05/05/2016 13:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Các nhạc sĩ lớp trước đã ra đi gần hết. Nhưng bóng dáng của họ, "hơi hám" của họ theo cách nói của Hàn Mặc Tử, tinh anh của họ vẫn còn ở lại cùng chúng ta và dù nhiều hay ít, vẫn làm tròn nhiệm vụ định danh những giá trị mỹ học cho thời đại mới của chúng ta vậy.
Mỹ học của sự giản dị
Thái độ nghệ thuật của các nhạc sĩ lớp trước là cố gắng tạo nên những điều đặc sắc nhưng không quái dị. Đặc sắc thì mới đáng gọi là sáng tạo, nhưng để cái mới mẻ ấy có thể trở thành giáo khoa, nó đòi hỏi những quy chuẩn mỹ học ổn định. Quái dị làm nên tên tuổi dễ dàng nhanh chóng, nhưng chẳng giúp ích được cho ai ngoài bản thân kẻ mưu cầu nổi tiếng.
Hãy lấy tác phẩm Thanh Tùng làm ví dụ. Ca khúc của ông đơn giản, các móc nối giai điệu lỏng, không đòi hỏi một nền hòa âm bắt buộc phải tuân thủ, nói cho dễ hiểu là tự do thể hiện. Nhưng ông độc đáo ở khúc thức: Lời tỏ tình của mùa Xuân thuộc vào loại hiếm trong những ca khúc nhạc pop Việt có cấu trúc ba đoạn đơn độc lập (phiên khúc, tiền điệp khúc, điệp khúc).
Hay là Phan Huỳnh Điểu, viết một giai điệu dựa vào thơ và tiết điệu Latin chậm với nhiều đảo phách (Thư tình cuối mùa Thu), ông không giống ai cả. Ông đặc sắc, có phong vị riêng, và phong vị này xứng đáng được học hỏi và kế thừa.
Phạm Duy cả đời chỉ khai thác làn điệu dân gian Việt, nhưng ông thấy được chỗ yếu của dân ca là hơi dài dòng lan man, câu cú khúc thức thiếu cân đối, nên ông bù đắp lại bằng sự chặt chẽ của kỹ thuật tác khúc Tây phương. Ông trở thành một cuốn sách giáo khoa, một "bí kíp" cho bất kỳ ai muốn trau dồi và soạn nhạc ngũ cung.
Còn Trịnh Công Sơn? Ông nổi danh là người hát thơ, truyền tải những thông điệp triết học dưới hình thức đoản ca. Trùng trùng lớp lớp ý tứ ngầm, mà bề mặt yên tĩnh như không có gì. Sự đặc sắc của ông còn nằm ở chỗ những ý tứ ấy tuy được diễn đạt có vẻ mơ hồ, thì đều có nghĩa lý và có thể biện giải logic. Nó chứa rất nhiều ẩn dụ, nhưng dù là ẩn dụ nhiều tầng thì mỗi ẩn dụ cũng đều có nguồn gốc. Nó rất khác với việc viết ra những điều quàng xiên vô nghĩa mà một vài tác giả trẻ cố làm để nổi bật.
Trịnh Công Sơn đặc sắc ở những chi tiết nhỏ. Hãy xem bài hát này, Tình khúc Ơ Bai.
Tôi đi bằng nhịp điệu
Một hai ba bốn năm
Em đi bằng nhịp điệu
Sáu bảy tám chín mười
Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu không giống nhau
Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu sao khác màu
Sông cạn, đá mòn, sông cạn, đá mòn
Làm sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau.
Đoản ca vui vẻ đó kể chuyện tác giả dự một vũ hội miền thượng du, và cố gắng mãi vẫn không sao bắt nhịp được bước nhảy của cô gái dân tộc. Bạn thử viết một bài hát ngắn như vậy xem, 99% bạn sẽ có một khúc ca... nhi đồng.
Mềm hóa các kỹ năng
Dù là người sáng tác ca khúc thuần túy hay kiêm cả vai trò dàn dựng, hòa âm cho tác phẩm của mình, các nhạc sĩ lớp xưa đều nghĩ-cho-người trước. Họ hiểu rõ trình độ kỹ thuật và khả năng cảm thụ âm nhạc của ca sĩ, của nhạc công Việt - tất nhiên hiểu không có nghĩa là đánh giá thấp, coi thường.
Biết được một cách tường tận đâu là ưu điểm (khả năng chơi nhạc ngẫu hứng), đâu là hạn chế (các cấu trúc hòa âm nhiều tầng, các tiết tấu quá phức tạp), thế hệ nhạc sĩ cựu trào chọn những cách thể hiện nhạc phẩm giản dị nhất, chịu hy sinh các kỹ xảo kinh viện (chẳng hạn vốn cổ điển của nhạc sĩ Thanh Tùng) để ban nhạc và ca sĩ không va vấp những thử thách không cần thiết, cốt yếu sao cho tác phẩm và công việc dàn dựng tác phẩm thành hình trong không khí nhàn nhã nhẩt.
Hy sinh vốn liếng học thuật chẳng hề là việc dễ dàng, hãy cứ nhìn các bạn viết trẻ mà xem: tổng phổ người được học hành chuyên nghiệp chi chít nốt nhạc, đầy những ghi chú kỹ thuật, dù họ thừa hiểu nhạc công chẳng bao giờ thể hiện đủ những gì họ viết.
Trong khi đó, các tổng phổ dàn nhạc của Y Vân, Phạm Trọng Cầu, Thanh Tùng đều thưa thớt, gần như chỉ có sườn bài, bởi vì những ý tứ thâm sâu có thể được truyền đạt trong khi làm việc cùng nhau, vả lại còn để dành đất cho nhạc công ngẫu hứng. Ta tạm gọi cách làm việc này là sự mềm hóa các kỹ năng, hay là nắm được thuật dùng người.
Tinh thần cộng đồng
Mỗi nghệ sĩ đều là những cá nhân kiêu ngạo. Vì muốn làm nên sự khác biệt, vì không thích sống một cuộc đời bình thường, người ta mới chọn nghệ thuật. Nhưng những nhạc sĩ cựu trào không hề hướng đến sự nổi tiếng. Đối với họ, được làm ra những điều khác biệt đã thỏa mãn tâm lý sống rồi, vậy nên họ tạo được cho mình một tâm thế sống điềm tĩnh ngay từ khi còn trẻ.
Họ kiêu ngạo ngầm, kiêu hãnh vì bản thân là một chủ thể sáng tạo (nghệ sĩ là Thượng đế khi sáng tạo nghệ thuật), chứ không vênh váo vì mình trở thành người nổi bật trong đám đông. Trừ một vài người sống như ẩn sĩ, viết nhạc chỉ để cho mình, thì các nhạc sĩ đều phổ biến tác phẩm đến cộng đồng, đóng góp tài năng vào đời sống cộng đồng, ít nhất trong thời đại của họ.
Họ làm nhạc như người trồng hoa, ý thức mục đích rất rõ ràng: góp vào mảnh đất đời những đóa hoa mới. Những đóa hoa đó, dù hương sắc nhẹ nhàng hay rực rỡ, đều được trồng bằng thái độ tôn kính đối với nghệ thuật và với người thưởng thức. Thành thử, dù trên kia ta đã nói về sự giản dị nhưng chớ nên hiểu giản dị đồng nghĩa với tầm thường. Làm ra sự tầm thường là do thiếu tôn kính. Làm ra sự giản dị cần rất nhiều thiện tâm, sự cung kính và niềm khao khát cống hiến.
Ba lẽ đó, thiết tưởng đủ giải thích cho sức ảnh hưởng và tính trường tồn của thế hệ cựu trào trong thời đương đại.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trao giải Nhạc sĩ của năm cho nhạc sĩ Quốc Trung tại Giải Âm nhạc Cống hiến năm 2013. Một hình ảnh cảm động khi một người thuộc thế hệ sáng tác lớp trước trao giải cho thế hệ sau và phát triển nhạc Việt. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời mới đây một lần nữa làm trống vắng những cây đại thụ. Các nhạc sĩ lớp trước đã ra đi gần hết. Nhưng bóng dáng của họ vẫn còn ở lại cùng chúng ta. |
Nhạc sĩ Quốc Bảo
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất