Đề xuất tổ chức Lễ hội quốc gia Yên Tử ở cả Bắc Giang và Quảng Ninh

04/12/2016 16:45 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Nhằm làm sáng tỏ thêm những giá trị của di sản vùng Tây Yên Tử, mối liên hệ giữa hệ thống di tích, danh thắng Tây Yên Tử ở Bắc Giang với khu di tích danh thắng Yên Tử, từ đó có những chương trình, liên kết, phối hợp để phát huy giá trị của di sản này, ngày 4/12 tại thành phố Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Lễ hội Tây Yên Tử”. 

Dự hội thảo có đông đảo Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. 

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề như mô hình, thời gian, địa điểm tổ chức, cách thức quản lý, cách thức tổ chức phần lễ, các hoạt động phần hội trong lễ hội Tây Yên Tử. Các đại biểu đều thống nhất về giá trị di sản văn hóa ở không gian Tây Yên Tử gắn chặt với Phật giáo Trúc Lâm, do đó Tây Yên Tử xứng đáng có giải pháp, chủ trương làm sống dậy di sản qua việc tổ chức lễ hội. 


Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Nhiều ý kiến cho rằng nên thống nhất tổ chức một lễ hội Yên Tử mang tầm quốc gia bao gồm cả hai phần Tây Yên tử ở Bắc Giang và Đông Yên Tử ở Quảng Ninh. Theo ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật học, Ban Tôn giáo Chính phủ, Lễ hội Tây Yên Tử nếu được tổ chức càng làm cho giá trị văn hóa ở Yên Tử được bảo tồn và phát huy, góp phần vào xây dựng và phát huy bản sắc dân tộc. 

Tuy nhiên cả Tây Yên Tử và Đông Yên Tử đều gắn chặt với Phật giáo Trúc Lâm, vì vậy hai lễ hội này có thể nhập lại làm một, như thế lễ hội Yên Tử bao gồm cả Tây Yên Tử và Đông Yên Tử thật sự là lễ hội quốc gia, lễ hội nơi thánh địa Phật giáo của đất nước. 

Đồng quan điểm trên, Giáo sư, tiến sĩ Trầm Lâm Biền cho rằng, lễ hội của Tây Yên Tử và Đông Yên Tử cần đồng nhất để tạo nên một lễ hội lớn, thu hút tín đồ của cả nước. Phần lễ hội cần hội tụ những nghi thức gắn với Phật giáo và tín ngưỡng dân gian để tạo nên sự cân bằng với con đường hành hương ở phía Đông Yên Tử. 

Về thời gian tổ chức lễ hội, theo Giáo sư, tiến sĩ Trầm Lâm Biền, tổ chức lễ hội vào đầu năm 2017 là phù hợp, không nên đòi hỏi sự đầy đủ, mà chỉ coi lễ hội Tây Yên Tử là tiền đề, để tìm đường đi, chân vết cho các lễ hội về sau. 

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, nên để đến năm 2018 tổ chức lễ hội Tây Yên Tử, vì hiện tại nếu tổ chức lễ hội, Bắc Giang chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa có các sản phẩm du lịch, đường đi lại khó khăn, du khách đến một lần sẽ không để lại ấn tượng. 

Đồng thời, Bắc Giang cần làm rõ giá trị di tích của Tây Yên Tử, giá trị Phật giáo trong lễ hội; nâng tầm, phát huy giá trị các di tích, kết nối với các tour, tuyến du lịch với Quảng Ninh, Hải Dương. 

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đề xuất: “Thời gian đầu, lễ hội Tây Yên Tử nên được tổ chức dưới tâm nguyện của người dân địa phương với tiềm thức hướng về cội nguồn, hướng về các giá trị tâm linh của con đường di sản Phật giáo trong không gian văn hóa nhà Trần -Yên Tử. Phát huy vai trò của cộng đồng nhân dân tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tây Yên Tử. Bên cạnh đó, cần kết nối các tour, tuyến du lịch để thu hút, giữ chân du khách. 

Chùm ảnh: Chiêm ngưỡng mai vàng vùng non thiêng Yên Tử

Chùm ảnh: Chiêm ngưỡng mai vàng vùng non thiêng Yên Tử

Mai vàng Yên Tử là loài hoa thuộc họ mai nhưng điều đặc biệt mai vàng Yên Tử có 5 cánh, màu vàng chanh, cánh hoa hình rẻ quạt, mỏng, viền cánh hoa lượn sóng và xếp thưa, tách rời nhau và có mùi thơm dịu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: Qua hội thảo, tỉnh Bắc Giang sẽ lĩnh hội ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng Đề án Tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu cho khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn đối với du lịch Bắc Giang.

Đồng Thúy - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm