29/06/2022 19:01 GMT+7 | Văn hoá
Từ một đạo diễn ồn ào theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, Đoàn Quang Anh Khanh “biến mất” mà không có lý do gì cụ thể. Hôm nay anh tái xuất, không trong vai trò đạo diễn, mà là tuyển tập thi họa Rỗng, được sáng tác trong 2 năm 2021-2022, khi thế giới trải qua Covid-19.
Anh sáng tác với quan niệm: “Hạnh phúc là thứ đang bày biện/ Hãy cảm nhận và nắm bắt, dù nghịch cảnh, dễ chịu hay khổ đau/ Vẫn là sự thật đang diễn ra rất thật”. Đoàn Quang Anh Khanh đã “tự nhiên” đến với việc viết nhạc, đạo diễn, rồi nay là làm thơ, vẽ tranh… mà không thông qua trường lớp. Anh viết và vẽ rất nhiều, nên Rỗng được cấu thành theo dạng tuyển tập cho gọn gàng, gồm 42 bài thơ và hơn 30 bức tranh, nếu in hết thì sẽ quá dày.
Cho thân tâm chút “rỗng”
Chia sẻ về khái niệm “rỗng”, Đoàn Quang Anh Khanh nói: “Nhân loại ngày càng trở nên chật chội về không gian sống, cũng như tâm trí của con người ngày càng phức tạp một cách tinh vi, nhiều suy nghĩ buồn đau và rối rắm. Cho nên cần lắm không gian trống trong ngôi nhà của chính mình, cần nhìn ngắm bầu trời, sân vườn và cái chính là tâm trí cũng cần vệ sinh, dọn dẹp gọn gàng trong từng nếp nghĩ để tâm bớt tạp niệm, những nghĩ suy vẩn vơ, ảo vọng…”.
Như trong bài thơ Rỗng, trang 99, có đoạn: “Rỗng, không phải ta vắng mặt/ Rỗng, không có nghĩa ta không có ở đó/ Chẳng qua là một trạng thái trống không/ Phúc lạc sẽ kết tủa trong sự rỗng/ Một tiếng rỗng vang vọng giữa trời không”.
Các bức tranh cũng được vẽ với tinh thần này, nên không nệ vào trường phái, mới cũ, mà chỉ là một trạng thái cảm nhận về phần tĩnh, phần lặng, phần rỗng của thân thể và tâm trí. “Tôi cho rằng nếu mình tập sống trong tĩnh lặng, thì chắc chắn sẽ tìm thấy sự yên ổn của tâm hồn, hạnh phúc sẽ lộ diện, không cần phải nỗ lực tìm kiếm, vì nó đã có sẵn sâu tận trong tâm của chúng ta, nó luôn có ở đó” - Đoàn Quang Anh Khanh nói.
Tuy rời bỏ giới giải trí và các thị phi, nhưng Đoàn Quang Anh Khanh cho biết mình không trốn đời, không xóa bỏ, mà vẫn sống, vẫn làm việc. Nhưng với tâm thế khác, không còn muốn bất chấp để đoạt được, để sở hữu, mà chỉ thuận theo các tình huống.
Anh nói: “Bởi vì tâm trí con người mỗi ngày có thể sản sinh tới hàng chục ngàn ý nghĩ, nó luôn làm chật chội não bộ, đầu óc rối xoắn, dễ sinh ra stress. Chỉ riêng việc dọn dẹp ý nghĩ, làm rỗng trống không gian của tâm trí, bớt đi những vọng tưởng, ảo ảnh… thì cũng cần phải tập luyện mới mong thong dong và rỗng được”. “Đôi khi thèm chút nghỉ ngơi/ Tìm về suối biết xanh ngời trong tâm”, trích trong bài thơ Lòng chợt tỉnh giấc, trang 77.
Đoàn Quang Anh Khanh khẳng định: “Rỗng không phải là không làm gì cả, hoặc không phản ứng gì cả trước mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống. Tôi không cổ xúy cho sự vô minh, cố chấp, mà là hướng về cái lẽ tự nhiên, tránh cho tâm trí bớt sinh ra tạp niệm, ý nghĩ rác rưởi của những khổ đau, tránh bớt việc cố đoạt lấy, cố cầm giữ, ra sức chiếm hữu… bớt đi những thứ đó thì an lạc, hạnh phúc mới sinh ra”.
Yêu cả nỗi buồn
Điều thú vị là Đoàn Quang Anh Khanh không cho rằng nhờ tránh tranh xa giới showbiz mà anh cảm nhận được sự rỗng. Anh nói: “Tôi thấy không chỉ showbiz mà bất kể thị trường nào, thế giới nào đi nữa trong cõi ta bà này, cả cuộc đời này, cái được và cái mất luôn là hai mặt của đồng xu. Giả sử nếu bây giờ tôi có ít của cải hoặc tài chính đi nữa, tôi cũng không khổ đau như ngày xưa, lúc chưa tỉnh thức, chưa tìm được sự rỗng của tâm trí thì chắc chắn sẽ bộn bề và khổ sở lắm. Nếu đã dọn dẹp được tâm trí thì nghịch cảnh có tới, mình cũng dễ dàng chấp nhận nó và thành công có tới thì mình cũng coi đó là điều nhẹ nhàng, mọi thứ luôn thuộc về dòng chảy bao la ngoài kia”.
Trong bài thơ Yêu cả nỗi buồn!, trang 44, có đoạn: “Đủ hương vị, đủ buồn đau khổ lụy/ Có chối từ cũng chạy thoát được đâu?/ Nỗi buồn là một phần của toàn thể bể dâu/ Bện vào nhau thành tấm màn thường chiếu/ Biết chấp nhận nghịch cảnh là tất yếu/ Sẽ thấy an nhiên lộ diện chốn hiện tiền”.
Khi được hỏi vẽ tranh và làm thơ có phải là một nỗ lực để được rỗng? Đoàn Quang Anh Khanh trả lời: “Đã hướng tới sự rỗng ở bên trong, nên tôi không cố làm điều gì cả. Vẽ tranh và làm thơ đều là do tôi yêu thi ca, yêu hội họa thì làm thôi. Bây giờ cả xã hội đã yêu 4.0, yêu smart phone, yêu sự kết nối với người khác bằng mọi giá. Còn tôi vẫn yêu con đường một mình, sự lãng đãng chiều tà, nghe chim hót trong bình minh, muốn ghi lại một ý thơ, một nét vẽ thì tôi làm, làm trong tĩnh lặng và hân hoan với vũ hội một mình”.
“Tranh tôi vẽ ra không đặt giá và cũng không mưu cầu bán. Tôi làm thơ và vẽ tranh là để bay qua khổ đau và yêu cả khổ đau của cuộc đời này” - Đoàn Quang Anh Khanh. |
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất