02/12/2021 16:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Từ Tiger Cup đến AFF Cup, bóng đá Việt Nam đã góp mặt ở 3 trận chung kết theo chu kỳ 10 năm…
Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2021
* 19h00, 06/12: Lào vs Việt Nam
* 19h00, 12/12: Việt Nam vs Malaysia
* 16h30, 16/12: Indonesia vs Việt Nam
* 16h30, 19/12: Việt Nam vs Campuchia
Vòng bảng AFF Cup 2021:
* 16h30, 05/12: Singapore vs Myanmar
* 19h00, 05/12: Timor Leste vs Thái Lan
* 16h30, 06/12: Campuchia vs Malaysia
* 19h00, 06/12: Lào vs Việt Nam
* 16h30, 08/12: Myanmar vs Timor Leste
* 19h00, 08/12: Philippines vs Singapore
* 16h30, 09/12: Malaysia vs Lào
* 19h00, 09/12: Indonesia vs Campuchia
* 16h30, 11/12: Timor Leste vs Philippines
* 19h00, 11/12: Thái Lan vs Myanmar
* 16h30, 12/12: Lào vs Indonesia
* 19h00, 12/12: Việt Nam vs Malaysia
* 16h30, 14/12: Philippines vs Thái Lan
* 19h00, 14/12: Singapore vs Timor Leste
* 16h30, 15/12: Indonesia vs Việt Nam
* 19h00, 15/12: Campuchia vs Lào
* 16h30, 18/12: Thái Lan vs Singapore
* 19h00, 18/12: Myanmar vs Philippines
* 16h30, 19/12: Việt Nam vs Campuchia
* 19h00, 19/12: Malaysia vs Indonesia
Vòng bán kết (đá lượt đi lượt về)
Lượt đi:
* 22/12: Nhì A vs Nhất B
* 23/12: Nhì B vs Nhất A
Lượt về:
* 25/12: Nhất B vs Nhì A
* 26/12: Nhất A vs Nhì B
Chung kết (lượt đi và về)
Lượt đi:
* 29/12/2021: Thắng BK1 vs Thắng BK2
Lượt về:
* 01/01/2022: Thắng BK2 vs Thắng BK1
Nhưng có thể lần này, mọi chuyện sẽ khác với giải đấu tại Singapore. Niềm tin rất thật rằng đội tuyển Việt Nam không để tất cả phải chờ thêm “chu kỳ 10 năm” đầy khắc khoải nữa.
Nhớ “Cúp con Cọp”
Năm 1995, từ cuộc họp thành lập Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á tại Singapore, ý tưởng tổ chức một giải đấu dành cho các ĐTQG trong khu vực đã được đưa ra. Lý do, nếu chỉ dựa vào SEA Games, bóng đá trong khu vực (vốn dĩ được coi như “vùng trũng”) có quá ít giải đấu để cọ xát, phát triển. Rất nhanh, từ ý tưởng đến hiện thực chỉ cách nhau chưa đầy 1 năm. Tiger Cup (sau này là AFF Cup) được ra đời với tên gọi chính thức: “Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á”. Cứ 2 năm 1 lần, tổ chức xen kẽ với SEA Games. Singapore vinh dự nhận quyền đăng cai giải lần đầu tiên năm 1996. Sau 25 năm, hôm nay, kỳ AFF Cup lần thứ 13 trở lại quốc gia này.
Hơn 25 năm đó, cũng đánh dấu những thăng trầm của thể thao và bóng đá Việt Nam khi hội nhập trở lại tại đấu trường khu vực. Không ít nụ cười nhưng cũng nhiều nước mắt ở cả sân chơi SEA Games và AFF Cup. Có những bừng khởi nhưng cũng nhiều dự vị mặn chát sau mỗi giải đấu. Từ thế hệ “vàng” nhưng chỉ có bạc cho đến ngôi vương đầu tiên năm 2008 rồi lứa “Thường Châu 2018”, bóng đá Việt Nam đã đi qua 3 trận chung kết “để đời”.
Chu kỳ 10 năm của 3 trận chung kết
3 trận chung kết đó trải dài theo “chu kỳ 10 năm” 1998 - 2008 - 2018. Chu kỳ 10 năm chỉ như một sự ngẫu nhiên của thời gian chứ chưa hẳn đã phản ánh về hiện tượng chuyên môn nào cả. Nhưng đã có lúc (đặc biệt trước trận chung kết năm 2018) câu hỏi đặt ra liệu có phải mất 10 năm nữa, đội tuyển Việt Nam mới đi đến trận đấu cuối cùng hay không?
Đắng cay và tiếc nuối. Cảm giác đó còn dằn vặt những cầu thủ thế hệ “vàng” đến tận hôm nay khi nhớ lại trận chung kết Tiger Cup 1998. Ngày đó, ông Alfred Riedl đã tung nắm đấm đầy kiêu hãnh trên sân Hàng Đẫy sau trận bán kết thắng Thái Lan 3-0. Cứ ngỡ, vượt qua người Thái, chức vô địch đã ở trên tay nhưng rồi “cầm vàng lại để vàng rơi”. Huỳnh Đức, Hồng Sơn ngẩn ngơ nhìn Singapore nâng cúp nhờ cái lưng của Sasi Kumar. Ngôi vương tưởng như rất gần mà cũng rất xa. Xa đến tận 10 năm.
Sau thế hệ “Vàng” nhưng chỉ tuyền huy chương Bạc và Đồng, 10 năm sau, bóng đá Việt Nam mới có vàng đúng nghĩa. Lứa cầu thủ 1981, 1982 và 1984, 1985 của những Dương Hồng Sơn, Như Thành, Minh Phương, Tấn Tài, Tài Em, Vũ Phong, Công Vinh,… lần đầu vô địch khu vực.
Để thua Thái Lan trận đầu ra quân, những tưởng không nhiều hy vọng về thành công tại giải đấu năm đó. Nhưng rồi, bàn thắng “trời cho” của Vũ Phong vào lưới Malaysia trên sân Surakul ở Phuket đã đưa đội tuyển Việt Nam đi một lèo đến ngôi vô địch. Nói “trời cho” bởi chính Vũ Phong cũng không nghĩ cú ra chân của mình trở thành bàn thắng. Hơn thế, nếu không có pha lập công đó, đội tuyển Việt Nam đã ra về sau vòng bảng.
Thầy trò HLV Calisto càng đá càng hay cùng với những may mắn song hành đã thỏa giấc mơ Vàng bao nhiêu năm. Nếu vuột mất ngôi vương 1998 đầy tiếc nuối, cùng đắng cay thì đội tuyển Việt Nam đã đăng quang AFF Cup 2008 bằng một kịch bản kịch tích nhất, cảm xúc nhất và cũng tự hào nhất. Tất cả đã vỡ òa sau bàn thắng không tưởng của Lê Công Vinh. “Chàng trai tháng 12” sau trận chung kết, người hâm mộ gọi Công Vinh với “nick name” như thế. “Cái đêm hôm ấy, đêm gì?”. Lịch sử bóng đá nước nhà, sẽ không thể nào quên cái đêm 28/12 năm ấy.
Những tưởng ngôi vô địch đầu tiên, sẽ tạo ra cú hích thật sự đưa bóng đá Việt Nam “sống khỏe” tại đấu trường khu vực. Nhưng rồi lại phải chờ thêm 1 thập kỷ mới có lại niềm vui. Thậm chí, 10 năm chờ đợi đó, đã có lúc niềm tin chạm đáy. Những thất bát liên tiếp vài kỳ AFF Cup (2012, 2014) rồi cả sân chơi SEA Games (2015, 2017) đã nguội lạnh tình yêu từ người hâm mộ.
Rất may “trong tro còn lửa”. Ngọn lửa đó đã được nhóm trở lại, bùng cháy đến hôm nay từ cái “duyên” của ông Park cùng lứa cầu thủ còn trẻ bây giờ. Dưới bàn tay nhào nặn của HLV người Hàn Quốc, những Quang Hải, Công Phượng, Tiến Linh đã để lại những chiến tích trước đây “nằm mơ” cũng chưa thấy. Niềm vui nối tiếp từ giải đấu Thường Châu cho đến ngôi vô địch AFF Cup 2018 rồi tấm HCV SEA Games 30 sau tròn một “hoa giáp” chờ đợi.
Sự thăng hoa của thế hệ “vàng” giúp bóng đá nước vào đến trận chung kết 1998 trong những ngày đầu trở lại hội nhập. Ngôi vô địch 2008 dựa vào những đột phá nhất thời trong bối cảnh bóng đá Việt Nam chưa xác định rõ đường đi với những phát triển còn mơ hồ, thiếu định hướng. Nhưng ngôi vương năm 2018 lại khác hẳn.
Đó như chỉ dấu đầy tin cậy rằng bóng đá Việt Nam đã sở hữu một nền tảng tốt, để không những vô địch Đông Nam Á mà còn có thể kỳ vọng vào điều lớn lao hơn trong tương lai. Những lần vượt ngưỡng tại Asiad 2018, Asian Cup 2019 cùng dấu mốc đi đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đủ để minh chứng. Rõ ràng, đã có những tích lũy căn cơ, tạo ra được tính kế thừa bắt nguồn từ công tác đào tạo trẻ vài năm qua.
Đời người có mấy cái 10 năm
Thầy trò ông Park đã đến Singapore trong tâm thế của nhà ĐKVĐ. Không chỉ vậy, việc vừa trở về từ vòng loại thứ 3 World Cup cũng ít nhiều có được sự tự tin. Tuy nhiên, AFF Cup 2021 chắc chắn sẽ là một thử thách không nhỏ. Phải bảo vệ được ngôi vương để khẳng định rằng vị thế của bóng đá Việt Nam vài năm qua ở khu vực không phải “ăn may”.
Nếu đĩnh đạc lên ngôi lần này, các đối thủ cũng sẽ “tâm phục” thầy trò ông Park chứ không đổ cho căn nguyên “tại – vì – do - bởi” nữa. Đã đến lúc, từ cái nền đã có, dứt khoát bóng đá nước nhà phải biết tận dụng để bước những bước căn cơ, vững chãi chứ đừng chờ theo kiểu “10 năm”.
Trước trận chung kết AFF Cup 2018, người hâm mộ nhắc về chu kỳ "10 năm” để vào chung kết hay vô địch một lần. Đừng để nỗi khắc khoải “10 năm” như thế ám ảnh thêm nữa khi khép lại AFF Cup lần này.
Cùng chờ đội tuyển Việt Nam ôm cúp trở về trong ngày đầu tiên năm mới 2022.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất