Tỷ phú đô la cũng chiến đấu tới cùng vì danh dự

18/09/2014 13:51 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Không chỉ các ngôi sao giải trí nổi tiếng thế giới như Chương Tử Di mới dính tin đồn ác ý mà ngay cả các chính khách, doanh nhân và đặc biệt là giới tỷ phú đô la cũng thường xuyên bị vu khống bôi nhọ. Sự khác biệt nằm ở chỗ những người này luôn chiến đấu tới cùng vì danh dự của mình.

Nổi tiếng nhất, được nhắc tới nhiều nhất có lẽ là trường hợp của tỷ phú người Nga Roman Abramovich, ông chủ CLB bóng đá Chelsea.

Vụ bôi nhọ tai tiếng

Tháng 5/2009, tờ La Repubblica của Italy đã đăng một bài báo gây sốc với tựa đề "Một năm đen tối cho Abramovich khi ông chơi bạc thua du thuyền". Nội dung bài viết nói rằng Abramovich đã mất quá nhiều tiền khi chơi bài poker, tới mức ông phải để lại một chiếc du thuyền sang trọng trị giá tới 800.000 USD.

Bài báo cũng nói rằng màn chơi bạc đó khiến Abramovich rơi vào khủng hoảng trong quan hệ với bạn gái lâu năm Dasha Zhukova. Chưa đã "cơn khát", ông còn tìm tới giải trí trên các trang đánh bạc trực tuyến. Luật sư riêng của Abramovich là John Kelly cho biết thông tin trong La Repubblica là bịa đặt, không đúng sự thực và đã khiến tỷ phú Nga rơi vào tình trạng "căng thẳng, xấu hổ".

Chưa từng ngại việc giải quyết tranh chấp trước tòa án, Abramovich đã khởi kiện tờ Abramovich lên tòa án London. Nhà xuất bản Gruppo Editoriale L'Espress, nơi sở hữu tờ La Repubblica, sau đó đã phải xin lỗi Abramovich trước tòa và còn công khai đăng lời xin lỗi này cho công chúng biết. Chưa hết, nhà xuất bản còn phải trả một khoản tiền bồi thường không nhỏ cho Abramovich.


Tỷ phú Ireland O'Brien đã được bồi thường 200.000 USD sau khi một tờ báo bôi nhọ ông là “kẻ đạo đức giả"

Những thông tin đơm đặt trắng trợn

Năm 2011, thêm một tỷ phú người Anh gốc Ethiopia gây chú ý khi thắng kiện một tờ báo "đơm đặt" những chuyện khó tin về ông. Bài viết bôi nhọ tỷ phú Mohammed Hussein Al-Amoudi, người đứng trong top 50 các tỷ phú giàu nhất thế giới do Forbes bầu chọn, được đăng trên trang tin Ethiopian Review vào năm 2010. Bài viết nói rằng ông Al-Amoudi đã có hành vi "phi đạo đức và nhẫn tâm" khi ép gả cô con gái Sarah, mới 13 tuổi, cho một thành viên cao tuổi trong gia đình Hoàng gia Saudi Arabia. Con gái đã bị ông xem như một món quà không hơn. Bài báo tiếp tục nói rằng Al-Amoudi còn ra tay sát hại người yêu của con gái ở Iraq và săn lùng con gái cùng cháu gái khắp đất nước Anh. Ông muốn đưa cả 2 về Saudi Arabia để ném đá họ tới chết.

Al-Amoudi nói rằng ông "kinh hoảng" khi đọc bài báo bịa đặt vu khống trắng trợn này, đã được vô số người ghé thăm trang web đọc được từ tháng 1 tới tháng 8/2010, thời điểm nó bị gỡ xuống.

Hoạt động xác minh sau đó cho thấy ông Al-Amoudi có quan hệ bình thường với Sarah và con ông đang học quản trị kinh doanh ở Anh. Tòa án Anh đã lập tức đứng về phía Al-Amoudi, yêu cầu trang Ethiopian Review phải đưa ra lời xin lỗi và bồi thường danh dự cho ông số tiền 175.000 bảng (285.000 USD).

Gần đây nhất, tỷ phú Ireland Denis O’Brien đã gây chú ý vào năm 2013 khi thắng kiện công ty xuất bản Associated Newspapers của Anh, chủ sở hữu tờ Irish Daily Mail đã bôi nhọ ông. Tờ báo kể trên từng có một bài báo do tác giả Paul Drury viết và đăng hồi tháng 1/2010, không lâu sau khi trận động đất Haiti diễn ra, cáo buộc Drury là kẻ đạo đức giả, tham gia hoạt động nhân đạo ở Haiti chỉ vì công ty viễn thông Digicel của ông có những mối lợi lớn ở đây.

Tòa án Dublin thấy rằng bài báo chỉ thể hiện quan điểm của Drury. Tuy nhiên đây là quan điểm không dựa trên cơ sở thực tế và không phục vụ lợi ích công chúng nên nó đã mang tính bôi nhọ cá nhân. Do Irish Daily Mail đăng bài viết này, tờ báo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tòa đã yêu cầu Irish Daily Mail xin lỗi O'Brien và bồi thường ông số tiền 200.000 USD.

Nơi tung tin thất thiệt phải chịu hết trách nhiệm

Một trường hợp cho thấy người ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với thông tin sai do họ đưa ra, dù vô tình hay cố ý. Đó là vụ tỷ phú Hong Kong Albert Yeung đâm đơn kiện tập đoàn Google do tung tin rằng ông có liên quan tới tội phạm có tổ chức.

Albert Yeung đâm đơn kiện Google lần đầu vào tháng 8/2012, do công ty từ chối không thay đổi việc người dùng gõ tên ông vào trang tìm kiếm của hãng sẽ được gợi ý tìm thêm cả từ "hội tam hoàng". Cái tên của các băng tội phạm khác như “14k” và “Sun Yee On” cũng sẽ hiện lên khi hoạt động tìm kiếm tên ông Yeung hoàn tất.

Google đã đề nghị một tòa án Hong Kong bác đơn kiện vào tháng 12/2012, cho rằng lá đơn chẳng có cơ sở pháp lý nào. Theo công ty, chức năng tự động hoàn tất mẫu tìm kiếm do máy tính đảm nhận và con người không hề can thiệp vào. Ngoài ra các kết quả thu được cũng không có dụng ý tiêu cực nhằm vào bất kỳ cá nhân nào. Nhưng cuối tháng 8 vừa qua, tòa Hong Kong đã bác đơn của Google, qua đó mở đường cho ông Yeung đòi lại danh dự cho mình.

“Đã có đủ cơ sở cho thấy Google là bên xuất bản ra các câu chữ và chịu trách nhiệm về hoạt động xuất bản của họ" - thẩm phán Marlene Ng cho hay trong phán quyết - "Lợi ích của việc dễ dàng tiếp cận được với một kho tài nguyên thông tin giàu có là rất lớn... Nhưng các lợi ích như thế đi kèm với một cái giá: bất kỳ thông tin sai nào cũng dễ dàng bị phát tán rộng rãi bởi những người dùng đang thu thập tin tức trên Internet". Và chi phí để bồi thường, khắc phục hậu quả chắc chắn cũng không nhỏ.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc bài Các báo lá cải có... 'sợ' kiện cáo?

Đọc bài Khi báo lá cải bị... 'gậy ông đập lưng ông'

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm