14/02/2021 05:53 GMT+7
(lienminhbng.org) - Năm 2020 có thể coi là Năm của từ thiện với những cây ATM gạo nổi tiếng thế giới trong dịch Covid-19, với cảnh nhà nhà gói bánh chưng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, với những nghệ sĩ, người nổi tiếng quyên góp và vận động quyên góp được hàng tỷ, chục tỷ hay cả trăm tỷ đồng. Phải chăng, sự bùng nổ của hoạt động từ thiện trong năm 2020 bắt nguồn từ những truyền thống trong văn hóa của người Việt đã có từ ngàn xưa?
Lý giải Năm của từ thiện, nhìn từ truyền thống ứng xử trong đời sống văn hóa của người Việt, TS Trần Hữu Sơn – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam có những chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):
* Theo ông đâu là điều kiện căn cốt hình thành nên truyền thống yêu thương, tương trợ, gắn kết của cộng đồng người Việt trong từng điều kiện lịch sử nhất định?
Nhìn về lịch sử dân tộc, người Việt có hai ứng xử văn hóa phổ biến, đó là ứng xử với tự nhiên và giặc giã. Đây là chính là điều kiện căn bản nhất hình thành nên truyền thống tương trợ, gắn kết cộng đồng một cách bền chặt trong văn hóa ứng xử của người Việt.
Đầu tiên ở mặt ứng xử với tự nhiên, nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt,… Chống chọi với sự khó khăn, khắc nghiệt của thiên tai luôn cần sự gắn kết, hợp sức của cả cộng đồng để cùng nhau sinh tồn, từ đó hình thành nên nếp sống tương thân tương ái trong đời sống của người Việt.
Vì thế từ trong lịch sử, người Việt đã chú trọng đến những hành xử mang tính tương trợ trong cộng đồng. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép mỗi khi đất nước gặp thiên tai, mất mùa, bệnh dịch,… các triều đình phong kiến đều xuất gạo cứu tế bách tính. Hay những địa chủ, bá hộ phong kiến cũng huy động, quyên góp tiền của để cứu giúp dân nghèo.
Thứ hai ở mặt ứng xử với giặc giã, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta luôn thường trực phải chống giặc ngoại xâm.
Điều kiện chống lại các kẻ thù lớn, hung bạo, tàn ác để bảo vệ nền độc lập dân tộc đã tạo ra một thế ứng xử quan trọng của người Việt là sẵn sàng hi sinh tất cả vì độc lập dân tộc. Ứng xử hi sinh mang tính truyền thống này dẫn đến khẩu hiệu “nhà nhà chống giặc, làng làng chống giặc”, tất cả toàn dân đồng lòng tạo ra cố kết cộng đồng vững chắc để đánh giặc.
* Để trở thành truyền thống được nối tiếp và kế thừa qua từ thời kỳ lịch sử chắc hẳn từ thiện được bảo lưu trong nhiều hình thức khác nhau. Theo ông, đâu là những thể hiện cụ thể của truyền thống từ thiện trong văn hóa của người Việt?
Truyền thống từ thiện của người Việt nhìn ở chiều lịch đại thời nào cũng vậy. Truyền thống “Thương người như thể thương thân” thể hiện ra trước hết ở ngôn từ hay còn gọi là diễn ngôn bằng kho tàng ca dao, tục ngữ trong lời ăn tiếng nói bao đời của người Việt…
Mặt khác, truyền thống từ thiện trở thành thể chế đặc biệt, thể hiện ở thiết chế làng xã luôn xây dựng những quỹ giúp đỡ người nghèo hay còn gọi là Quỹ Nghĩa sương vận động toàn dân đóng góp thóc gạo, phòng khi mất mùa đói kém thì lấy thóc nghĩa sương chẩn cấp cho người nghèo.
Hay trong kháng chiến, có những nhà tư sản sẵn sàng giúp đỡ dân nghèo, đi theo kháng chiến, sẵn sàng quyên góp, ủng hộ cả gia tài cho chính phủ, điển hình là Tuần lễ Vàng vận động toàn dân đóng góp giúp đất nước vượt qua giai đoạn thiếu thốn về tài chính.… Tất cả cho thấy tình đồng bào nổi bật.
* Theo ông, bằng cách nào truyền thống từ thiện có một sức sống bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác trong đời sống của người Việt?
Làm từ thiện là một nghĩa cử, một ứng xử cộng đồng khi được dân tộc đồng lòng ủng hộ sẽ tự nhiên tạo thành một chuẩn mực xã hội. Cũng cần phải nhắc lại, khi xã hội thường xuyên đối mặt với hiểm cảnh, hoạn nạn thì những ứng xử cộng đồng được tạo ra liên tục và có tính tích lũy, kế thừa.
Xét góc độ ảnh hưởng nhận thức, không một người Việt Nam nào là không được giáo dục về tình yêu nước thương nòi. Từ những đứa trẻ lớn lên trong những lời hát ru của người mẹ, trong các bài hát ru luôn có những lời nghĩa tình yêu thương.
VIDEO Ông Phạm Nhật Vượng là nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á (Nguồn VNEWS):
https://vnews.gov.vn/video/ong-pham-nhat-vuong-la-nha-tu-thien-hao-phong-nhat-chau-a-195993.htm
Những lời nghĩa tình thương yêu đó không chỉ ru cho mỗi đứa trẻ để thấm vào cùng với sữa mẹ, thấm vào tình mẹ thương con mà còn ru cho cả cộng đồng. Nói cách khác hát ru lan tỏa giá trị của chuẩn mực của tình yêu thương một cách rộng khắp. Hay trẻ em hát đồng dao cũng là một biểu hiện lan tỏa tương tự.
Trong đời sống văn hóa của người Việt, tính giáo dục về tình yêu thương đồng loại, đùm bọc cộng đồng đậm đặc, bám bện bền chắc lấy mọi sinh hoạt của mỗi người, của cả cộng đồng. Ví dụ như trong lối hát giao duyên, toàn bộ những bài hát giao duyên bao giờ cũng có những câu hát về tình yêu thương, về tình làng nghĩa xóm,…
Thậm chí, những bài hát tiễn đưa hồn người trở về thế giới bên kia cũng thấm đẫm tình yêu thương. Trong dàn nhạc tang, ngoài những bài khóc than chung, còn có những bài khóc than của cả cộng đồng đến viếng thương người đã khuất, kể về những công lao của người mất đối với làng xóm.
Bằng cách hình thức nghệ thuật xuyên suốt cả cuộc đời một con người, những chuẩn mực cộng đồng, cụ thể hơn là tình yêu thương giữa người với người, đùm bọc đồng loại được giáo dục một cách sâu sắc và có tính dài rộng của thời gian. Nói cách khác, cả cuộc đời con người từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay đều được tiếp xúc với âm nhạc, đều sống trong một thứ âm nhạc vì cộng đồng.
Có lẽ vì thế mà bất cứ con người Việt Nam nào cũng có tình yêu thương đồng bào. Trong dòng máu của người Việt ít hay nhiều, bao giờ cũng có tinh thần từ thiện. Và từ thiện chi phối suốt không gian và thời gian, chi phối trong suốt cuộc đời của mỗi người Việt.
* Thưa ông, hoạt động từ thiện phát triển mạnh mẽ một mặt xuất phát từ truyền thống văn hóa vốn có nhưng trong xã hội hiện đại liệu rằng còn có có yếu tố tác động nào khác thúc đẩy từ thiện trở thành phong trào bùng nổ như năm vừa qua hay không?
Ngoài yếu tố truyền thống, hoạt động từ thiện mạnh mẽ bùng nổ như các phong trào ủng hộ chống dịch Covid-19 hay cứu trợ miền Trung bị lũ lụt, còn nhờ sự tác động của truyền thông.
Truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội tạo nền tảng nhanh chóng trong việc tạo lập các nhóm làm từ thiện hoạt động với khả năng quyên góp nguồn cứu trợ lớn trong khoảng thời gian nhanh chóng.
Điển hình là những người nổi tiếng thông qua truyền thông kết hợp với uy tín, ảnh hưởng của bản thân có thể quyên góp được một khối tài sản lớn nhằm mục đích làm từ thiện.Nhìn nhận đúng thực tế, nhờ sự tác động của truyền thông đã hình thành lên những nhóm quan hệ xã hội không chính thức.
Đó có thể là hội nhóm của dòng họ, của học sinh, sinh viên, của doanh nghiệp,… cùng quan tâm đến một vấn đề chung là cứu hộ, giúp đỡ cộng đồng của mình làm cho những gắn kết cộng đồng trở nên nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội công nghệ.
Tất nhiên, bên cạnh những mặt tốt, cũng có một số cá nhân, đơn vị lợi dụng truyền thông nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, đánh bóng tổ chức của mình thông qua những hoạt động từ thiện…
* Xin cảm ơn ông!
Công Bắc (Thực hiện)
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất