Ca sĩ Tùng Dương: “Bất công” với nhạc sĩ phối khí

15/01/2013 13:01 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Sân chơi Bài hát yêu thích cứ ngỡ là nơi đăng quang của những ca khúc thời trang của thị trường, nhưng kết quả là một bản nhạc xưa mang âm hưởng dân gian đã lên ngôi - Chiếc khăn piêu (nhạc Doãn Nho, Tùng Dương thể hiện). Nhiều người đặt các câu hỏi: Một bài hát quá “cũ” có xứng đáng là bài hát của năm? Điều làm nên thành công của nó là gì?...


Ca sĩ Tùng Dương cho biết, trên thế giới có rất nhiều trường hợp cover các bản nhạc “cũ” thành công vang dội như: năm 1992 Whitney Houston cover bài I Will Always Love You được viết từ 1973; năm 1993 Mariah Carrey cover bài Without You sáng tác năm 1976. Celine Dion cover khá nhiều bài và trở thành bất hủ như: Power Of Love, Immortality…

Từ phần phối Thanh Phương đến Nguyên Lê

* Từ ý nghĩ hay duyên cớ nào mà anh chọn ca khúc Chiếc khăn piêu để biểu diễn, một ca khúc thuộc dạng “đồ cổ” gắn liền với những tên tuổi như NSƯT Kiều Hưng, Trọng Tấn?

- Trong live show Những chuyến đi (2011), tôi chọn hát vài bài mang chất liệu dân gian vùng miền phía Bắc nên đã chọn Chiếc khăn piêu, lúc đó tôi hát với bản phối acoustic của nhạc sĩ Thanh Phương. Khi trình diễn khá thành công, khán giả đứng dậy để cổ vũ.

* Anh đã cảm Chiếc khăn piêu “nguyên bản” như thế nào? Và tại sao có ý định làm mới nó?

- Tôi đã có dịp đến bản Khơ Mú, nơi có làn điệu dân ca mà nhạc sĩ Doãn Nho đã dùng để sáng tác nên ca khúc Chiếc khăn piêu. Cảnh đẹp hoang dã, hùng vĩ, nơi mà khi mùa Xuân về, chiếc khăn piêu như một kỷ vật trao tặng cho người mình yêu. Đứng trên núi gọi nhau và trao tặng khăn, với ước mong một mùa Xuân hạnh phúc, giữa đồi núi thênh thang rất đáng yêu, lãng mạn. Từ những cảm xúc đó mà tôi thể hiện Chiếc khăn piêu, theo cách của một người ở thế hệ hôm nay, trong bối cảnh âm nhạc ngày nay.

* Tại sao bản phối acoustic của Thanh Phương khá thành công, nhưng cuối cùng anh lại thăng hoa và tỏa sáng với bản phối của Nguyên Lê?

 - Thật sự khi nghe Hương Thanh trình diễn Chiếc khăn piêu do Nguyên Lê phối theo kiểu world music, rất lạ tai nhưng vẫn giữ được tinh thần của bài hát, nó đã gây cho tôi một ấn tượng khác. Tôi đã nhờ anh Nguyên Lê phối theo tinh thần thể hiện của mình. Cả bản phối cho Hương Thanh và cho Tùng Dương đều của Nguyên Lê, nhưng mỗi bản mang một sắc thái khác nhau, phù hợp với từng ca sĩ.

Tỏa sáng từ đêm trao giải Cống hiến

* Lần đầu tiên anh trình diễn với bản phối của Nguyên Lê là ở đâu?

- Đó là trong lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến 2011 tại TP.HCM, chương trình được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc nên sức lan tỏa của nó cũng rất lớn. Sau đó, chính phần trình diễn này đã xuất hiện trên YouTube và được rất nhiều người nghe. Về sau, do nhiều người yêu cầu, tôi còn biểu diễn trong vài chương trình như: Góp đá xây Trường Sa (tại Paris), live show Tùng Dương hát tình ca (tại TP.HCM)…  Chiếc khăn piêu (bản phối của Nguyên Lê, do ban nhạc Anh Em thể hiện) đã đăng quang trong chương trình Bài hát yêu thích tháng 11 và sau đó là Bài hát của năm.

* Theo anh vai trò của người phối khí đóng góp bao nhiêu phần trăm cho sự thành công của Chiếc khăn piêu?

- Thật khó để nói là bao nhiêu phần trăm, nhưng nó là một trong những yếu tố rất quan trọng, nhất là đối việc “cover” một bản nhạc đã nổi tiếng trước đó. Nói như nhạc sĩ Doãn Nho thì đó là sự thành công của của hệ thống “kiềng 3 chân” - nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí và ca sĩ thể hiện - đã tạo một thẩm mỹ mới cho ca khúc.

* Như vậy, giải thưởng 1,3 tỷ đồng mà không “chia” cho nhạc sĩ phối khí có là điều bất công?

- Trước hết tôi rất cám ơn nhạc sĩ Nguyên Lê đã tạo một không gian âm nhạc mới rất hấp dẫn và đồng điệu với những cảm nhận, thể hiện mới của tôi. Cũng hơi bất công với nhạc sĩ phối khí, vì họ là người sáng tạo không gian âm nhạc để tạo nên một giá trị thẩm mỹ mới, nhưng giải thưởng là do cơ cấu của BTC. Riêng tôi, tôi ghi nhận sự đóng góp lớn lao của người phối khí và tôi sẽ có một món quà rất có ý nghĩa đối với anh Nguyên Lê.

* Chiếc khăn piêu với phiên bản mới mà Tùng Dương với tư cách là “chủ thể thẩm mỹ”, anh có thể nêu một điểm khác biệt trong thể hiện cảm xúc so với những ca sĩ đã thành công với ca khúc này?

- Cảm xúc chung là trẻ, không khí âm nhạc hiện đại phù hợp với cảm nhận của nhiều người nghe hiện nay. Đoạn cuối của ca khúc có lẽ là sự khác biệt dễ nhận biết nhất “Tiếng tôi vang rừng núi/ Nhưng không ai trả lời”, Với NSƯT Kiều Hưng hoặc anh Trọng Tấn thì miên man, dí dỏm. Nhưng với Tùng Dương thì thênh thang, rộng lớn, một chút luyến tiếc, nhớ nhung…

* Theo anh, sự thành công của Chiếc khăn piêu có mở ra một hướng cho việc khai thác nhiều ca khúc có giá trị nhưng với một thẩm mỹ âm nhạc mới phù hợp với người nghe hiện nay?

- Sự thành công của Chiếc khăn piêu có thể chưa đủ thuyết phục để có thể đưa ra một cái “hướng”. Nhưng nhìn ra thế giới, các nghệ sĩ jazz đương đại với 3/4 tác phẩm “cover” rất thành công cũng là điều để chúng ta cùng suy ngẫm. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo để những ca khúc được xem là vốn quý của âm nhạc Việt Nam không nằm trong “bảo tàng” mà sẽ đồng hành cùng thế hệ hôm nay với tâm thế mới, cảm xúc mới phù hợp với thẩm mỹ đương đại của công chúng. Đó cũng là cách phát huy những giá trị cũ một cách thiết thực nhất.

Bình Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm