01/07/2021 11:56 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực với rất nhiều điểm mới về việc đăng ký thường trú, tạm trú, thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú...
Trong đó, một điểm mới rất quan trọng, được người dân quan tâm là Luật Cư trú 2020 bỏ điều kiện riêng khi nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Đơn giản hóa điều kiện nhập hộ khẩu từ ngày 1/7/2021
Theo Luật Cư trú 2020 mới, công dân nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng giống như nhập khẩu vào các tỉnh khác, không có sự phân biệt và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Trước đây, khi áp dụng theo Luật Cư trú năm 2013, một trong những điều kiện để công dân nhập hộ khẩu về thành phố trực thuộc Trung ương là có thời gian tạm trú nhất định tại thành phố đó. Trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên. Riêng nội thành Hà Nội, đa số trường hợp nhập hộ khẩu cần đáp ứng điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên.
Tuy nhiên, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 1/7/2021 đã bãi bỏ các điều kiện này. Cụ thể, điều kiện đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020 không còn nhắc đến yêu cầu về thời gian tạm trú khi nhập khẩu. Đồng thời, Luật bãi bỏ các điều khoản quy định điều kiện nhập hộ khẩu riêng của Thủ đô Hà Nội tại Luật Thủ đô.
Như vậy, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cùng 3 thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ sẽ được đơn giản hóa điều kiện nhập khẩu từ ngày 1/7/2021.
Hiện nay, số lượng người ngoại tỉnh đến các thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn. Việc đơn giản hóa điều kiện nhập khẩu từ ngày 1/7/2021 sẽ giúp người dân dễ dàng làm thủ tục nhập hộ khẩu hơn, không bị yêu cầu xác nhận đăng ký tạm trú (trong khi đó, việc đăng ký tạm trú có quy trình phức tạp như cần được chủ nhà thuê đồng ý…).
Thuận lợi tiếp theo là giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính tại nơi mình đang ở mà không cần về quê. Theo thống kê, năm 2017 có khoảng gần 40 thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu; đến năm 2020, vẫn còn khoảng 25 thủ tục buộc phải có sổ hộ khẩu như khai sinh, khai tử, làm lý lịch tư pháp…
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy công tác quản lý sẽ rất thuận lợi vì trước đây cơ quan chức năng quản lý thủ công trên giấy tờ, khi thay đổi cách quản lý bằng công nghệ điện tử có đặc tính liên thông giữa các đơn vị sẽ giảm được nhiều thủ tục và thuận lợi hơn rất nhiều.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky lấy ví dụ, trước đây, ông A từ tỉnh B tới Hà Nội tạm trú thì phải thực hiện thủ tục thông báo với nơi ở cũ và có giá trị trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi quản lý bằng công nghệ điện tử, có thể ông A chỉ cần khai báo với Công an địa phương chuyển hồ sơ lên hệ thống, sau đó, đến nơi muốn đăng ký tạm trú là Công an cấp phường, quận khai báo tiếp nhận thông tin, làm thủ tục.
Thủ tục đăng ký thường trú cũng được rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trường hợp từ chối đăng ký thì cơ quan đăng ký cư trú phải trả lời bằng văn bản cho công dân và nêu rõ lý do.
Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú "giấy" sẽ hết hiệu lực
Luật Cư trú 2020 (có hiệu lực từ 1/7) sẽ thay phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân được ghi trên căn cước công dân gắn chip. Khi luật này có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đã được cấp vẫn còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú "giấy" sẽ không còn được sử dụng nữa. Cũng theo Luật Cư trú, từ ngày 1/7/2021 không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên hàng loạt những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong luật này. Cụ thể, việc tách sổ hộ khẩu, điều chỉnh thông tin cư cư trú,... sẽ được rà soát, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sử dữ liệu về cư trú.
Cũng từ 1/7, công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước gắn chip để thực hiện 30 thủ tục hành chính liên quan sổ hộ khẩu. "Khi đi làm các thủ tục hành chính, người dân không cần mang sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà chỉ xuất trình căn cước công dân gắn chip", đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết.
Theo Bộ Công an, hiện vẫn còn nhiều thủ tục hành chính cần đến sổ hộ khẩu như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, xin học cho con, đăng ký thường trú, tạm trú... Tuy nhiên, từ 1/7, người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước gắn chip để làm những thủ tục này. Cán bộ làm thủ tục sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân thông qua số định danh cá nhân. Việc khai thác, tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng thay thế việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như hiện nay.
Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kết nối thông suốt với các dữ liệu chuyên ngành khác, người dân có thể đăng ký cư trú online thông qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài các quy định của Luật Cư trú mới, Nghị định số 37/2021/NĐ-CP cho phép người dân được khai thác thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để làm điều này, công dân gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia hay Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Xuân Tùng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất