Tưởng tượng và Dấu vết: Bạn là ai?

05/12/2014 14:37 GMT+7 | Đọc - Xem

“Từ hôm nay anh sẽ là quái thú nhưng anh sống một cuộc đời thực”

Vừa qua, nhà văn Uông Triều ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay Tưởng tượng & dấu vết. Để hiểu hơn về tác phẩm cũng như tác giả, tác giả đã có những chia sẻ với nhà báo.

* Xin chào tác giả Uông Triều. Mới đây, anh vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết hơn 200 trang với tựa đề Tưởng tượng và dấu vết. Cuốn sách được đánh giá có hướng đi hoàn toàn khác với những tác phẩm khác của anh. Vậy điều gì khiến anh có cái nhìn khác trong tác phẩm này?

- Trước kia tôi chuyên trị viết về lịch sử và cũng đã đạt được một số dấu ấn. Tôi nghĩ ở một thể loại như thế cũng là tương đối đủ với một người viết và muốn chuyển sang một kiểu khác. Tôi cũng không muốn gây cảm giác là mình chỉ viết được một thứ.

Tôi cảm thấy tự mình cần phải đổi mới. Nếu cứ đi theo một cái cũ thì gần như không có cảm hứng và động lực để viết nữa. Chính vì thế tôi đã thay đổi.

* Nhân vật dị biệt "tôi" trong tác phẩm với những đấu tranh, giằng xé trong nội tâm từ những mảnh vụn kí ức, những giấc mơ hoang đường giữa ban ngày… là hành trình của nhân vật tôi đi tìm mình, đối diện với hiện thực cuộc sống… Vậy anh có thể chia sẻ cảm hứng từ đâu để anh xây dựng nên nhân vật như thế?

- Thực ra nhân vật “tôi” trong tác phẩm dựa trên những nguyên mẫu có thật. Đó là một người bạn văn của tôi, anh bị liệt nửa người, viết văn là niềm vui duy nhất của bản thân, một người nữa là một người anh của tôi, anh nằm liệt giường nhiều năm trước khi mất, cả hai người đều rất trẻ.


Nhà văn Uông Triều

Khi nhìn hai người đó với những đau đớn, tôi đã rất ám ảnh. Không gian khu xung quanh các anh u sầu, buồn tối khiến cho người ta có cảm giác sợ hãi.

Tôi viết cuốn tiểu thuyết này đã cách đây 5 năm, một nguyên mẫu giờ đã mất rồi. Khi xây dựng nhân vật, tôi muốn khai thác con người ở những góc nhìn khác thường, dị biệt. Bản thân tôi khi đó đầu óc hình như cũng có vấn đề. Bây giờ thì chính tôi không thể viết được như thế nữa. Tôi không còn “điên” được như trước.

* Thế giới trong Tưởng tượng & dấu vết là thế giới của thực và ảo đan xen. Nhân vật chính trong vai người kể chuyện, xưng "tôi" có hoàn cảnh đầy bi kịch. Những tình tiết trong truyện cũng rất kì ảo như tình tiết cây cổ thụ làm tình với bà mẹ, hay những dãy số khiến người đọc tò mò muốn tìm hiểu nhưng cuối cùng cũng không là một cái gì đó cụ thể. Tại sao mọi tình huống trong truyện, tác giả không đưa ra câu trả lời cho những bí mật mà lại để nhân vật “tôi” cũng như độc giả tự đi tìm?

- Nếu như Tưởng tượng & dấu vết được giữ nguyên cái tên ban đầu thì độc giả có thể dễ dàng nhận ra được ý định của nhà văn như thế nào, nhưng có những vấn đề khiến tác giả phải đổi tên tác phẩm nên người đọc sẽ có cảm giác khác đi.

Cuốn sách này đã phải đổi tên đến 7 lần và đi qua gần 10 nhà xuất bản đấy. Đi tìm những cảm giác của mình cũng có cái thú riêng, tôi muốn dành cho độc giả một đặc quyền là tự khám phá và suy ngẫm. Có thể đó là sự khác biệt của cuốn sách.

* Cái kết của Tưởng tưởng & dấu vết là: “Từ hôm nay anh sẽ là quái thú nhưng anh sống một cuộc đời thực”. Liệu anh có thể nói rõ hơn về quan điểm này?

- Trong tác phẩm, các nhân vật phải trải qua các cung bậc của cuộc sống, họ phải đóng rất nhiều vai và sử dụng nhiều mặt nạ để tồn tại được trong cuộc đời của họ.

Ý nghĩa chủ đạo của tác phẩm là dù bạn là quỷ dữ hay thiên thần thì bạn hãy cứ sống bằng con người thực. Để hiểu ra được điều đó, chàng trai - nhân vật chính đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn để nghiền ngẫm, bởi anh ta có quá nhiều thời gian, đọc quá nhiều sách, đầu óc anh ta luôn suy nghĩ, luôn bị ám ảnh. Anh ta nhìn thấy những việc mà người khác không nhìn thấy được. Ví dụ chỉ nhìn thấy bố anh ta có một dáng vẻ mệt mỏi khoan khoái trở về là anh ta biết ngay ông đang ngoại tình. Ý nghĩa của cuốn sách là: bạn là ai?

* Cuốn sách của anh rõ ràng là một thách thức với nhiều người, liệu anh có gợi ý gì với người đọc?

- Người đọc có thể hình dung đơn giản thế này, nhân vật chính của cuốn sách là một tay điên điên, tác giả khi viết nó cũng có tâm trạng bất bình thường, nếu đặt được vào tâm thế như vậy thì sẽ hiểu một người khùng viết về một người điên sẽ thế nào.

Trong cuốn sách có rất nhiều hình ảnh dị biệt, khác thường nhòe mờ với nhau, nhiều cái hư cái thực không phân biệt được. Đừng cố gắng tìm hiểu cái nào là hư hay thực.


* Điều gì ảnh hưởng nhiều nhất tới cảm xúc của anh khi viết cuốn Tưởng tượng & dấu vết?

- Đó chính là cảm giác sợ hãi và sự rét buốt.

Sợ hãi là khi nhìn thấy nhân vật nguyên mẫu mình có cái gì đó khác thường và không dám đến gần. Khi viết có lúc tôi không dám viết vào buổi tối vì có một cảm giác rất khiếp hãi. Cảm giác sợ hãi dường như không thể diễn tả nổi.

Tưởng tượng & dấu vết được viết cách đây 5 năm, vào một mùa đông rét mướt. Cảm giác con người trong sự rét buốt khiến cho người ta co ro, cô đơn tột cùng. Càng viết tôi càng thấy sợ nhân vật của mình.

* Tưởng tượng & dấu vết được viết theo dòng kí ức và khuynh hướng hậu hiện đại. Anh có cảm thấy mình bị thử thách và tại sao anh lại chọn hướng đi này thưa anh?

- Nhiều người viết sách thì đầu tiên nghĩ đến việc bán sách, tôi thì không nghĩ đến chuyện đấy nhiều lắm. Tuy biết viết theo cách “rồ dại” như thế này sẽ rất kén người đọc nhưng tôi vẫn viết. Tôi viết như thế vì tôi thích viết theo kiểu đó, tôi gần như không nghĩ tới bất cứ lí thuyết văn học nào và cũng chưa bao giờ được đào tạo để viết văn.

* Độc giả thực sự của anh là ai?

- Là những người không chấp nhận sự dễ dãi, họ chấp nhận thách thức.

* Trong tác phẩm lần này người ta nhìn thấy một Uông Triều hoàn toàn khác. Khác xa với những truyện lịch sử anh đã từng viết. Anh có thể cho độc giả hiểu rõ hơn về cách viết của anh trong tác phẩm này được không?

- Tôi chỉ có một tâm thức muốn tạo ra một món mới. Chưa biết là nó có ngon hay không nhưng người đọc có thể sẽ cảm thấy sự khác lạ.

Bên cạnh đó, khi trí tưởng tưởng của tôi bay bổng đến đâu thì tôi cứ thả cho nó hết cỡ, không dừng lại. Ví dụ người làm tình với cây thì chưa hề có, nhân vật trong tranh nhảy xổ ra đánh người... Ý thức xuyên xuốt là phải tạo ra cái mới.

* Tác phẩm của anh khác biệt thế nào so với các tác phẩm Văn học Việt Nam hiện đại?


- Khi viết Tưởng tượng và dấu vết tôi không hề có dàn bài, thậm chí không biết mình sẽ viết gì. Khi đặt bút thì mới biết câu chuyện đi đến đâu. Có nghĩa là ngay tác giả cũng không biết trang tiếp theo sẽ thế nào tôi có nhiều cảm mình đi tìm mình.

Cách viết viết này gần như là ngẫu hứng và tôi đảm bảo không ai đoán được kết cục cuốn tiểu thuyết trừ khi theo họ đọc hết và tôi tự hào về điều ấy.

* Có thể người ta sẽ khen hoặc chê cuốn tiểu thuyết của anh một cách kịch liệt?

- Tưởng tượng và dấu vết là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, khen hay chê cũng là bình thường. Có thể ở thời điểm này có thể tôi sẽ viết hay hơn nhưng tôi tôn trọng những cảm giác “điên” và phiêu bồng lúc trước.

Con người ta muốn đi một chặng dài thì phải đi có những bước đầu tiên, có thể sẽ thành công hay thất bại nhưng đó là những bước cần thiết để trưởng thành. Tôi tôn trọng những cảm xúc đầu đời, giống như tình yêu đầu đời vụng dại, ai cũng phải trải qua. Bi kịch ở chỗ là khi người ta đã trưởng thành rồi người ta lại muốn ngây thơ. Khi muốn viết “ngây thơ” nhưng lại không được vì mình đã “khôn” quá.

* Được biết trước đây anh từng làm thầy giáo và chuyển tay ngang sang viết văn. Anh có thể chia sẻ về quyết định mang tính bước ngoặt này của mình không thưa anh?

- Tôi thích viết văn từ bé nhưng do một số lí do mà không thực hiện được ước mơ đó. Khi tôi dạy học, tôi có thời gian rảnh hơn và tiếp xúc gần gũi với chữ nghĩa nhiều hơn. Ban đầu tôi viết báo về văn hóa, lịch sử. Tiến đến là chuyển sang viết văn, làm nghề này, tôi cũng phải hi sinh một số thứ. Nhưng được sống với đam mê của mình thì tôi không có gì hối tiếc cả.

* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Nhà văn Uông Triều- phụ trách Văn học nước ngoài tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội​. Uông Triều tên thật là Nguyễn Xuân Ban, người con sinh ra và lớn lên trên đất mỏ Quảng Ninh. Từ vai trò là một người thầy đứng trên bục giảng, anh chuyển tay ngang trở thành một nhà văn tiêu biểu của thế hệ 7x với giọng văn khá phức tạp, kĩ thuật, luôn tìm tòi đổi mới với những tác phẩm đáng chú ý như: Đôi mắt Đông Hoàng (tập truyện ngắn); Những pho tượng đá ở Yên Tử (Khảo cứu văn hóa); Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân (tập truyện ngắn)...

Ngày 7/11/2014 vừa qua, anh vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết dài hơn 200 trang với tựa đề “Tưởng tượng và dấu vết”. Có thể nói, thuộc thế hệ nhà văn trẻ, thế nhưng đọc và khảo cứu những tác phẩm của anh viết trước đó, ta có thể thấy rằng, anh là một nhà văn hướng cái nhìn và ưa thích “tông” hoài cổ, với sự yêu thích và thể hiện một cách sâu sắc những khía cạnh văn hóa truyền thống, lịch sử và đời sống xưa.



Theo Thùy Vân
Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm