Tuyển Việt Nam không có cầu thủ miền Nam: Đơn giản, vì đó là bóng đá!

16/11/2016 05:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Bản danh sách 25 tuyển thủ của Hữu Thắng với 13 người trong đó được bôi vàng là quê Nghệ An – Hà Tĩnh và không có cầu thủ miền Nam đang được hiểu theo nghĩa phi bóng đá.

13 cầu thủ Nghệ Tĩnh làm chúng ta có thể thấy rằng việc gỡ bỏ đi cái phần nguyên quán trên tấm chứng minh thư nhân dân là một giấc mơ xa vời. Vì bản thân bóng đá tưởng như là phóng khoáng nhất hóa ra vẫn còn đầy rẫy những định kiến.

Người viết muốn bỏ qua trường hợp của Công Phượng mà bắt đầu với trường hợp của Sầm Ngọc Đức – một cầu thủ ít tiếng tăm hơn và dễ làm người ta tin rằng việc được trụ lại ở tuyển là nhờ “hộ chiếu”, dù con đường đến với bóng đá của hai “cầu thủ Nghệ An” này là giống nhau.

11 năm trước, Sầm Ngọc Đức được phát hiện bởi Văn Sỹ Thủy, rồi được chọn vào lò VST ăn tập từ đó. Văn Sỹ Thủy là người Nghệ An. VST thì có trụ sở ở Vinh. Nhưng chính cái cách hoạt động của họ lại trở thành mô hình chuẩn mực của đào tạo trẻ của BĐVN trong thời gian qua và xóa nhòa đi những ranh giới địa phương hành chính.

VST trở thành lò vệ tinh của HN T&T trong việc tiếm kiếm tài năng, đào tạo các cầu thủ trẻ tiềm năng trong một vài năm đầu, rồi sàng lọc và những ai qua được cửa ải ấy sẽ ra Thủ đô ăn tập.

HLV Triệu Quang Hà: ‘HLV Hữu Thắng không phân biệt vùng miền”

HLV Triệu Quang Hà: ‘HLV Hữu Thắng không phân biệt vùng miền”

Cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam Triệu Quang Hà cho rằng, việc HLV Hữu Thắng giữ lại nhiều cầu thủ Nghệ An, Hà Tĩnh là điều hợp lý và đây đơn thuần nằm ở yếu tố chuyên môn chứ không hề có ý phân biệt vùng miền.


Viettel, một trong những trung tâm đào tạo cũng gặt hái được thành công từ mô hình vệ tinh ấy. Viettel thiết lập hệ thống với giáo trình, yêu cầu chung cho các lò vệ tinh và tất cả vì thế đều mang hơi thở của Viettel. Mô hình vệ tinh này có tính ưu việt là nhờ chính các HLV, các trinh sát ở địa phương mà họ sẽ không bỏ sót tài năng, và trên hết, nó bù đắp cho các địa phương vốn có truyền thống đào tạo nay suy yếu vì đủ các lý do khác nhau.

Bởi vậy, Viettel có thể tự hào rằng trung vệ của ĐTVN, Bùi Tiến Dũng là người của họ dù cho cầu thủ này quê Hà Tĩnh. Và tương tự như vậy, Công Phượng là “con của bầu Đức” tít trên phố Núi, và Sầm Ngọc Đức là sản phẩm của bầu Hiển mãi ngoài Thủ đô. Ba cầu thủ ấy, nếu người viết không nhầm, họ với Hữu Thắng chưa từng là thày trò của nhau cho tới khi cùng hội ngộ ở tuyển.

Ngay cả Đinh Thanh Trung, một cầu thủ quê Hà Tĩnh cũng là sản phẩm của Hòa Phát Hà Nội dù cho cầu thủ này đi lên từ phong trào bóng đá học đường. Khoác áo trẻ Hà Tĩnh rồi tới năm 19 tuổi thì ra Thủ đô đầu quân cho Hòa Phát HN trong một quãng thời gian đủ dài để khi cần vẫn nói một giọng Bắc chuẩn.

Một đội tuyển vắng bóng chân giày miền Nam

Khi tiền đạo Anh Đức (Becamex Bình Dương) từ chối lên tuyển, Đức lúc đó đã không biết rằng giờ đây anh đã vô tình khiến cho đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2016 đi vào lịch sử là đội tuyển đầu tiên của thời tái hội nhập với khu vực không có cầu thủ nào miền Nam.

Mà nói về bóng đá phía Nam thì chúng ta hãy nhìn toàn cảnh để thấy thực trạng của nó. Becamex Bình Dương mấy năm gần đây thực hiện công cuộc Nghệ An hóa, để Anh Đức tiếp tục là cầu thủ cây nhà lá vườn hiếm hoi của đội bóng giàu thành tích nhất kể từ khi V-League ra đời.

Bóng đá TP HCM phải tới vòng 5 mùa rồi mới chấm dứt được giai đoạn không đại diện ở V-League kể từ 2014 khi Hà Nội FC đổi tên thành Sài Gòn FC và chọn Thống Nhất làm sân nhà.

Đồng Tháp, nơi từng đóng góp tới 3 tuyển thủ trong màu áo ĐTVN ở SEA Games 1995 (thủ môn Thanh Nhạc, Công Minh, Quốc Cường), rồi hàng loạt những nhân tố như Thanh Bình, Tấn Trường, Việt Cường, Văn Pho, Quý Sửu, Được Em về sau này đang trải qua giai đoạn mỗi năm lại lên xuống hạng một lần khi chính sách “tự cường” của họ bị tác động đáng kể bởi ngân sách cho bóng đá trẻ như tấm da lừa.

Công Vinh và khoảng trống phía sau

Công Vinh và khoảng trống phía sau

Trước AFF Suzuki Cup 2016, Công Vinh đón nhận tin vui khi anh ngồi chung “mâm” cùng Ronaldo, Messi, Rooney hay Neymar trong Top 10 cầu thủ ghi bàn hàng đầu thế giới hiện đang khoác áo ĐTQG.


Từ SEA Games 1995 đội hình chính của ĐTVN giành HCB thường có tới tám cầu thủ là những chân giày miền Nam cho đến một ĐTVN tham dự AFF Cup không còn ai nữa thì bóng đá miền Nam cũng có thể buồn. Nhưng đáng ra thì họ phải buồn trong cả một thập kỷ đã qua khi lần lượt từng địa phương không còn chăm lo cho bóng đá trẻ nữa. Nếu buồn thì phải buồn cho trường Năng khiếu Nghiệp vụ từng nhào nặn nên những danh thủ qua mỗi thời thì đến sau lứa Hữu Thắng, Việt Thắng đã không còn giới thiệu được ai xuất sắc.

Đoàn kết ở tuyển

Cũng có thể một ngày nào đó khi lò Sông Lam không được nhóm lửa mạnh mẽ trở lại thì một ĐTVN trong tương lai có thể sẽ không có người Nghệ An (hiểu đúng nghĩa bóng đá) đứng trong hàng ngũ (mở ngoặc là đội U16 và U19 QG gần đây cũng hiếm lò Sông Lam). Đó là điều đã xảy ra với Hải Phòng, với Nam Định. Nếu Hà Tây không sáp nhập thì Hà Nội lần này cũng chẳng có ai.

Danh sách 25 tuyển thủ đi Myanmar từ ngày hôm qua có những cầu thủ đến từ Quảng Ninh, từ Thanh Hóa, từ Thái Bình, Tuyên Quang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, thậm chí là cả Nga. Những người quê Nghệ Tĩnh có thể đi ăn đi siêu thị cùng nhau, còn phần còn lại lại tìm thấy sự đồng điệu ở một nơi khác thì đó cũng chẳng phải là vấn đề quá lớn.

Miễn là khi thi đấu họ chuyền bóng cho nhau, bọc lót cho nhau trên từng centimet mặt cỏ, ăn mừng bàn thắng cùng nhau và cả chia sẻ khi mắc lỗi. Quan trọng là chung màu áo đỏ.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm