Những ngày lịch sử tháng 12

21/12/2010 10:38 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tháng Mười Hai, đất trời vừa qua mùa dông bão, tiết Đông đã lập. Đứng trên cầu Long Biên nhìn bát ngát sông Hồng, chợt thấy Hà Nội kiêu hùng và tươi sắc. Bất giác nhớ những câu thơ hào sảng của Chế Lan Viên gần 50 năm trước: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?/... Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng/ Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả”. Non sông nay liền một dải, cả nước đồng lòng bảo vệ và dựng xây đất nước.  

14/12, ngày tiễn đưa mẹ Thứ, mẹ của 9 người con chiến sĩ trận vong vì Tổ quốc. Nước mắt đau thương của những bà mẹ Việt Nam trải dọc đường trên dải đất hình chữ S này được gom lại hiện thân qua một huyền thoại mà cuộc đời gọi tên: Mẹ Thứ.  

Thắp hương tiễn biệt mẹ Thứ. (Nguồn: Internet) 
 
Ngày 19/12, ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Biết bao chiến sĩ vệ quốc đã ở lại chiến đấu kìm chân giặc Pháp giữa lòng Hà Nội, đã anh dũng hy sinh. Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong trận chiến “60 ngày đêm khói lửa”, đã làm nên dấu mốc oanh liệt của mảnh đất “Thăng Long phí chiến địa”.  

Ngày 20/12, kỷ niệm tròn 50 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bước ngoặt của Cách mạng miền Nam. Ngày 22/12 tới, chúng ta kỷ niệm 66 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và những ngày này, 38 năm trước, năm 1972, quân Mỹ bắt đầu chiến dịch ném bom rải thảm cực kỳ tàn bạo vào miền Bắc, với âm mưu biến miền Bắc và Hà Nội về thời kỳ đồ đá. Máu rơi, nhà đổ, phố tan hoang, bệnh viện, trường học bị phá nát. Những tang thương phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai mãi mãi khắc sâu trong ký ức. Quân dân ta đã kiên cường, mưu trí làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt. Khiến kẻ thù thất bại toàn diện, buộc chúng phải ký vào Hiệp định Paris rút quân khỏi miền Nam.  

Vì thế, “những ngày tôi sống đây” là những ngày chiến thắng, nhưng cũng là ngày nỗi đau in hằn quá khứ. Ngày Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết vì Hà Nội, 20/12/1873. Và ngày hôm qua, 20/12/2010, tìm mỏi mắt trên các trang báo không thấy ý kiến, một dòng tư liệu, một sự kiện về con người tận trung báo quốc ấy. Lịch sử không bao giờ là quá xa cả. Phố phường còn hào nhoáng dư âm của những ngày Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, trước ngày vị danh tướng tuẫn tiết vì thành Hà Nội không xa. Tôi nhớ nhà sử học Dương Trung Quốc viết về một “Thăng Long phi chiến địa” có đoạn: “Rồi những trận đánh dữ dội với sức mạnh của hỏa khí Tây phương, nay còn lưu dấu trên mặt thành Cửa Bắc khiến Hà Nội hai lần thất thủ và hai vị tổng đốc đều hy sinh lẫm liệt cách nhau không đầy một thập kỷ... Và một trận chiến dữ dội kéo dài tới 60 ngày đêm giành giật từng con đường góc phố thủ đô giữa những kẻ chiếm đóng không chịu buông bỏ thuộc địa với những con người mới trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập mang tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.  

Hôm nay, thấy lòng dưng dưng lạ, dù đã đến bệ thờ đền Trung Liệt thắp nén nhang bái tạ. 

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm