ ở đó một mình. Tại đó bây giờ bán rất nhiều đồ lưu niệm liên quan đến Van Gogh và phần đời sóng gió ông đã trải qua tại Arles. Bà bán hàng ở đó, một người phụ nữ đôn hậu, nói rằng, Van Gogh không hề bị tâm thần. Ông chỉ là một người rất nhạy cảm, dễ tổn thương và rất cô độc.
Một áp phích quảng cáo ở Arles
Vĩ thanh
Nhưng Arles không như Van Gogh. Thành phố nhỏ có một quá khứ gắn liền với những kiến trúc cổ thời La Mã và cũng nổi tiếng vì đấu bò ấy thật dễ thương với những con phố hẹp và cổ kính, những cửa sổ đầy hoa, và có lẽ cũng như Van Gogh, bị ám ảnh bởi màu. Những bức tường đầy màu sắc, loang lổ như một bảng màu phá cách. Các cánh cửa ra vào toàn màu sặc sỡ. Bàn ghế và các mái bạt đủ màu mạnh. Hoa ở khắp nơi, trên các khuôn cửa sổ. Ngay cả những tấm áp phích quảng cáo bị xé nham nhở trên tường trông cũng như một bức tranh trừu tượng. Có lẽ, nỗi ám ảnh về màu sắc khi xem tranh của Van Gogh và hành trình theo dấu những bức tranh ông vẽ ở Arles đã khiến tôi có cảm giác rất lạ lùng ấy.
Con người ta sinh ra, lớn lên và chết đi trong màu sắc. Màu của ánh mắt những người đã sinh ra họ, yêu mến hoặc căm thù họ. Màu của đất trời và cuộc sống xung quanh. Màu của hy vọng và thất vọng. Màu của yêu thương và ghét bỏ. Màu của hy vọng và thất vọng. Ai cũng có màu của riêng mình, không ai giống ai, và màu vàng của Provence cho Van Gogh chất liệu để vẽ như điên dại trong giai đoạn làm việc nhiều nhất của đời mình, nhưng cũng cho ông thuốc độc của cuộc sống, dẫn đến cái chết bi thảm của một con người mà chỉ sau khi chết mới trở thành bất tử.
Khu vườn bây giờ.
Người ta luôn tin rằng, ông tự sát. Nhưng cuốn sách “Van Gogh: the life” của Gregory White Smith và Stefen Naifeh lại nghi ngờ điều ấy, cho rằng ai đó đã cầm súng bắn ông. Thực ra, ông tự bắn mình hay ai đó đã ám sát ông chẳng quan trọng đối với những người đang ngồi ở quán cà phê bây giờ mang tên ông và trầm tư nghĩ đến ông, trong cuộc sống, tác phẩm và cái chết. Nếu chúng ta vẫn có thể chọn được màu cho cuộc sống, hãy chọn màu thanh bình nhất. Nhưng nếu không thể làm được điều đó, hãy chọn những màu nổi loạn, để giống như một cơn bão tràn qua đời, nói cho tất cả biết tên ta là ai, trước khi trở về cát bụi…
Van Gogh và Arles Không phải lúc nào người ta cũng có thể theo dấu chân của một huyền thoại, và được chứng kiến những gì ông ấy đã nhìn thấy và trải nghiệm trong đời. Khi Vincent Van Gogh tới Arles vào năm 1888, ông ngay lập tức bước vào một thời kì làm việc hăng say nhất trong đời mình, với việc vẽ gần 200 bức tranh, mà nổi tiếng nhất là “Đêm sao bên dòng sông Rhone”, “Quán cà phê Terrace ở quảng trường Forum”, “Nhà màu vàng”, “Căn phòng” và “Vườn của bệnh viện Arles”. Không một bức tranh nào của Van Gogh được trưng bày trong thành phố. Chúng hiện đã nằm trong rất nhiều bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân khắp thế giới, nhưng những người đến Arles lại có một cơ hội tuyệt diệu với những bức ảnh chụp những nơi mà Van Gogh đã vẽ ở Arles để so sánh với cảnh bây giờ. Dấu ấn của ông vẫn còn lại ở khắp mọi nơi, tại quán cà phê, trong bệnh viện Arles, bên sông Rhone, trong căn phòng ông đã ở tại Arles, trên những cánh đồng ở phía ngoài thành phố. Arles không thay đổi nhiều lắm so với những năm tháng ông đã ở đó và vẽ, ngoại trừ căn nhà màu vàng trong tranh ông giờ không còn nữa, do trúng bom của quân Đồng minh trong Thế chiến II. Bức "Vườn bệnh viện ở Arles" (1889) của van Gogh Năm 2014, trong một nỗ lực nhằm làm sống lại những ấn tượng của danh họa người Hà Lan ở Arles, một tổ chức có tên “Fondation Van Gogh” đã ra đời và có trụ sở trên một con phố gần quán Van Gogh. “Fondation Van Gogh” trưng bày một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ đương đại vẽ về Van Gogh, tổ chức nhiều hoạt động để nói về mối liên hệ giữa ông và Arles, nhằm thúc đẩy và khuếch trương các hoạt động văn hóa và nghệ thuật liên quan đến Van Gogh. Lúc sinh thời, Van Gogh chỉ bán được đúng một bức tranh, với giá 400 franc thời đó, tương đương với tầm 2 nghìn USD vào thời điểm này. Đó là bức “Vườn nho đỏ” (Red vineyard), cũng được vẽ ở Arles. Van Gogh không giàu khi còn sống, nhưng ông đã làm giàu cho giới sưu tầm hội họa. Ông có tới 7 bức tranh nằm trong số những tác phẩm hội họa bán được nhiều tiền nhất, với tổng cộng giá trị lên tới 722 triệu USD, trong đó cao giá nhất là “Chân dung của bác sĩ Gachet” (1890). Đó là người bác sĩ đã chữa trị cho ông lúc cuối đời. Nó được bán cho một nhà sưu tầm người Nhật vào năm 1990 với giá lúc đó là 82,5 triệu USD. Nhưng nếu xét về giá trị một bức tranh, Van Gogh vẫn thua Gauguin, người đã yêu mến và cũng ghét bỏ ông, người có một cuộc cạnh tranh ngầm với ông về tài năng. Được vẽ năm 1892, hai năm sau khi Van Gogh chết, bức “Nafea Faa Ipolpo” (Khi nào em sẽ cưới anh?) của Gauguin được bán với giá 300 triệu USD vào tháng 2/2015 cho một người giấu tên của Qatar... |
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Arles, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất