Kỳ tích vượt 1000 km thần tốc ghép tim, phổi: Phải chuyển máu hiếm từ xa về tiếp cho nạn nhân

23/07/2015 12:21 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Một bệnh nhân chết não nhóm máu AB (nhóm máu hiếm người có) đã hiến tặng cơ thể mình. Từ đó cuộc sống mới đã mở ra không chỉ với nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) mà còn cứu sống cả người bệnh ở nơi cách xa hàng nghìn km là Thừa Thiên Huế.

Hành trình vượt 1000 km thần tốc, mang khối tim, phổi "sống" về ghép cho bệnh nhân và kỳ tích y học này đã làm dấy lên sự cảm phục và tò mò không ít của dư luận cũng như chính giới y khoa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, một bệnh nhân chết não hiến đa phủ tạng cứu sống tới 6 sinh mạng được ghi nhận tại 2 Bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở Huế.


GS.TS Bùi Đức Phú

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.

* Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết khó khăn nhất của ca ghép tạng lần này?

- Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Phú: Ngày 19/7, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết có người chết não nhóm máu AB, đang hồi sức chết não chờ đợi đến thời điểm có đủ các tiêu chuẩn chết não theo đúng quy trình của Bộ Y tế ban hành. Hội đồng ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế đã tìm chọn người nhận có cùng nhóm máu và mắc bệnh suy tim phổi.

Liên lạc trên danh sách chờ ghép chỉ có một bệnh nhân đã mổ tim cách đây một năm đồng ý ghép. Xác định trường hợp này sẽ rất khó khăn vì các tạng dính với nhau nhưng bệnh nhân chỉ có cơ hội duy nhất để hy vọng cứu sống vì người cho đã hiếm, mà cùng nhóm máu AB lại càng hiếm.

Các công đoạn đánh giá sự tương hợp giữa người cho – nhận được tiến hành khẩn trương. Lúc này, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sẽ lấy tạng vào đêm khuya ngày 19/7 nên công việc phối hợp càng khẩn trương hơn.

Bệnh viện Trung ương Huế đã tức tốc cử ngay 4 bác sĩ thuộc ê kíp lấy tạng, gồm 1 bác sĩ phẫu thuật viên và một bác sĩ gây mê hồi sức tim mạch hai bác sĩ khác; trong đó, 2 người phải có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy chậm nhất là chiều 19/7 để hội chẩn với Hội đồng Ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy. Số còn lại vừa phải mang phương tiện lấy tạng và mẫu máu độ chéo cho bệnh nhân từ Huế đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 1 giờ sáng 20/7 để nhờ làm giúp xét nghiệm độ chéo và ở lại đây để tham gia kíp lấy tạng.

Tại Chợ Rẫy, việc mổ lấy tạng được tiến hành theo quy trình từ 2 giờ sáng 20/7 do 2 ê kíp Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp khá thuần thục. Đến 6 giờ 30 phút (20/7) thì cắt tạng lấy khối tim phổi và bảo quản tạng.

Tạng được đưa ra sân bay về Huế lúc 9 giờ 15 phút, cùng lúc, xe cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế đưa thùng tạng ghép đến phòng mổ lúc 9 giờ 40 phút.

Tại Huế, lúc này toàn bộ e kíp ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế đã sẵn sàng. Quá trình phẫu thuật tách gỡ dính rất phức tạp. Sau khi bóc tách được tim thì tiến hành thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể và tiếp tục gỡ dính phổi và tim. Đến 10 giờ thì công đoạn cắt bỏ tim, phổi bệnh lý hoàn thành. Tạng ghép được đưa vào lồng ngực và tiến hành khâu nối xong lúc 11 giờ, cho tim đập lại khá dễ dàng.


Ca ghép tim phổi tại Bệnh viện Trung ương Huế (Ảnh do Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp)

Như vậy, từ khi cắt bỏ khối tim phổi (từ Bệnh viện Chợ Rẫy) cho đến khi tim đập lại (ghép cho bệnh nhân ở Huế) là 4 giờ 30 phút (nằm trong giới hạn cho phép là < 6 giờ), trong khi giữa người cho và người nhận ở cách xa nhau cả ngàn cây số.

* Đến nay, tình trạng người bệnh được ghép tạng hiện tại ra sao, thưa Giáo sư?

- Còn quá sớm để nói tiên lượng ca ghép này nhưng bản thân mỗi chúng tôi đã và sẽ làm hết sức để cứu người, không phụ lòng tin tưởng giúp đỡ của rất nhiều người từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp các Bộ ngành, đến các nhân viên của cơ quan vận chuyển hàng không, đặc biệt là người bệnh đã tình nguyện hiến và nhận ghép tạng, trao hy vọng sống cuối cùng cho chúng tôi.

Giai đoạn khó khăn của người được ghép tạng bắt đầu với tình trạng chảy máu, kiểm soát nhiều lần không thấy tiêu điểm chảy máu, nhưng tất cả các vị trí phẫu tách gỡ dính đều rướm máu rỉ rả. Bilan đông máu được điều chỉnh và bắt đầu giảm dần chảy máu.

Sau ghép, chúng tôi vẫn chờ đợi trong phòng mổ đảm bảo an toàn đến 0 giờ sáng ngày 21/7 mới chuyển bệnh nhân về phòng chăm sóc đặc biệt. Tại đây, theo dõi các thông số và siêu âm thực quản cho thấy tim người cho đập khỏe, nhưng trao đổi ôxy kém do phổi phù (bệnh nhân có 7 ngày thở máy trước khi lấy tạng) mặc dù đã hỗ trợ thêm khí NO nhưng vẫn không cải thiện.

Bệnh viện quyết định đặt ECMO (hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi Oxy qua màng), từ đó, tình trạng trao đổi Oxy và tuần hoàn của người ghép tạng được cải thiện, nhưng ngược lại tình trạng chảy máu xuất hiện trở lại (do máu không đông vì phải dùng Heparin mới chạy ECMO được).

Hiện tại, các kiểm soát về ngoại khoa không cho thấy có điểm chảy máu nào rõ ràng, máu thì ứa thấm khắp mọi nơi từ các tạng trong lồng ngực nên chúng tôi chọn giải pháp cuối cùng là truyền máu tươi và sử dụng các yếu tố đông máu.

Do người ghép tạng thuộc nhóm máu hiếm (AB), trong khi nguồn dự trữ ở bệnh viện đã sử dụng gần hết, Trung tâm Huyết học truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế phải phối hợp với Bệnh viện tỉnh Quảng Bình, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học Truyền máu Thành phố Hồ Chí Minh để lấy máu nhờ đó có thêm được một số cơ số máu AB để điều trị cho bệnh nhân.

* Xin cám ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!

Quốc Việt (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm