20/04/2018 18:11 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 20/4, Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Duy Phong - nguyên Trưởng ban Bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Đây là vụ án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thẩm phán Đỗ Thu Hương làm Chủ tọa phiên tòa.
Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái đã triệu tập các đương sự có liên quan. Ông Vũ Xuân Sáng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, được xác định là một trong những bị hại của vụ án có đơn gửi Hội đồng xét xử xin vắng mặt và ủy quyền cho Luật sư Nguyễn Đức Toàn là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Một bị hại khác là ông Hoàng Trung Thực, sinh năm 1959, trú tại tổ 32, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) có mặt tại phiên tòa. Tòa đã triệu tập 6 nhân chứng, trong đó 3 nhân chứng có mặt tại phiên tòa là Lê Hữu Chí - phóng viên tập sự của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đỗ Viết Công - công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái và ông Trần Phương Đông trú tại tổ 43 phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. 3 nhân chứng còn lại có đơn xin vắng mặt. Trong phiên tòa còn có mặt bà Nguyễn Quỳnh Nga, đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là vợ của bị cáo Lê Duy Phong.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái, lợi dụng một số báo đăng tin, bài, gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới uy tín, công việc của một số đồng chí lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Yên Bái, ngày 16/6/2017 tại phòng làm việc của ông Vũ Xuân Sáng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, Lê Duy Phong với danh nghĩa là Trưởng ban Bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chủ động hẹn gặp, đồng thời lợi dụng quyền hạn của nhà báo để đe dọa, uy hiếp về tinh thần, sau đó chiếm đoạt của ông Vũ Xuân Sáng 200 triệu đồng. Ngay sau khi bị Lê Duy Phong đe dọa, chiếm đoạt 200 triệu đồng, ông Vũ Xuân Sáng đã đến gặp Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái báo cáo nội dung sự việc và tố giác hành vi của Lê Duy Phong với Công an thành phố Yên Bái.
Tình tiết mới xuất hiện trong cáo trạng so với những thông tin trước đó là ban đầu Lê Duy Phong khai đã chia 200 triệu đồng cho 26 phóng viên, nhà báo ở các cơ quan báo chí khác nhau, cùng với chi phí ăn uống, gặp mặt, còn lại 70 triệu đồng Phong gửi vào tài khoản riêng của mình tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Thăng Long. Tuy nhiên quá trình điều tra về sau, Lê Duy Phong đã thay đổi nội dung khai báo và khai nhận đã tiêu hết số tiền 200 triệu đồng chiếm đoạt được của ông Vũ Xuân Sáng mà không chia cho bất cứ phóng viên, nhà báo nào.
Trong thời gian tiến hành xác minh đơn tố giác của ông Vũ Xuân Sáng, ngày 22/6/2017, tại nhà hàng ăn uống Oanh Hiện ở tổ 66 phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, Công an thành phố Yên Bái đã bắt quả tang Lê Duy Phong đang tiếp tục lợi dụng chức vụ, quyền hạn của nhà báo để đe dọa và chiếm đoạt của ông Hoàng Trung Thực là người góp vốn kinh doanh tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải Hợp Thành Phát có trụ sở tại thành phố Yên Bái số tiền 50 triệu đồng.
Hành vi của Lê Duy Phong đã bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối chiếu với điểm a, khoản 3, điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, Lê Duy Phong - nguyên Trưởng ban Bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải đối mặt với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, trong giai đoạn truy tố, bị cáo Lê Duy Phong đã có tác động để gia đình bị cáo bồi thường số tiền 200 triệu đồng đã chiếm đoạt trước đó của ông Vũ Xuân Sáng. Đây được coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Lê Duy Phong theo quy định tại khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự. Còn tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 điều 52 Bộ luật Hình sự là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” và “phạm tội 2 lần trở lên."
Đối với 3 nhân chứng có mối quan hệ với bị cáo Lê Duy Phong là Lê Hữu Chí - phóng viên tập sự của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đỗ Viết Công - công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái và Trần Thị Nhàn - người đi cùng bị cáo Lê Duy Phong, kết quả điều tra đã xác định 3 người này không phải là đồng phạm trong vụ án nên cơ quan tố tụng không đề cập đến việc xử lý.
Trong phiên xét hỏi, bị cáo Lê Duy Phong đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái. Bị cáo Phong đã nhận thức sâu sắc hành vi của mình là vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vi phạm pháp luật; thừa nhận toàn bộ quá trình làm việc của cơ quan điều tra của Công an thành phố và Công an tỉnh Yên Bái là hoàn toàn khách quan.
Luật sư Nguyễn Đức Toàn, người được ông Vũ Xuân Sáng ủy quyền tại tòa và ông Hoàng Trung Thực – là một trong những bị hại khác của vụ án cho rằng tại phiên toà bị cáo Phong đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo buộc của cơ quan tố tụng. Tại phiên tòa, bị cáo Phong cũng rất thành khẩn khai báo. Gia đình Phong cũng đã khắc phục hậu quả cho gia đình ông Sáng nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Các Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Duy Phong cho rằng, sau khi bị bắt, Phong đã tự giác khai báo với cơ quan điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Sáng mặc dù cơ quan điều tra chưa biết chuyện này, đây có thể xem là hành vi tự thú hoặc đầu thú của bị cáo. Do đó, mong muốn Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phong. Luật sư cũng đề cập số tiền có trong tài khoản của Phong cũng như các tài sản bị cơ quan điều tra thu giữ là tài sản hợp pháp và mong muốn Hội đồng xét xử tuyên trả cho gia đình bị cáo.
Xét hỏi những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, theo đó vợ bị cáo Phong cũng mong muốn Hội đồng xét xử tuyên trả cho gia đình những tài sản đang bị thu giữ và mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho chồng mình.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái khẳng định, lời khai của bị hại và của những người làm chứng cùng lời nhận tội của Phong là phù hợp. Việc cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Phong đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, bị cáo Phong có hai tình tiết tăng nặng là "lợi dụng chức vụ cưỡng đoạt tài sản" và "cưỡng đoạt tài sản” nhiều lần. Bị cáo cũng có một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như bố đẻ từng nhận nhiều huân huy chương kháng chiến… Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Lê Duy Phong mức án từ 3-4 năm tù; đề nghị Hội đồng xét xử tuyên trả cho bị cáo một số tài sản mà cơ quan điều tra đang tạm giữ.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Duy Phong 3 năm tù giam, thời hạn tù tính từ ngày 22/6/2017 khi Lê Duy Phong bị bắt tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Hội đồng xét xử cũng tuyên trả toàn bộ tài sản bao gồm ô tô, tiền mặt và một số giấy tờ khác cho bị cáo Lê Duy Phong. Về hai chiếc điện thoại IPHONE 7 và SAMSUNG NOTE 5 có liên quan đến hành vi phạm tội của Phong, Tòa tuyên tịch thu xung công quỹ Nhà nước. Thẻ Nhà báo của Lê Duy Phong do Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định thu hồi, không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.
Đối với ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, người bị hại trong vụ án này Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Tỉnh ủy Yên Bái xem xét kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin, lợi dụng việc một số báo đăng tin, bài gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, công việc của một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái, đồng thời vì mục đích vụ lợi, trong các ngày 16/6 và 22/6/2017, Lê Duy Phong đã chiếm đoạt của ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái 200 triệu đồng và chiếm đoạt 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực, cán bộ Công an tỉnh Yên Bái đã về hưu, đang góp vốn kinh doanh vận tải. Lê Duy Phong bị truy tố với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất