Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024: Phát triển Âm nhạc gắn với văn hóa

27/12/2024 14:00 GMT+7 | GenZ

Vào ngày 14/12, Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 (Vietnam Music Week 2024 - VMW 2024) đã chính thức khai mạc với buổi tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong khuôn khổ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030” mở ra những cuộc thảo luận chuyên đề sôi nổi giữa các chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam.

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024: Phát triển Âm nhạc gắn với văn hóa - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm quy tụ các chuyên gia đầu ngành công nghiệp âm nhạc như bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM; Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM và Nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Sự kiện đã thu hút đông đảo hơn 100 người tham gia, bao gồm các cá nhân đang hoạt động trong ngành, cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông trong nước, đặc biệt còn có sự góp mặt của các đại biểu quốc tế đến từ những đơn vị văn hoá nghệ thuật trên thế giới.

Sự đóng góp doanh thu từ các lễ hội, sự kiện văn hoá nghệ thuật vào nền kinh tế khu vực 

Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM, nhấn mạnh rằng các lễ hội âm nhạc hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với các thành phố lớn. Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành, doanh thu ngành du lịch tăng từ 30% đến 40% trong mùa lễ hội, chứng minh rằng âm nhạc không chỉ kết nối cộng đồng mà còn là "chìa khóa" mở cửa thị trường du lịch quốc tế. 

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024: Phát triển Âm nhạc gắn với văn hóa - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng vai trò của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. "Trong 7-10 năm gần đây, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp đáng kể vào GDP, tạo việc làm và gia tăng doanh thu từ du lịch cho các thành phố lớn như Đà Lạt, Hà Nội.” Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh rằng sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm mang tính thỏa đáng – yếu tố phản ánh tính bền vững. Những công việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của người lao động mà còn mang lại giá trị giải trí và văn hóa cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển lâu dài của ngành.

Bà Thu Hà cũng cho rằng, các lễ hội âm nhạc như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM (HCMC International Music Festivals - HOZO) hay Lễ hội hoa Đà Lạt không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra giá trị phi kinh tế thông qua việc thúc đẩy giao lưu văn hoá, kết nối cảm xúc và xây dựng mạng lưới cộng đồng.

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024: Phát triển Âm nhạc gắn với văn hóa - Ảnh 3.

Phát triển bản sắc dân tộc: Cầu nối văn hóa và sáng tạo hiện đại

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, đã chia sẻ về vai trò của âm nhạc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. ”Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sở hữu một kho tàng di sản âm nhạc phong phú. Đây là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác hiện đại và sáng tạo." Bà Mỹ Liêm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận giới trẻ, từ đó phát triển âm nhạc dân tộc trở thành nguồn sức mạnh kết nối cộng đồng. Điển hình như ban nhạc Nam Tộc - những bạn trẻ đã khéo léo kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm thanh hiện đại để tạo nên các bản phối vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa mới mẻ, gần gũi với giới trẻ. 

Về phía Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, ông nhận định rằng âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đang đối mặt với bài toán khó về việc nuôi dưỡng khán giả. "Trong bối cảnh xã hội chuyển mình, chúng ta cần tạo điều kiện để âm nhạc cổ điển tiếp cận khán giả trẻ, từ đó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc lâu dài. Những chương trình biểu diễn kết hợp giữa giáo dục và nghệ thuật là bước đi cần thiết."

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024: Phát triển Âm nhạc gắn với văn hóa - Ảnh 4.

Kết luận 

Trong bối cảnh ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn đối mặt với không ít thách thức, phiên tọa đàm là dịp để lắng nghe những phân tích sâu sắc từ các nhà lãnh đạo và chuyên gia văn hóa. Đây là cơ hội để khai thác các giải pháp chiến lược, nhằm xây dựng một thương hiệu văn hóa mạnh mẽ cho TP.HCM, đồng thời đưa âm nhạc Việt Nam tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Nguyễn Hường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm