20/01/2020 08:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Mấy bữa nay bàn về “tháng Chạp”, có nhiều vị cho biết ở miền Bắc còn gọi tháng này là “tháng củ mật”. Cứ tưởng đây là tên một loại củ gì đặc biệt, té ra không phải, mà đó là chữ Nho, nghĩa là “canh phòng cẩn mật”.
Lí do là vì “năm cùng tháng tận”, Tết nhất sắp tới, ai cũng cần cơm áo gạo tiền, bánh mứt, rượu thịt... để ăn Tết. Mà đâu phải ai cũng có sẵn, thành ra nảy sanh nạn ăn trộm lặt vặt. Mà ăn trộm chắc phải phổ biến lắm nên dân gian mới có danh từ riêng đặt tên cho cái tháng nầy và tác giả Toan Ánh mới có thể viết thành cuốn sách hơn 200 trang có cái tựa: Nghệ thuật ăn trộm và bắt trộm của người xưa.
Đó là câu chuyện và danh từ ngoài Bắc, còn ở Nam Bộ thời tháng nầy có thể gọi là “tháng ăn trộm”. Không lạ gì chuyện ở đâu cũng có ăn trộm, nhưng quan trọng là cách đối xử với ăn trộm có khác nhau. Ở nơi khác không rõ ngày xưa kẻ trộm lặt vặt bị bắt bị phạt ra sao, chớ còn ở Nam Bộ thời hầu như là… tha bổng.
Tha bổng trước hết là từ việc khổ chủ thường không tố giác kẻ trộm. Sự im lặng sau đó vô hình trung cho phép những kẻ thiếu đói có thể trộm vặt để sống qua ngày, bởi lẽ những món lặt vặt đó chủ yếu cũng do trời sanh trời dưỡng, chủ nhân không có bỏ công bỏ của chăm sóc bao nhiêu. Đây chính là sự mở rộng của luật chơi “Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn” trong đời sống lưu dân buổi đầu.
Thật vậy, buổi đầu lưu dân đến Nam Bộ chủ yếu khai thác những nguồn lợi thiên nhiên sẵn có như lúa ma (lúa trời), cá tôm, rùa, rắn, mật ong, bông súng, củ co… để sống qua ngày, gọi là “lộc nước hương trời”:
Ai về dưới miệt Tháp Mười,
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn
Dần dần người ta mới bắt đầu trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi nên cây trồng và vật nuôi lớn nhanh mà hầu như không cần đầu tư, chăm sóc gì nhiều. Quăng ít hột giống, thả mấy con gà con vịt rồi cứ “giao cho trời”, vậy mà chẳng bao lâu lại kết quả mĩ mãn, gọi là “làm chơi ăn thiệt”.
Ngày xưa, làm ruộng nếu có bị chim chuột hay thú rừng phá, người ta cùng lắm cũng chỉ xua đuổi chúng chứ ít khi gài bẫy hay đánh thuốc độc, vì cho rằng chim thú phá thì cũng giống như mình đang ăn trộm của trời, nghĩa là chẳng qua chỉ là “ăn trộm gặp ăn trộm” mà thôi. Về sau, quan niệm này đã phai lợt đi nhiều nhưng phong tục “nương tay” với chim thú phá hại vẫn còn giữ bằng lí lẽ: Nếu mình phạm tới chúng thì chúng sẽ nổi giận, phá hại còn nhiều hơn. Và con chuột – kẻ phá hại mùa màng nhiều nhất – lại được tôn thành “ông Tí” có lẽ cũng nằm trong quan niệm này.
Mang tâm lý mình là kẻ thừa hưởng, thậm chí kẻ trộm của thiên nhiên nên làng quê ở Nam Bộ ngày trước không quá khắt khe đối với trường hợp vì quá túng quẫn buộc phải ăn trộm. Dân gian vùng này có câu nói tuy thô nhưng cho thấy rõ quan niệm bao dung đó: “Bần cùng sanh đạo tặc, không ăn cắp lấy con c. gì ăn”. Hơn nữa, do đất rộng người thưa nên, chẳng hạn, đang đi dọc đường, khát nước, gặp đám dưa mà không thấy chủ đâu, người ta chỉ cần la lớn lên một câu đại loại như “Cho xin trái dưa ng…ô…n!” là coi như đã có quyền hái vài ba trái để dùng. Quan niệm cởi mở, hòa đồng, dễ nhập cuộc đã tạo nên tính cách dễ dãi của người dân nơi đây:
Đi ra gặp vịt cũng lùa,
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.
Theo họ, chuyện người nghèo ăn trộm vặt của nhà giàu chẳng qua là thi hành luật trời “có qua có lại”: “Người khôn ăn bòn kẻ dại, kẻ dại ăn hại người khôn”.
Loại trộm vặt như thế ở Nam Bộ xưa nay thường được bỏ qua, thậm chí kẻ truy cứu có khi còn bị mang tiếng là người nhỏ mọn.
Luật bất thành văn dung túng cho trộm vặt ở Nam Bộ ngày trước đã được Sơn Nam ghi lại trong truyện ngắn có cái tựa lạ lùng: Tục lệ ăn trộm (1987). Theo ông, thời xưa, hàng năm, đúng ngày 25 tháng Chạp, tất cả quan lại, từ trên xuống dưới đều chùi ấn cho sạch, bỏ trong cái hộp, ngưng mọi công việc quan để ăn chơi suốt một tháng, cho tới ngày 25 tháng Giêng. Ngoại trừ phạm nhân phạm trọng tội thì bị tạm giữ, cạo đầu làm dấu ra, những tội trộm vặt đều được quan địa phương lẫn khổ chủ vui vẻ bỏ qua cho: “Ăn trộm trong dịp quan trên treo ấn là điều vạn bất đắc dĩ. Mình nên thương họ”. Hơn nữa, đầu năm đầu tháng, không ai muốn gây gổ, kiện tụng vì sợ sẽ… mất hên.
Ngoài ra, Sơn Nam còn ghi nhận nhiều trường hợp đi ăn trộm để… báo hiếu ông bà! Đó là trường hợp những người có ông bà lớp trước sống bằng nghề ăn trộm nên vào dịp rước công bà cuối năm con cháu cũng phải đi ăn trộm để… đền ơn cúc dục sanh thành! Do ăn trộm lấy lệ/ lấy lễ nên họ thường chỉ lấy những thứ mà chủ nhà bỏ đi như chổi cùn, guốc sứt quai, quần áo rách…
Câu chuyện trên có vẻ hư cấu nếu không phải là phóng đại nhưng vẫn mang cái cốt lõi bao dung, khoan thứ có thật của người dân Nam Bộ.
Lê Công Lý
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất