Tuyên phạt 30 năm tù đối với Nguyễn Đức Kiên

09/06/2014 14:45 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Sáng 9/6, sau 20 ngày xét xử, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm (bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép).

Tòa tuyên án phạt Nguyễn Đức Kiên, sinh năm 1964, trú ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, tổng cộng 30 năm tù về cả 4 tội danh nêu trên. Ngoài án phạt tù, bị cáo Kiên còn bị tuyên nộp phạt hơn 75 tỷ đồng.

Hai bị cáo Trần Ngọc Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội bị phạt 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hải Yến - Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội bị phạt 5 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Ở nhóm bị cáo bị kết tội về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” hai bị cáo đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB gồm Lê Vũ Kỳ bị phạt 5 năm tù và Trịnh Kim Quang bị phạt 4 năm tù; Lý Xuân Hải - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB lĩnh 8 năm tù, Phạm Trung Cang - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB lĩnh 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn - nguyên thành viên thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng ACB lĩnh 2 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đứng trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trong số các bị cáo, riêng ông Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB được tạm đình chỉ vụ án do đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Hội đồng xét xử nhận định, Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty đã kinh doanh không đúng đăng ký hơn 21.400 tỷ đồng. Các công ty này không có giấy chứng nhận kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, thực tế không có hoạt động kinh doanh gì khác ngoài lĩnh vực này. Điều đó cho thấy mục đích lập các công ty trên của Kiên chủ yếu là để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu. Hành vi kinh doanh của bị cáo Kiên núp dưới hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội kinh doanh trái phép.

Về hoạt động kinh doanh vàng, Hội đồng xét xử cho rằng Công ty Thiên Nam không đăng ký kinh doanh "mặt hàng" này. Ngoài kinh doanh giá vàng qua tài khoản nước ngoài, Thiên Nam còn kinh doanh vàng trong nước với ngân hàng ACB. Theo quy định, kinh doanh vàng nói chung đều phải đăng ký.

Theo biên bản thỏa thuận của Hội đồng quản trị, Công ty Thiên Nam đã ủy quyền cho Kiên đặt lệnh trên hệ thống ghi âm của ngân hàng ACB. Điều đó cho thấy việc thực hiện ký các lệnh của giám đốc Thiên Nam Lê Quang Trung chỉ là hình thức, Kiên mới là người quyết định. Vì vậy, việc bị cáo Kiên cho rằng ông Trung phải chịu trách nhiệm là không có căn cứ.

Về hành vi trốn thuế, theo Hội đồng xét xử, trong năm 2009-2010, B&B kinh doanh có lãi, trong đó có cả kinh doanh vàng trạng thái có lãi nhưng không kê khai. Kết luận của Bộ Tài chính cho thấy thuế thu nhập phát sinh mà B&B phải nộp là hơn 25 tỷ đồng. Số tiền trốn thuế này, đến nay Kiên vẫn chưa khắc phục, cần phạt gấp 3 lần số thuế đã trốn là hơn 75 tỷ đồng, sung công quỹ nhà nước.

Nguyễn Đức Kiên khai không có ý thức lừa đảo chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng bán cổ phiếu trên cho phía Hòa Phát. Thực tế khi nhận 264 tỷ đồng của Công ty Hòa Phát, Kiên đã không có bất cứ hành vi nào về việc đề nghị giải chấp số cổ phần này. Điều đó cho thấy ý thức chiếm đoạt của bị cáo Kiên.

Về hành vi cố ý làm trái, Hội đồng xét xử xác định việc Hội đồng quản trị ACB ra nghị quyết đồng ý ủy thác cho nhân viên gửi tiền là "hoàn toàn sai." Dù Vietinbank hay Huyền Như phải chịu trách nhiệm số tiền trên thì ACB vẫn chưa thu hồi được. Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến hậu quả mất 718 tỷ đồng nên các bị cáo Kiên, Quang, Kỳ, Hải, Cang, Tuấn... có đủ dấu hiệu phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Về trách nhiệm dân sự, 718 tỷ đồng đã được giải quyết trong vụ án Huyền Như nên không giải quyết trong vụ án này.

Theo Hội đồng xét xử, vụ án này Huỳnh Thị Bảo Ngọc (cán bộ ACB) là người trực tiếp liên hệ với Huyền Như về việc gửi tiền, thỏa thuận lãi suất vượt trần, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt. Việc Huyền Như chiếm đoạt trót lọt có sự giúp sức của Bảo Ngọc nên cần khởi tố Bảo Ngọc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hội đồng xét xử xác định bị cáo Kiên giữ vai trò quan trọng, chủ mưu, không khai báo thành khẩn.

Bị cáo Lý Xuân Hải có vai trò sau bị cáo Kiên nhưng cao hơn những đồng phạm khác. Bị cáo Hải bị xác định là người điều hành ủy thác cho nhân viên gửi tiền, tham gia chủ trương mua cổ phiếu... Theo tòa, hai bị cáo này cần áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt; tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo Kiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các bị cáo còn lại được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Tòa kiến nghị qua vụ án, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các văn bản, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn kịp thời chủ trương cho các ngân hàng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã tuyên bố khởi tố vụ án "kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank" và khởi tố vụ án "Huỳnh Thị Bảo Ngọc đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Huỳnh Thị Huyền Như".

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm