Từ Nguyên Thạch - Đem đến 1 trang đẹp cho SGK

27/01/2021 17:11 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Đó là một trang truyện của Từ Nguyên Thạch được tuyển vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3 (tập 1) - bài Chiếc áo len. Nhưng trước khi nhắc lại những vui buồn quanh truyện ngắn này, chúng ta hãy đến với sáng tác mới nhất của anh trong mùa Covid-19 vừa qua.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Vào những năm 90 cuối thế kỷ trước, khi làm bộ giáo khoa tiếng Việt (bộ hiện hành, phát hành từ năm 2000) các nhà biên soạn đã đưa ca từ bài hát Mẹ có yêu không nào của Lê Xuân Thọ vào trang 131 sách Tiếng Việt 1 (tập 1) làm bài đọc, khi các cháu chưa học hết vần tiếng Việt, mới học tới các vần “um” và “im” có trong ca từ này: Khi đi em hỏi/ Khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ có yêu không nào.

“Tụi em đã nhắn tin… đúng 8h tối nay… đúng 8h… khắp các dãy phòng đèn điện thoại sáng lên như những vì sao trong trời đêm… những vì sao không lặng yên… lung linh theo từng tràng vỗ tay…”. Đó là khung trời đêm trong một khu cách ly, nhà báo Từ Nguyên Thạch tạo ra trong tác phẩm văn học hư cấu của mình - truyện dài Tình người cách ly (NXB Hội Nhà văn, tháng 6/2020). Đây được coi là một trong những tác phẩm văn chương đầu tiên viết về đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Cùng nắm tay nhau đẩy lui sợ hãi

Nhà báo - nhà văn Từ Nguyên Thạch bộc bạch về sách của mình:

“Đây cũng là lần đầu tiên tôi thử viết một thể loại văn học mang tính thời sự để kiểm tra xem dòng văn học này có được công chúng đón nhận không.

Tôi cũng biết đây là một thể loại mà giới cầm bút e ngại vì phải viết nhanh nên khó đạt độ sâu lắng cần thiết cho một tác phẩm văn chương. Nhưng dù sao tôi cũng không thể không viết.

Khi đại dịch Covid-19 ào đến, cuộc sống thường ngày hầu như bị đảo lộn hoàn toàn. Dãy phố quen thuộc của tôi mới hôm qua còn nhộn nhịp giờ nhà ai cũng cửa đóng then cài. Chỗ cà phê tôi ngồi mỗi sáng giờ biến mất. Đi ngang cổng trường vắng lặng, lũ trẻ trốn đâu hết rồi. Rồi nhà máy đóng cửa, sân bay vắng bóng người, bến xe đìu hiu… Vâng, có quá nhiều câu chuyện không thể không viết ra, không thể không ghi lại”.

Tình người cách ly kể lại câu chuyện tình của đôi nam nữ từ nước ngoài chạy trốn đại dịch, (Minh và Kim Anh) được tập trung vào một khu cách ly ở TP.HCM trong 14 ngày. Khu cách ly lên tới hơn 5.000 người với đủ thứ thành phần. Từ sinh viên, giáo sư đại học đến tiểu thương, người đi hợp tác lao động từ nước ngoài trở về… Từ người ngay ngắn, trong sạch đến bọn buôn lậu, nghiện ngập.

Chú thích ảnh
Nhà văn Từ Nguyên Thạch

Trong một không gian bị dồn nén như thế, sự mâu thuẫn giữa các tính cách được bộc lộ, phơi trần. Nhưng chính trong những lúc khó khăn nhất đã xuất hiện những câu chuyện con người đối xử với con người đầy ắp tình người; những người cách ly cùng nắm tay để đẩy lùi sợ hãi…

Để giữ độ nóng thời sự, cuốn sách cần in nhanh, kịp góp sức vào trận chiến toàn cầu, Từ Nguyên Thạch tự đầu tư, in ấn và phát hành. Sách có mặt trên thị trường từ tháng 6/2020. Tác giả cho biết: “Tiền lãi từ sách nếu có sẽ ủng hộ các hoạt động phòng chống đại dịch. Số lượng in 500 cuốn may mắn đã được bạn đọc ủng hộ, tiêu thụ nhanh. Phần lãi đã là 200 cuốn sách tôi gửi biếu các bác sĩ, điều dưỡng và cả người cách ly ở Đà Nẵng, vào lúc tại thành phố này Covid-19 đang bùng phát trở lại!”.

Gánh nước, nuôi heo, trồng rau, thắp đèn dầu đọc sách…

Để có bút lực có thể viết ngay được ý tưởng thành câu chữ và hình tượng trên trang sách như thế, Từ Nguyên Thạch đã luyện bút từ thời học sinh trung học. Anh kể lại:

“Quê nội tôi là Thừa Thiên - Huế, tôi sinh ra ở đó nhưng lớn lên, đi học phổ thông ở Quảng Ngãi. Như nhiều bạn bè cùng lứa ở đất ấy, tôi tìm đến với văn chương một cách tự nhiên dù tôi học ban toán (ban B ở miền Nam trước 1975) và sau này là giáo viên dạy môn vật lý.

Có lẽ do quan niệm xã hội thời đó, những người làm việc hay hoạt động có liên quan ít nhiều đến chữ nghĩa thường được mọi người coi trọng. Nên được làm “nhà thơ”, “nhà văn”, “nhà báo” là mơ ước của tuổi trẻ chúng tôi. Mỗi cô cậu học trò chúng tôi ai cũng thích trở thành nhà văn, nghệ sĩ dù tài năng chẳng là bao, nhưng mơ vẫn cứ mơ. Những cái tên Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê hay Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Khái Hưng, Nhất Linh… đã trở thành thần tượng, là niềm khát khao vươn tới của tôi và chúng bạn.

Các thi văn đoàn cũng nối nhau nở rộ ở nhiều địa phương, mỗi quý hay 1, 2 tháng lại cho ra đời một tập san quay ronéo hay sang hơn thì in typo, offset. Tết đến, hầu hết các trường trung học đều làm giai phẩm Xuân rao bán xuống từng lớp và qua các trường bạn. Chuyện lời lỗ không quan trọng, quan trọng là niềm vui được làm theo ý nguyện, sở thích của mình”.

Sau 1975, Từ Nguyên Thành vào TP.HCM học lên đại học. Cùng học đại học những năm ấy với anh có Lý Lan, Lưu Thị Lương, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Hồ Thi Ca… Những trí thức trẻ ấy có tác phẩm đăng trên các báo, rồi ra sách, tạo thành nhóm nhà văn trẻ đất phương Nam của văn học Việt Nam hiện đại.

Về những bước đầu tiên trên con đường văn chương của mình, Từ Nguyên Thạch nhớ lại: “Năm 1980, tôi ra trường được phân công về Sông Bé, dạy ở trường THPT Phước Long, huyện Phước Long, huyện vùng xa của tỉnh. Trường không có giáo viên vật lý nào khác, nên dù mới ra trường tôi phải “gánh” từ lớp 10 đến lớp 12. Giáo viên ở nhà mái tranh vách lồ ô, tối thắp đèn dầu đọc sách, soạn bài. Ngoài dạy học, giáo viên còn biết gánh nước từ suối lên, nuôi heo, trồng rau củ để cải thiện cuộc sống. Dù cuộc sống vất vả nhưng mỗi khi nghĩ đến bút danh Từ Nguyên Thạch tự đặt cho mình, tôi như được động viên, hãy cứng rắn như đá tảng nguyên khối, chờ tương lai rồi sẽ tốp đẹp hơn”.

Chú thích ảnh
Bài “Chiếc áo len” của Từ Nguyên Thạch trong sách “ Tiếng Việt 3” (tập 1)

Mỗi năm lại có thêm bạn đọc mới

Với niềm tin ấy, Từ Nguyên Thạnh ngày càng đến gần hơn với văn chương, chữ nghĩa, năm 1983 anh thôi phấn bảng trở thành nhà báo chuyện nghiệp ở Sở Văn hóa, Thông tin Sông Bé rồi lên làm báo ở TP.HCM. Vừa làm báo vừa làm thơ, viết truyện. Một trang truyện của Từ Nguyên Thạch được tuyển vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3 (tập 1), bài Chiếc áo len, với đoạn vào truyện rất hợp với tuổi đang học đọc, học viết, học kể chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, rất đơn giản, trong sáng: “Năm nay, mùa Đông đến sớm. Gió thổi từng cơn lạnh buốt. Đã hơn một tuần nay, Lan thấy Hòa có chiếc áo len màu vàng thật đẹp. Áo có dây kéo ở giữa, lại có cả mũ để đội khi gió lạnh hoặc mưa lất phất. Lan đã mặt thử, ấm ơi là ấm. Đêm ấy, em nói với mẹ là…”.

Đây là một trang đẹp của sách giáo khoa. Ngắn gọn nhưng đủ các yếu tố cần có của một truyện ngắn, theo nghĩa cổ điển nhất. Có tả, có thoại, có thắt nút tạo gay cấn và mở nút dẫn cốt truyện tới một kết thúc có hậu cùng một vĩ thanh, ngân nga dư âm. Bài học kèm theo một bài tập tìm hiểu tác phẩm hay - “tìm một tên khác cho truyện” giúp người dạy, chỉ bằng cách tổ chức để học sinh cả lớp cùng làm bài tập này, trả lời câu hỏi này, hình thành một tiết học sinh động, không áp đặt học sinh kiểu “đọc chép” tri thức mà giúp học sinh tự tìm ra tri thức cần ghi nhớ.

Từ Nguyên Thạch nhớ lại: “Truyện thiếu nhi Chiếc áo len được đăng trên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) khoảng cuối thập niên 1980 lúc tôi đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước).

Khoảng năm 2002, lúc này tôi đã về công tác ở báo Người lao động TP.HCM một hôm ghé Sở GD-ĐT TP.HCM thì có người cho biết có thấy bài của tôi trong sách giáo khoa vừa mới in. Tôi không biết đó là bài gì cho tới khi cầm trên tay cuốn sách mua ở một hiệu sách. Tôi kể lại đây để muốn nói rằng bài Chiếc áo len đã được những người biên soạn sưu tầm trên báo rồi đưa vào sách giáo khoa, khi không biết tác giả là ai, ở đâu. Truyện được đưa in đầy đủ, không biên tập chữ nào. Dĩ nhiên tôi rất vui khi thấy tác phẩm của mình được có trong sách giáo khoa mới.

Vài năm sau, một hôm tôi qua Nhà xuất bảo Giáo dục chi nhánh ở TP.HCM thì anh Vũ Bá Hòa, Giám đốc chi nhánh, báo lâu nay nhóm biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 muốn tìm tôi để trả nhuận bút mà không biết địa chỉ của tôi. Anh Hòa cho tôi số điện thoại để liên lạc. Khoảng tuần lễ sau tôi nhận được phiếu chuyển nhuận bút và thư cám ơn. Khoản tiền nhuận bút không bao nhiêu nhưng đã cho tôi một niềm vui lớn. Càng vui hơn, một lần, đang ngồi làm việc trong tòa soạn thì có một người mẹ dẫn theo con gái xin gặp. Người mẹ nói cháu đã học bài Chiếc áo len và muốn tìm gặp tác giả, biết tôi đang làm việc ở đây bà đưa con đến. Trang giáo khoa đã mở khung cửa để mỗi năm, tôi có thêm, những bạn đọc mới như thế”.

(Còn tiếp)

Vài nét về Từ Nguyên Thạch

Từ Nguyên Thạch sinh năm 1956. Từng dạy học, làm báo, đang sống và viết ở TP.HCM. Đã ấn hành: Miền đất tôi yêu (tập thơ, NXB Sông Bé, 1989), Bài hát buồn (tập thơ, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1990), Tình người cách ly (NXB Hội Nhà Văn, 2020). Anh hiện còn bản thảo 2 truyện dài, 2 truyện ngắn, công trình biên khảo về 100 nhà giáo trong lịch sử Việt Nam (10 tập) và một số kịch bản sân khấu, điện ảnh chờ xuất bản và dàn dựng.

Lê Thanh Trầm

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm