16/06/2023 11:12 GMT+7 | Bóng đá Việt
Hồi đầu năm, HLV Hoàng Anh Tuấn đã "vuột" tham vọng dự World Cup cùng với đội tuyển U20, bây giờ ông sẽ thêm một lần nỗ lực cùng đội U17. Có lẽ câu chuyện World Cup giờ đã là quen thuộc cùng bóng đá Việt Nam, nhưng có lẽ chúng ta hãy có một chút thận trọng: Rất gần cũng chưa phải là đã ở trong tầm tay.
1. Năm 2016, HLV Hoàng Anh Tuấn đã cùng đội tuyển U19 Việt Nam lập kỳ tích giành vé dự U20 World Cup. Cho đến nay, đó vẫn là một cột mốc kỳ vĩ của lịch sử bóng đá Việt Nam ở 2 khía cạnh: Dự World Cup và giới thiệu một thế hệ mà người ta gọi là "kim cương".
Nhắc một chút lại về những ngày tháng đẹp ấy cũng là để hi vọng HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò ở đội U17 của ông có thể tái lặp điều tương tự ở giải U17 châu Á bao gồm 4 suất dự U17 World Cup. Chỉ riêng việc VFF bổ nhiệm ông Tuấn vào vị trí HLV trưởng U17 cũng cho thấy họ kỳ vọng vào cái "duyên" của nhà cầm quân quê Khánh Hòa.
Nhưng cũng vì thế, chúng ta cũng cần có một nhìn nhận thật "tiêu chuẩn" về cơ hội giành vé dự World Cup. Nó là kiểu mục tiêu "trong tầm tay nhưng ngoài tầm với". Nó rất gần nhưng không có nghĩa là cứ muốn là thành công. Hãy nhìn lại chặng đường giành vé của U19 7 năm trước. Đó là một sự hòa hợp giữa các yếu tố về con người và sự may mắn cần thiết trong bóng đá.
Tập thể khi đó của ông Hoàng Anh Tuấn đã có 2 năm tập chung với nhau và họ thật sự là những tài năng hiếm có. Kế đến, do các thất bại ở giải U19 Đông Nam Á 2016, cũng như thời điểm đó lứa U19 của HAGL đã quá nổi bật, thu hút công chúng nên đội của ông Hoàng Anh Tuấn gần như chẳng phải chịu bất kỳ áp lực gì. Đó là nền tảng để ông Tuấn áp dụng thứ bóng đá nặng tính thực dụng và đạt mục tiêu.
Nhưng sau thành công đó, mọi thứ khác hẳn. Kỳ vọng tăng lên cho cả ông Tuấn "con" lẫn các đội U. Tất nhiên là điều này cũng bình thường, nhưng đôi khi chúng ta có thói quen .. bình thường quá mức những điều không hề đơn giản.
Giành vé dự World Cup dù ở lứa tuổi nào, cũng là cuộc đấu của cả châu lục. Việc đầu tư cho bóng đá trẻ giờ đã là kim chỉ nam của các nền bóng đá khi mà độ tuổi để tỏa sáng của các ngôi sao thế giới ngày càng trẻ. Đó là lý do mà các giải U ở châu Á ngày một nhiều hơn và được tổ chức thường xuyên hơn bởi chính AFC cũng nhìn nhận rằng họ cần phải tạo thêm sân chơi cho bóng đá trẻ mới hi vọng có được những bước tiến tại sân chơi World Cup.
Thế nên, những người như ông Tuấn "con" đang ngày một cần thiết hơn, tiếc là ông đang trở thành "của hiếm".
2. Vài năm trước, đã có dự án đưa các cầu thủ U15-U17 sang châu Âu tập huấn theo hình thức dài hạn tập trung. Mô hình này được đánh giá cao do hiện tại, hệ thống thi đấu các giải trẻ ở Việt Nam vẫn còn manh mún, tổng thời gian thi đấu mỗi năm quá ít khi các CLB chuyên nghiệp hầu như không đầu tư cho các lứa dưới U19. Tuy nhiên, sau một đợt sang Đức, thì hiện tại chương trình bồi dưỡng tài năng trẻ ấy không còn thấy nhắc đến.
Chúng ta cần chăm chút nhiều hơn cho phần "gieo mầm" này. Như đã phân tích, việc dự World Cup không hề đơn giản. Với các đội U đã khó, đừng nói đến chuyện của đội tuyển quốc gia. Hồi U19 dự World Cup, đội của ông Tuấn chỉ cần đá có 4 trận ở VCK là giành vé.
Trong khi đó, như hồi của ông Park Hang Seo, đội tuyển phải đá gần 20 trận với 2 đợt vòng loại. Nghĩa là không chỉ là yếu tố con người, may mắn mà còn cả một sự chuẩn bị lâu dài ổn định. Hay nói cách khác, chúng ta phải có đẳng cấp nhất định, cầu thủ chúng ta phải có những tích lũy quốc tế đầy đặn cả về kinh nghiệm lẫn chuyên môn. Mà để có được điều đó, thì phải từ U17, U19 chứ không thể trông đợi vào tài năng của một HLV như Philippe Troussier.
Tiếc là những kế hoạch dài hơi như vậy không nhiều. VinGroup từng có thời gian tham gia dự án "Giấc mơ World Cup" nhưng chương trình ấy kết thúc lúc nào chẳng ai hay, Next Sports của Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Trung Kiên cũng thế và hiện tại, không thấy tổ chức hay doanh nghiệp nào đứng ra bảo trợ cho một kiểu dự án dài hạn như vậy trong khi hệ thống thi đấu bóng đá trẻ Việt Nam vẫn chưa có gì đổi mới.
3. Một lần nữa, đành phải nhờ vào cái "duyên" của ông Hoàng Anh Tuấn. Nghĩa là chúng ta chờ ở vận may nhiều hơn là thực lực. Đó chính là vấn đề. Bởi kiểu kỳ vọng này chỉ gây thêm áp lực chứ không có tính hỗ trợ cần thiết cho đội U17.
Giới mộ điệu chỉ quan tâm đến chuyện giành vé dự U17 World Cup hay không, chứ ít khi có đánh giá công bằng về màn trình diễn của các cầu thủ trẻ. Như hồi đầu năm, đội U20 của ông Tuấn "con" chơi rất đường nét, hiện đại nhưng vì không vượt qua được vòng bảng nên nhanh chóng bị lãng quên. Nếu chúng ta không kỳ vọng quá nhiều vào việc giành vé dự World Cup, thì biết đâu, căn cứ trên màn trình diễn ấy mà cứ đưa ông Tuấn cùng đội U20 dự SEA Games 32 thay vì U22 thì họ sẽ còn được trau dồi nhiều hơn. Vì cứ xem dự World Cup là mục tiêu nên không đạt được thì dễ quên đi những cái đích khác cần đạt.
Xét về chu kỳ, thì lứa U17 của ông Hoàng Anh Tuấn dẫn sang Thái Lan lần này cần được đầu tư mạnh vì đây là thời điểm tròn 10 năm kể từ ngay ông Tuấn bắt đầu tiếp nhận và dẫn dắt lứa U19 của năm 2016. Thông thường, cứ khoảng 10 năm thì sẽ xuất hiện một thế hệ hoàn toàn mới. Chúng ta đã có lứa "thế hệ vàng" 1995, rồi "thế hệ vàng 2.0" năm 2005 và lứa cầu thủ của ông Tuấn dự U20 World Cup.
Đội U17 hiện tại của ông Tuấn không cần phải chịu áp lực giành vé dự World Cup vì họ vẫn còn thời gian nhưng họ cần được đầu tư không kém gì lứa U22 hiện tại hãy nhớ rằng sau giải đấu tại Thái Lan, có thể những cầu thủ ấy sẽ chẳng còn được ai quan tâm nữa, kể cả các CLB đang sở hữu họ.
Xin nhớ rằng, lứa U19 của HAGL đã từng được sang Anh, sang Nhật tập huấn và thi đấu khi chỉ mới 16-17 tuổi. Lứa U19 năm 2016 của ông Hoàng Anh Tuấn thì từng cùng nhau dự đến 2 giải U19 Đông Nam Á cho đến khi giành vé World Cup. Tích lũy kinh nghiệm cho cầu thủ trẻ càng sớm càng tốt chứ đợi đến U22 mới tính chuyện đầu tư thì quá muộn.
Sáng ngày 14/6, đội tuyển U17 Việt Nam đáp chuyến bay từ TP.HCM sangBangkok (Thái Lan) để chuẩn bị cho VCK U17 châu Á 2023. Gần 11h cùng ngày, đội tuyểnU17 Việt Nam với 24 cầu thủ đã có mặt tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Sau khi hoàn tất thủ tục thông quan, toàn đội mất khoảng 30 phút di chuyển để về đến khách sạn Rama Gardens Bangkok.
Thời tiết ở Bangkok ở thời điểm hiện khá tương đồng với địa điểm tập huấn tại Bà Rịa Vũng Tàu nên các cầu thủ không quá khó khăn để thích nghi. Dù vậy, HLV Hoàng Anh Tuấn và các cộng sự nhắc nhở các thành viên chú ý đến nhiệt độ điều hoà, các vấn đề ăn uống để bảo đảm sức khoẻ cho các buổi tập và cũng như bước vào trận đấu đầu tiên với U17 Ấn Độ.
Tại VCK năm nay, các đội sẽ thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm. Hai đội nhất nhì ở mỗi bảng sẽ vào tứ kết. Vòng tứ kết sẽ diễn ra trong 2 ngày 25-26/6, bán kết sẽ diễn ra vào ngày 29/6 trong khi trận chung kết sẽ diễn ra vào lúc 19h00 ngày 2/7. Bốn đội vào bán kết sẽ giành vé dự U17 World Cup.
Theo sắp xếp của BTC, U17 Việt Nam thi đấu cả 3 trận vòng bảng ở sân Thammasat ở 2 khung giờ 17h00 và 19h00. Đoàn quân của ông Hoàng Anh Tuấn sẽ có trận ra quân gặp đối thủ U17 Ấn Độ vào ngày 17/6, sau đó, lần lượt gặp U17 Nhật Bản (20/6) và U17 Uzbekistan (23/6).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất