06/07/2015 16:36 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Người viết có may mắn được một lần nghe cố Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện âm nhạc. Khả năng diễn thuyết của ông thì ai cũng biết tuyệt vời rồi. Chỉ nhớ cuối buổi ông trích dẫn một câu ngạn ngữ châu Phi: "Một người già làng mất đi như một thư viện đã cháy", để nói trách nhiệm của thanh niên phải có bổn phận giữ gìn bản sắc âm nhạc dân tộc.
Dạo này nhiều “già làng” trong làng âm nhạc khuất núi quá! Không biết có làm phản tỉnh một bộ phận nghệ sỹ, nhạc sỹ trẻ mới “ti toe” dăm tác phẩm và tí tên tuổi đã oai hay không, nhưng rõ ràng, một sự thương nhớ “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá”, “Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua/ Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa ( Phan Huỳnh Điểu), “Đã có lần em giận hờn tôi/ Đêm ra đồng em đổ ánh trăng vàng đi” (An Thuyên)…, một sự trống trải, hao khuyết khôn nguôi với những người làm nghệ thuật chân chính, nghe nhạc chân chính.
Họ thực sự là những thư viện sống của âm nhạc Việt Nam!
Những người vừa khuất bóng và giới văn nghệ sỹ liệu có liên quan gì bóng đá không? Chưa thấy ai phỏng vấn với các cụ vừa khuất nhưng rõ ràng nhiều văn nghệ sỹ ở ta rất yêu thể thao, bóng đá nói riêng. Họ muốn bóng đá Việt Nam phải có CLB “già làng” trăm tuổi, “thư viện” hay biên niên sự của bóng đá Việt Nam phải có nhiều trang nói về các chiếc cúp vô địch SEA Games, AFF Cúp, giải châu lục, và cả thế giới.
Nhưng ngày đó biết đến bao giờ. Hôm qua trái bóng lượt về giải chuyên nghiệp 2015 lại lăn, trong bối cảnh thất bại SEA Games vẫn chưa được mổ xẻ thấu đáo. Nên nhớ vì SEA Games, giải đã phải tạm ngưng hai lần mất đến 4 tháng, tốn biết bao nhiêu tiền bạc của các CLB. Chất lượng chuyên môn cũng hệ lụy bởi HLV "tài thánh" sang Việt Nam cũng khó căn chỉnh phong độ học trò với lịch thi đấu phập phù như thế.
Nghệ sỹ Chí Trung cũng đang được bầu Hiển mời làm “đại sứ” kết nối khán giả Thủ đô với HN T&T, nhưng vẫn chưa thể. Bầu Hiển đã nhiều lần nhắc nhở bộ phận truyền thông, hãy tư duy thêm để chạm được trái tim khán giả Thủ đô. Hôm qua, bầu Hiển ngồi xem Hà Nội T&T và SHB.ĐN thi đấu trên sân Hàng Đẫy, các khán đài vẫn còn trống trải. Bầu Đức hôm qua cũng không có mặt ở sân Pleiku, nhưng việc HAGL đá thế này, giấc mơ ông Đức phải chứng kiến cảnh vỡ sân như đầu giải sẽ mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó khán giả xứ Nghệ lại tạo nên sự khác biệt lớn trên sân Thủ Dầu Một, và cả với các sân còn lại. Với bóng đá, tính bản sắc, tính truyền có giá trị cốt lõi, như một cái neo để neo giữ sự phát triển của đội bóng cùng tình yêu người hâm mộ trước các biến cố, thử thách khó lường như chính vòng quay của trái bóng.
Chúng ta, trên bình diện quốc gia, vẫn chưa tạo ra một bản sắc, truyền thống, để nhắc đến các ĐTVN là các nước trong khu vực, chưa nói to tát, biết đến ngay những phẩm chất đặc biệt của bóng đá Việt Nam là gì.
Cuộc sống không thể mãi hoài cổ về dĩ vãng, rằng ngày xưa bóng đá bao cấp cũng tuyệt vời. Khán giả đầy các sân, cả 3 miền đầy rẫy các tên tuổi lẫy lừng. Tuy nhiên, nếu đã 15 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, mà nền bóng đá vẫn chệch choạc, đặc biệt dưới góc độ khán giả suy giảm cả tình yêu lẫn số lượng, là rất đáng chiêm nghiệm quá khứ. Khi lãnh đạo các địa phương chưa biết xây dựng đội bóng dựa trên tính truyền thống, bỏ bê hẳn cho nhà tài trợ khiến đội bóng thay đổi phiên hiệu xoành xoạch, tệ hơn là "khai tử", thì không thể trách khán giả họ thiếu thủy chung với đội nhà.
Bất luận lý giải kiểu gì về phát triển bóng đá chuyên nghiệp, về cơ chế thị trường, để hàng chục đội bóng “già làng” như: Thể Công, CAHN, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM…bị phá bỏ phiên hiệu, giờ các đội bóng vẫn không chăm chút xây dựng bản sắc, không kéo khán giả đến sân một cách chân chính, rõ ràng là không biết trân quý quá khứ.
Chúng ta chưa có đội bóng 100 tuổi, trong lúc cứ phá đi nhiều tên tuổi lẫy lừng bao thế hệ gây dựng, sự trả giá là tất yếu.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất