Từ Shah Alam đến Mỹ Đình: Từ 8 vạn người đến 80 triệu trái tim

11/12/2014 10:45 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - 6 năm trước, trong hành trình chinh phục Cúp vàng ở AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam đã lần lượt chinh phục 2 chảo lửa Kallang Roar (Singapore) và Rajamangala (Thái Lan). Năm nay, tới lượt chảo lửa Shah Alam (Malaysia) chật cứng, nóng bỏng với 8 vạn khán giả Mã đã in dấu chiến thắng ấn tượng của đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết lượt đi. Chiến thắng không chỉ của 11 chàng trai áo đỏ mà còn của 80 triệu trái tim hòa chung nhịp đập.

Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hoá tại Hà Nội, ông Dollah Salleh, HLV trưởng đội tuyển Malaysia, vẫn tỏ ra chưa hết tiếc nuối vì thất bại của đội bóng này ở trận bán kết lượt đi. Ông Salleh nói: “Thật tiếc là chúng tôi đã không tận dụng được lợi thế sân nhà với sự ủng hộ của đông đảo CĐV để giành chiến thắng”.

Đá bóng dưới sức ép 8 vạn người

Thật sự là ông Salleh đã không nói quá lời, bởi thi đấu trong bầu không khí do 8 vạn khán giả ngồi chật khán đài tạo ra là trải nghiệm không hề dễ dàng với bất cứ ai, đặc biệt là với đội bóng có tới 13/20 người nằm trong độ tuổi 9x như đội tuyển Việt Nam hiện tại.

Cách đây 6 năm, khi đội tuyển Việt Nam dưới quyền HLV Henrique Calisto lần lượt đánh bại chủ nhà Singapore và chủ nhà Thái Lan tại Kallang Roar và Rajamangala, thành phần đội tuyển Việt Nam khi ấy bao gồm những cầu thủ đang bước vào giai đoạn chín nhất của sự nghiệp như: Dương Hồng Sơn, Như Thành, Minh Phương, Tài Em và đội hình chính thức khi ấy chỉ có tài năng trẻ hiếm hoi là Thành Lương (20 tuổi ở thời điểm tham dự AFF Cup 2008).



Hai phóng viên Thể thao & Văn hóa/TTXVN trên sân Shah Alam tối 7/12


Còn bây giờ, đội tuyển Việt Nam do HLV Miura dẫn dắt chẳng khác nào đội tuyển Olympic có bổ sung thêm một số cầu thủ quá tuổi, và nhìn vào đội hình mới mẻ, trẻ trung như thế, cả cầu thủ lẫn CĐV Malaysia đều nghĩ rằng họ khó lòng chịu được áp lực của chảo lửa Shah Alam từng khiến nhiều đối thủ phải... rùng mình!.

Tiền đạo Safee Sali của đội tuyển Malaysia cũng thừa nhận điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hoá. Safee nói: “Tôi không thể tin rằng đội tuyển Malaysia lại bị đánh bại ở Shah Alam. Đội bóng của các bạn thật sự rất mới mẻ và trẻ trung”.

Trước khi sang Việt Nam dẫn dắt đội tuyển của chúng ta, HLV Miura chưa một lần được nắm ĐTQG, và những trải nghiệm của ông trên cương vị HLV chỉ là các đội bóng nhỏ ở Nhật Bản. Tức là, cùng với các cầu thủ trẻ trung của mình, HLV Miura chưa được nếm trải cảm giác thi đấu trong sân bóng trước sự chứng kiến của 8 vạn khán giả đối phương.

Tuy nhiên, xem đội tuyển Việt Nam thi đấu tại Shah Alam thì người ta gần như không nhận thấy dấu hiệu của sự lúng túng hay lo lắng trong những đường lên bóng của các cầu thủ. Đội tuyển Việt Nam đã nhập cuộc đĩnh đạc và tự tin như thể chúng ta mới là chủ nhà, còn đội tuyển Malaysia là chủ nhà thực sự thì lại bị đẩy lùi rất sâu về phần sân của mình và hiếm khi có cơ hội tổ chức được những đợt tấn công ra hồn.

Bản lĩnh tâm lý vững vàng như thế không phải tự nhiên mà có, và có lẽ nó được hình thành nhờ phương pháp huấn luyện rất nghiêm khắc và chặt chẽ theo kiểu Nhật Bản của HLV Miura. Vì thế, các CĐV Malaysia từ chỗ hồ nghi, ngạc nhiên đã chuyển qua thán phục rồi hâm mộ đội tuyển Việt Nam bởi lối chơi đơn giản nhưng hiện đại cùng tinh thần thi đấu rất bản lĩnh của các cầu thủ.

Trên đường ra khỏi sân Shah Alam sau khi kết thúc trận Malaysia – Việt Nam, chúng tôi đã được một gia đình CĐV người Malaysia níu lại chỉ để bày tỏ sự hâm mộ của mình với đội tuyển Việt Nam. Theo họ, thầy trò HLV Miura đã thể hiện lối chơi rất hiện đại, hiếm thấy ở các đội bóng Đông Nam Á, và họ cảm thấy rất tự hào khi cùng là công dân châu Á với các tuyển thủ Việt Nam.

Còn với HLV Miura khi trận bán kết lượt đi khép lại, ông đã bật mí rằng: "Ngay từ khi ở Hà Nội, tôi cũng đã nói với các cầu thủ rằng Malaysia có hơn 80.000 CĐV đang chờ các bạn nhưng các bạn đang có 80 triệu CĐV Việt Nam ở phía sau”.

Khi bóng đá lại không chỉ là bóng đá

Có dịp trực tiếp trải nghiệm cảm giác ngồi ở chảo lửa Shah Alam chúng tôi mới hiểu được phần nào vì sao Malaysia, mà cụ thể là Shah Alam và Bukit Jalil, luôn là điểm đến quen thuộc mỗi khi các đội bóng lừng danh ở châu Âu lên lịch du đấu mùa hè tại châu Á.

Bỏ qua nhóm hooligan đã gây ra sự cố hành hung CĐV Việt Nam ở trận Malaysia – Việt Nam vừa qua, đại đa số CĐV Malaysia đều rất hiền lành, lịch thiệp. Theo lịch, trận đấu Malaysia – Việt Nam diễn ra vào lúc 20h00 (giờ địa phương), nhưng ngay từ lúc 15h00, CĐV Malaysia đã dần dần tập trung ở sân.

BTC đã dựng lên rất nhiều căn lều dã chiến màu trắng để làm các quầy bán hàng cũng như khu vui chơi phục vụ người hâm mộ, và bản thân khán giả Malaysia cũng coi trận đấu Malaysia – Việt Nam như là một cuộc dã ngoại cuối tuần. Vì thế, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng rất nhiều gia đình Malaysia cùng nhau tới sân để xem bóng đá.

Điểm đáng nói nữa là tuyệt đại đa số các CĐV Malaysia khi tới sân Shah Alam đều khoác trên mình chiếc áo của đội tuyển Malaysia, hoặc là màu đen vàng, hoặc là màu xanh, và nhìn cả sân Shah Alam với sức chứa 8 vạn khán giả, đâu đâu cũng nhìn thấy màu áo của đội tuyển Malaysia.

Cách CĐV ăn mặc như vậy gần như đã trở thành truyền thống ở các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, hay Malaysia, và nó không giống lắm với Việt Nam, nơi đa số CĐV chưa có thói quen bỏ tiền ra mua những chiếc áo đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam để cổ vũ cho đội bóng thân yêu ở những giải đấu quan trọng.

Ngoài sân đã vậy, còn bên trong sân, các CĐV Malaysia cũng biết khuấy động không khí để biến Shah Alam thành một lễ hội thực sự. Ngay trước khi trận đấu Malaysia – Việt Nam bắt đầu, các CĐV Malaysia đã thực hiện một màn trình diễn ánh sáng kỳ ảo khi đồng loạt bật đèn flash của điện thoại di động, và bạn hãy tưởng tượng khi vài chục nghìn ánh đèn điện thoại được bật cùng lúc trên sân thì sẽ tạo ra bầu không khí mê hoặc đến như thế nào.

Trong suốt thời gian diễn ra trận đấu, các CĐV Malaysia ở khu vực khán đài C luôn ca hát, gõ trống, nhảy múa không ngừng nghỉ, dù khi đội tuyển Malaysia dẫn trước hay đang bị dẫn trước. Và trong lúc 2 đội xếp hàng chuẩn bị làm lễ chào cờ, CĐV Malaysia ở khu vực này đã xếp thành hình rất đẹp mắt.

Nhìn cách mà Malaysia tổ chức trận đấu cũng như văn hoá xem bóng đá của những khán giả Malaysia chân chính, chúng tôi cảm nhận thấy sự tương đồng với bóng đá Nhật Bản, và điều này cũng nhận được sự tán thành của Công Vinh, tiền đạo từng có thời gian chơi bóng ở Nhật Bản cho CLB Consadole Sapporo.

Công Vinh nói: “Tôi thấy những khán giả Malaysia chân chính đều rất lịch sự, văn minh. Cách xem bóng đá và cách cổ vũ không ngừng nghỉ của họ khiến chúng tôi liên tưởng tới bóng đá Nhật Bản, vì ở đây các CĐV cũng xem bóng đá và thưởng thức bóng đá theo kiểu như vậy”.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm