02/10/2018 07:01 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Phiên đấu giá có tên Modern and Contemporary Southeast Asian Art của nhà Sotheby's Hong Kong (Trung Quốc) khai cuộc lúc 10h ngày 1/10/2018, có 61/223 lô hàng liên quan đến Việt Nam. Dù một vài lô trong số này bị vài ý kiến nghi ngại về xuất xứ, chất lượng, nhưng kết quả thì 59/61 lô hàng được bán thành công và chứng tỏ sức hấp lực rất đáng kể.
1. Tiêu biểu về gõ búa của phiên này thuộc các bức của Lê Phổ, Phạm Hậu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé, Ngô Mạnh Quỳnh (1917-1991)… Bức sơn mài của “bà tổ sơn mài nghệ thuật Việt Nam” là Alix Aymé có tên Vườn giáng sinh (48cm x 63cm, vẽ khoảng 1935-1940) đã vượt xa mức dự đoán từ 10.222 - 15.332 USD để bán 111.799 USD, tăng hơn 10 lần so với mức khởi điểm. Các tranh khác của Alix Aymé tại phiên này cũng đều được bán thành công.
Bức sơn dầu Họp mặt chị em (73cm x 100cm) của Joseph Inguimberty tăng giá từ 44.720 USD để bán 143.741 USD. Joseph Inguimberty đang xếp thứ 2 (bán gần 1 triệu USD) trong top 10 bức tranh Việt hoặc vẽ Việt Nam cao giá nhất mọi thời đại.
Tại phiên này, 3 tranh phong cảnh Việt Nam của Henri Mège (1904-1984) cũng đã được bán thành công. Bức chân dung khỏa thân của Maurice Menardeau (1897-1977), vẽ một thiếu nữ Việt, cũng được bán thành công. Tại phiên này, tất cả tác phẩm về Việt Nam của người Pháp đều tìm được chủ nhân mới.
Rõ ràng kết quả như vậy cho thấy: ngày nay, những tác phẩm của các họa sĩ Pháp từng sống, giảng dạy, làm việc tại Việt Nam trước năm 1945 - tạm gọi là thời Đông Dương - đang bắt đầu được giới sưu tập chú ý. Giới sưu tập này không chỉ khu biệt trong cộng đồng người Pháp, châu Âu, mà đang lan rộng ra người Trung Quốc, người các nước Đông Nam Á.
Và câu hỏi được đặt ra: đã có bao nhiêu họa sĩ giống như vậy?
Chưa có một thống kê chính thức, dù một vài danh sách của người Pháp cho thấy có thể hơn 60 người. Trong các sách về lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam thì gần như không nhắc gì đến họ, ngoài hai ba người quá gắn bó với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Victor Tardieu, Alix Aymé, Joseph Inguimberty… Các bảo tàng mỹ thuật tại Việt Nam cũng chưa chú ý sưu tập, dù tranh có không khí Việt Nam đậm đặc và giá bán còn khá hấp dẫn.
2. Chỉ cần vào mạng gõ vài cái tên như Maurice Menardeau, Jean Bouchaud, Charles Fouqueray, Gustave Hierholtz, Louis Rollet, Jos-Henri Ponchi, Charles Ulmann, Andre Eugene Louis Blondeau, Leon Blot, Gustave Martinien Salge, François de Marliave, Marius Hubert Robert, Gaston Roullet, Henry Vollet, Camille Adolphe Laurens, Jean-Gabriel Daragnes, André Maire, Jules-Gustave Besson…, sẽ thấy lượng tranh về phong cảnh, con người Việt Nam khá đa dạng, đồ sộ. Nếu có một vựng tập hoặc một nghiên cứu về các tác phẩm của họ, đặt trong bối cảnh và tương quan với thời kỳ đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, hẳn sẽ rất thú vị, bổ ích.
Chúng ta từng biết đến tình bạn thú vị giữa họa sĩ Kỳ Đồng (1875-1929) và danh họa Paul Gauguin (1848-1903), mà dấu ấn, sự ảnh hưởng lẫn nhau còn nhìn thấy rõ qua nhiều tác phẩm. Hay như tình bạn, tình cô trò giữa Alix Aymé và Nguyễn Gia Trí, họ đã để lại dấu ấn về quan niệm và kỹ thuật sơn mài trong tác phẩm của nhau.
Chắc chắn nhiều họa sĩ Pháp khi sống và vẽ tranh tại Việt Nam nhiều năm đã có liên hệ, kết giao với vài họa sĩ địa phương, dấu ấn của họ ngày nay cũng rất cần được tìm hiểu. Hay như Henri Mège, một họa sĩ lăn lộn các vùng miền tại Việt Nam, cách vẽ và quan niệm của ông về phong cảnh dường như được nhìn thấy trong nhiều tranh phong cảnh về sau của họa sĩ miền Nam.
Nhưng để làm được những điều vừa nêu trên, chắc chắn mọi thứ cần thời gian lâu dài và mức đầu tư xứng đáng. Trước mắt, qua các phiên đấu giá, chúng ta thấy vui lây vì thị trường nghệ thuật quốc tế gần như xếp những họa sĩ này thuộc vào khu vực Đông Dương, thuộc về Việt Nam để dễ định vị hình ảnh. Và vui hơn nữa khi các nhà sưu tập mới của Việt Nam đã nhìn ra đây như là một giá trị gắn liền với lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, để sưu tập.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất