Từ triển lãm 'Linh vật nghê Việt' nghĩ đến giấc mơ 'linh vật thuần Việt'

15/11/2018 07:33 GMT+7

(lienminhbng.org) - Cuộc triển lãm có tên “Linh vật nghê Việt” sẽ khai mạc chiều nay 15/11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ở đó, người xem sẽ được tiếp cận với các hình ảnh và thông tin về nghê - loài vật thiêng (biến thể từ chó, sư tử và ký lân) thường được đặt trước cổng đình chùa, đền miếu trong văn hóa Việt.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của linh vật thuần Việt trong triển lãm lần đầu tiên

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của linh vật thuần Việt trong triển lãm lần đầu tiên

Lần đầu tiên, nhiều đơn vị nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ đã phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm về hình tượng linh vật cổ truyền thống của Việt Nam

Tưởng như bình thường, nhưng sau cuộc triển lãm ấy là cả một câu chuyện dài.

Khoảng 5 năm trước, ngoài giới nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật, không nhiều người chú ý đến lai lịch và giá trị của nghê Việt. Có lẽ, mọi thứ cứ sẽ mãi như thế, nếu như dư luận không bất ngờ rộ lên về nạn “xâm lăng” của những con sư tử đá ngoại lai.

Trong bộ dạng hung tợn nhe nanh múa vuốt, những tượng sư tử đá ấy xuất hiện tại các đình chùa, công sở, phòng khách, phòng họp nhiều tới mức giới nghiên cứu phải lên tiếng vì bức xúc. Rằng, về bản chất, những con sư tử ấy vốn được lấy từ mẫu tượng canh mộ ở phương Bắc - do vậy việc đưa vào chùa chiền và các công trình văn hóa ở Việt Nam là cách làm thiếu hiểu biết và học đòi.

Chú thích ảnh
Tượng linh vật của Việt Nam. Nguồn ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

Và, khi chiến dịch “dẹp loạn” sư tử đá được bắt đầu – với cột mốc là công văn 2662 (tháng 8/2014) của Bộ VH, TT&DL về việc khuyến cáo không dùng các linh vật thiếu thuần phong mỹ tục tại nơi công cộng – một nhu cầu có thật được thực tế đặt ra: cần có những linh vật “thuần Việt” để thế chỗ những vật phẩm ngoại lai.

Hình tượng nghê bắt đầu được các nhà nghiên cứu giới thiệu mạnh từ thời điểm ấy.

***

Sau 4 năm, cuộc “dẹp loạn” linh vật ngoại lai đã thu được những kết quả khá tích cực. Ở phía ngược lại, ngành văn hóa và những người làm nghệ thuật cũng đã thật sự nhập cuộc trong nỗ lực tôn vinh linh vật Việt.

Chẳng hạn, một “bảo tàng ảo” về chủ đề này đã được chàng trai ở lứa tuổi 9x Nguyễn Trí Quang thành lập trên không gian mạng, với mong muốn đưa những kiến thức về nghê và điêu khắc Việt tới cộng đồng. Rồi, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ đã phục dựng thành công mẫu nghê gỗ từng có tại đền Lê Thánh Tông (Thanh Hóa).

Thậm chí, năm 2016, nghê Việt có vinh dự “bước vào” một cuộc họp của UNESCO: trong kỳ họp của Ủy ban Di sản Tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Huế, quà tặng phía chủ nhà gửi tới các đại biểu là một chiếc ấn tạo tác từ hình tượng nghê đá trong nhà thờ của dòng họ Nguyễn Huy (Hà Tĩnh).

Nhưng rõ ràng, vẫn còn một chặng đường dài để nghê Việt thật sự đẩy lùi các sản phẩm ngoại lai trên mọi “mặt trận”: từ linh vật đặt tại chùa cho tới tượng phong thủy tại nhà riêng, từ vật phẩm lưu niệm cho tới những đồ gia dụng như gạt tàn hay móc đeo chìa khóa.

Người viết từng có dịp về làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) và được nghe những chia sẻ rất thật: đối tượng mua nghê và các linh vật thuần Việt đến giờ đa phần vẫn là những người nghiên cứu văn hóa, một số công sở nhà nước hoặc giới sưu tập.Còn lại, những khách hàng khác vẫn có chút lưỡng lự vì… chưa quen với hình dạng và ý nghĩa của nghê.

Thậm chí, chính những doanh nghiệp chế tác các mẫu vật này cũng có những tâm sự riêng. Ai cũng hiểu, để có tính ứng dụng, các mẫu sản phẩm không thể rập khuôn nguyên bản từ linh vật tại đền chùa mà cần có sự điều chỉnh kích cỡ, cộng cùng những sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp. Nhưng, ở bối cảnh tình trạng xâm phạm bản quyền đang phổ biến như hiện nay, các mẫu sản phẩm này rất dễ bị ăn cắp và làm nhái.

Sự lúng túng của người mua và những lo âu từ người chế tác – đó là những hệ quả có thể nhìn thấy trước – khi mà suốt một thời gian dài, chúng ta từng bỏ những giá trị văn hóa,mỹ thuật truyền thống, và để chúng bị vùi lấp bởi những sản phẩm ngoại lai.

Bởi thế, dù đã có những nỗ lực đầu tiên, vẫn còn một chặng đường rất dài để nghê Việt thật sự “nhập thế”: bước khỏi những đình chùa xưa và lan tỏa tới mọi nơi trong đời sống đương đại.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm