Từ tấm biển 'cà phê sạch' nghĩ về 'đại nạn cà phê bẩn'

20/07/2016 08:11 GMT+7

(lienminhbng.org) - Đi trên khắp các đường phố, những tấm biển "cà phê sạch" mọc lên nhan nhản. "Cà phê sạch", những tấm biển lột tả rõ những ám ảnh, những vị đắng của "cà phê bẩn" đang gieo rắc nơi đây. Lúc này, robusta, arabica... không phải là tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người Việt. Người tiêu dùng giờ chỉ mong mỏi duy nhất: sạch! Không bàn tới hương vị, sạch là ước vọng của người tiêu dùng, sạch là ưu thế cạnh tranh.

Điều này không phải ngẫu nhiên, những câu chuyện về "cà phê bẩn" của người Việt, cho người Việt được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông.

Năm 2012, tại TP.HCM, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở rang xay cà phê Thông Phát (quận Tân Phú) mua đậu nành về tẩm hóa chất làm cà phê.

Sau khi lấy mẫu phân tích, các chuyên gia đều đánh giá thứ "cà phê bẩn" sản xuất từ cơ sở này rất nguy hiểm với sức khỏe người tiêu dùng.

Năm 2014, tại Buôn Ma Thuột, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk đã kiểm tra và lập tức niêm phong cơ sở chế biến cà phê bột có địa chỉ tại xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột. Lý do, cả cơ sở sản xuất cà phê nói trên không có một hạt cà phê nào. Lực lượng chức năng chỉ tìm thấy hạt đậu nành, ngô và các can đựng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ.


Cà phê sạch là ước vọng của người tiêu dùng

Năm 2016, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP Vũng Tàu đã phát hiện cơ sở sản xuất cà phê nằm trên đường Trương Công Định sản xuất cà phê bẩn. Công thức chế biến cũng vẫn quen thuộc: đậu nành, ngô, hóa chất chứa độc tố...

Đó chỉ là ba trong rất nhiều "lò" chế biến "cà phê bẩn" đã hoặc chưa bị phát hiện. Các cơ sở sản xuất cà phê bẩn xuất hiện ở mọi nơi: từ "thủ phủ cà phê" Buôn Ma Thuột đến ngay giữa TP.HCM. Cứ mỗi năm, vài cơ sở bị phát hiện, bị phạt và rồi "cà phê bẩn" vẫn hiển hiện ngang nhiên, thách thức với những cách làm cũ, với những nhiên liệu hóa học cũ, và đương nhiên, với những độc tố cũ.

Chiến dịch chống thực phẩm bẩn đã được phát động nửa năm. Các cơ quan ban ngành cùng truyền thông đã lùng sục mọi ngõ ngách của thực phẩm bẩn để mỗi gia đình có một bữa cơm sạch. Song, đấy không phải cái đích cuối cùng. Khi từng ngụm cà phê chúng ta uống vẫn đắng vị hóa chất, khi tách trà chúng ta nhấp vẫn phảng phất độc tố... thì chúng ta chưa thể bình yên với nhu cầu sống và thưởng thức cuộc sống.

Ai đó sẽ nói, cà phê dẫu sao cũng chỉ là một thú vui chứ không phải cấp thiết như đồ ăn, thức uống hằng ngày?  

Điều này không hoàn toàn đúng. Với người Việt, cà phê còn hơn cả một thức uống... cho vui. Cà phê là cả một nền văn hóa với bao cung bậc lịch sử từ đắng ngắt tới ngọt bùi. Cà phê là một trong những biểu tượng cho sự vươn vai của ngành trồng trọt, của công cuộc "lấy sức người vượt sức thiên nhiên"...

Vào khoảng giữa thế kỷ 19, cây cà phê được trồng ở Việt Nam. Những nơi đầu tiên trồng cây cà phê là các nhà thờ tại Hà Nam, Quảng Bình, Kon Tum... Trải qua hơn một thế kỷ đầy biến động lịch sử, Việt Nam giờ trở thành nước sản xuất cà phê thứ 2 thế giới (sau Brazil).

Nhưng, ngay khi những nỗ lực vươn lên làm "thủ phủ cà phê" thế giới vẫn đang dang dở, chúng ta lại đang thất thủ, ngay trên sân nhà, bởi "đại nạn cà phê bẩn".    

Chúng ta không thể phủ nhận những người vẫn đang âm thầm cống hiến vì hạt cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Chúng ta cũng không thể phủ nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của các lực lượng chức năng.  

Song, khi đã làm mãi một công việc mà vẫn không giải quyết được vấn nạn, chúng ta cần xem lại cách làm. Chúng ta không thể sống giữa đất cà phê mà chỉ có mong ước cỏn con là được uống ngụm cà phê sạch. Chúng ta không thể nhắm mắt uống cà phê bằng niềm tin (từ người bán hàng) thứ chất dẫn của bao ý tưởng cùng bao hương vị cuộc sống.  

Và, quan trọng hơn hết thảy, chúng ta không thể uống độc tố ngày qua ngày dù lực lượng chức năng đang làm rất "đúng quy trình"!

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm