Đội tuyển Brazil: Nỗi xấu hổ của 'Jogo Bonito'

01/07/2015 14:30 GMT+7 | Copa America 2015

(lienminhbng.org) - Những cầu thủ áo vàng xanh cũng khóc, những giọt nước mắt ê chề. Và giờ thì thất bại của Carlos Dunga, không lấy thêm của họ điều gì nữa, ngay cả nỗi buồn.

Kiếm tiền từ cái tên Brazil

Chưa một lần những máy quay lia đi trên các khán đài có cổ động viên Brazil. Họ cũng không buồn tìm kiếm ông già Clovis Fernandes, người nổi tiếng nhất trong cả trăm triệu người hâm mộ bóng đá ở xứ sở Samba. Vì chắc hẳn, ông cũng chẳng dám chường mặt ra để cổ vũ đội bóng trong tim mình thêm một lần nữa.

Chính người đàn ông 60 tuổi này chỉ trích Brazil nặng nề nhất sau thảm bại trước Đức. Ông đã nói thẳng vào sai lầm của một nền bóng đá. Những quan chức bỏ quên nhiệm vụ của mình, biến đội bóng trở thành một cỗ máy kiếm tiền. Họ không muốn từ bỏ một cơ hội nào để nâng cao giá trị thương mại. Nhưng lại lãng phí quá nhiều những mầm non, và chẳng cần quan tâm đến công tác đào tạo trẻ.

Đội bóng áo vàng xanh có thể rong ruổi khắp năm châu, cho một trận giao hữu vô thưởng vô phạt, để bỏ túi vài triệu đô la. Nhưng đây là thực trạng đằng sau hình ảnh mỹ miều: Trận kinh điển giữa Vasco De Gama và Flamengo ở giải vô địch quốc gia mùa vừa qua, chỉ được tổ chức trên sân đấu xoàng xĩnh Pantanal với vỏn vẹn 15 nghìn người có mặt trên khán đài.

Nền bóng đá đấy đã không còn sản sinh ra được cái tên nào khả dĩ hơn Neymar. Kết quả là thảm họa 1-7 ở mùa Hè năm ngoái. Là lần thứ hai liên tiếp bị loại ở tứ kết Copa America. Nhìn vào Brazil hiện tại, bất kì ai cũng đọc vị được họ: Khỏe, đá rắn, phòng ngự phản công và Neymar. Dunga chỉ có thế và đội bóng của ông cũng chỉ đến thế mà thôi. Bỏ qua Oscar, Lucas Moura để chọn Everton Ribeiro và Diego Tardelli. Chấp nhận đánh đổi những nghệ sĩ để lấy đấu sĩ. Nhưng Brazil bị Paraguay loại vì chính những tiêu chuẩn mà Dunga chọn lựa.

Thực tế, đây là vòng quay luẩn quẩn. Brazil đã vô địch thế giới lần thứ 5 với Felipe Scolari, những vẫn bị chỉ trích. Trở lại với Alberto Pereira, thất bại. Chọn Carlos Dunga, kết quả tương tự. Quay lại với Scolari, nhận cú sốc trên sân nhà. Nhắm mắt nhắm mũi mời Dunga một lần nữa, mọi thứ còn tệ hơn. Với các cổ động viên Brazil: Jogo Bonito đã chết từ lâu rồi.

Khi cái tên Brazil mất giá

Cách đây hơn 5 năm, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter còn phải lo ngại vì Brazil, khi có tới hàng nghìn cầu thủ từ xứ sở Samba tràn ngập khắp thế giới, và khoác áo cho các đội tuyển quốc gia khác nhau. Nhưng đấy là thời điểm, họ còn chẳng tiếc vì mất Deco cho Bồ Đào Nha. Marcos Senna cho Tây Ban Nha, không hề có cảm xúc nào khi Eduardo da Silva biến thành công dân Croatia. Deco hay Marcos Senna không có cửa chen chân vào đội hình đầy rẫy những ngôi sao của Brazil lúc đó.

Nhưng giờ thì sao, chỉ vì cái tên Diego Costa, mà cả liên đoàn bóng đá nước này sôi sục. Anh là mẫu cầu thủ chẳng khác Hulk, Fred hay Douglas Costa là mấy, dù đẳng cấp có thể hơn. Ngay cả khi Tây Ban Nha đã không còn giữ được vị thế của mình và khó có cơ hội vươn tới đỉnh cao như trước đây, thì Brazil cũng không còn là lựa chọn mơ ước với Diego Costa. Cái bắt tay của anh với Tây Ban Nha, là lời khước từ cay đắng nhất mà đội bóng áo vàng xanh nhận được.

Eder, một cái tên cũng quá bình thường, có lẽ chẳng ai biết đến nếu anh không ghi bàn cân bằng tỉ số trong trận đấu của Italy với Bulgaria vào tháng 3 vừa qua. Cầu thủ lạ lẫm này, là một phần trong kế hoạch của Antonio Conte cho mùa Hè năm sau. Tiền đạo của Sampdoria đã không ngần ngại thổ lộ, được gọi vào đội tuyển áo màu thiên thanh là giấc mơ thành sự thật với anh. Dù trước đó, Eder sinh ra và lớn lên ở Brazil.

Có thể Eder chẳng xuất sắc đến mức phải tiếc nuối. Nhưng các quan chức của CBF có bao giờ tự hỏi, vì sao Brazil lại mất giá đến vậy không?

3 Trên bảng xếp hạng thành tích Copa America xuyên suốt lịch sử (trước năm 2015), Brazil đứng thứ 3, sau Argentina và Uruguay. Họ vô địch 8 lần, kém Uruguay (15), Argentina (14). Họ giành tổng cộng 327 điểm, kém Uruguay (355) và Argentina (377) (tính 3 điểm/trận thắng).

2007 Lần gần nhất Brazil vô địch Copa America là năm 2007, giải đấu ở Venezuela. Brazil đó cũng do Carlos Dunga dẫn dắt.

5 Brazil rời Copa America mà chỉ ghi được 5 bàn sau 4 trận. Họ để thủng lưới 4 bàn.


Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm